Đến với Lễ hội Đình Song Lĩnh, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) vào ngày mùng 3 Tết, nhân dân và du khách không chỉ được tham gia phần lễ linh thiêng cầu cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu trong năm mới, mà còn được thưởng thức các tiết mục văn nghệ và trò chơi dân gian đặc sắc như: Tung còn, đi cầu khỉ…
Một tiết mục múa, hát tại Lễ hội Đình Song Lĩnh, xã Lưỡng Vượng, TP Tuyên Quang.
Tham gia các tiết mục văn nghệ tại lễ hội có đội văn nghệ, CLB giữ gìn bản sắc văn hoá đến từ các thôn trong xã. Xã Lưỡng Vượng có tỷ lệ đồng bào dân tộc Cao Lan đông, sinh sống ở nhiều thôn trong xã. Những năm qua, đồng bào Cao Lan nơi đây luôn giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc thông qua việc thành lập các câu lạc bộ, đội văn nghệ để tập luyện các tiết mục múa, hát của dân tộc Cao Lan. Bên cạnh đó, các thành viên trong các câu lạc bộ, đội văn nghệ còn duy trì tiếng nói, trang phục dân tộc và trao truyền lại cho thế hệ trẻ ở địa phương.
Bà Nguyễn Thị Hạ, thôn 9, xã Lưỡng Vượng chia sẻ, nhiều năm tham gia lễ hội, năm nay bà thấy lễ hội thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hơn. Công tác chuẩn bị và các hoạt động tại lễ hội cũng đặc sắc và phong phú hơn. Bà ấn tượng nhất là các tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc Cao Lan, dân tộc Tày ở địa phương. Qua đó cho thấy, thế hệ trẻ luôn có ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.
Cũng như mọi năm, ngày 17, 18 – 2 (tức ngày mùng 8-9 tháng Giêng), xã Bình An, huyện Lâm Bình tổ chức liên hoan văn nghệ quần chúng của xã. Tham gia liên hoan, đội văn nghệ ở các thôn đã mang đến những tiết mục đặc sắc giàu bản sắc văn hoá các dân tộc Tày, Mông, Dao… Những lời ca, điệu múa ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, ca ngợi quê hương đất nước đổi mới đã được truyền tải một cách sinh động.
Một tiết mục múa tại Liên hoan văn nghệ quần chúng xã Bình An (Lâm Bình).
Chị Ma Thị Hậu, Chủ tịch Hội LHPN xã Bình An cho biết, thông qua các hoạt động văn hoá, văn nghệ, bản sắc văn hoá các dân tộc trên địa bàn luôn được giữ gìn và phát huy. Đặc biệt, trong dịp đầu xuân, năm mới, bà con các dân tộc trong xã rất phấn khởi tham gia liên hoan. Qua đó, tạo động lực và khí thế mới để trong năm 2024 tiếp tục thi đua lao động sản xuất tích cực hơn, góp phần xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Không khó để bắt gặp những điệu múa chim Gâu của đồng bào Cao Lan, hát Then của đồng bào Tày, thổi khèn của đồng bào Mông, hát Páo dung của dân tộc Dao… trong các hoạt động văn hoá, văn nghệ đầu xuân tại các địa phương trong tỉnh. Đó không chỉ là điểm nhấn trong các lễ hội để tạo không khí phấn khởi đầu năm, mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá, làm phong phú đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết