Xã Hùng Lợi là xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Yên Sơn, có 10 dân tộc, trong đó trên 47% là đồng bào dân tộc Mông. Trên địa bàn xã Hùng Lợi hiện có 16 người có uy tín do bà con tin tưởng bầu chọn. Vai trò người có uy tín trong dòng họ, cộng đồng hết sức quan trọng, thể hiện ở việc tuyên truyền, vận động người dân chấp hành pháp luật; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và giữ gìn an ninh trật tự xã hội, vận động bà con thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư.
Ông Lầu Văn Thào, người uy tín ở Nà Tang, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) phát khẩu trang tuyên truyền
phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho người dân.
Ông Lầu Văn Thào, thôn Nà Tang là người đã phát huy vai trò người có uy tín của mình trong việc giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương. Ông là người tham mưu thành lập mô hình tự quản về an ninh trật tự tại thôn. Ông Thào chia sẻ: trong thôn có một số hộ đồng bào dân tộc Mông tin và nghe theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Ông đã tích cực tham gia tuyên truyền để họ nhận thấy đó là việc làm trái pháp luật, trái với phong tục tập quán của người Mông. Nghe theo ông, một số hộ đã viết đơn cam đoan không theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình và tham gia vận động các hộ khác trong thôn không theo tổ chức bất hợp pháp này nữa.
Cách đây mấy năm, bản người Nùng, thôn Yểng tồn tại hủ tục anh em họ có thể kết hôn được với nhau. Thôn có gần chục cặp hôn nhân cận huyết thống. Điều này làm ông Lý Diu Lìn, người uy tín của thôn đau đáu mãi. Ông đến từng gia đình tuyên truyền về tác hại của hôn nhân cận huyết. Ban đầu, nhiều người không tin, họ cãi lý, chỉ cần khác họ thì trai gái được lấy nhau. Ông Lìn kiên trì đưa ra mọi lý lẽ thuyết phục, lấy “gương” ngay các cặp vợ chồng kết hôn cận huyết có con bị bạch tạng, còi cọc không phát triển như người bình thường. Ông cùng các cán bộ thôn thường xuyên vận động để người dân hiểu hậu quả của hôn nhân cận huyết thống. Nhờ đó, nhiều năm qua thôn Yểng đã thoát khỏi tình trạng hôn nhân cận huyết thống.
Được bà con trong bản bình bầu là người có uy tín, ông Lương Thái Hồng, dân tộc Tày, thôn Chương luôn xác định được trách nhiệm bản thân. Ông cùng với Ban công tác Mặt trận của thôn hòa giải thành công hàng chục vụ mâu thuẫn, vướng mắc liên quan đến đất đai của người dân trong thôn. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, ông Hồng đã vận động các hộ dân trong thôn đóng góp tiền và ngày công để hoàn thành trên 1.000 mét đường bê tông nông thôn, giúp người dân đi lại được thuận tiện hơn.
Không chỉ tham gia công tác hòa giải, giữ gìn an ninh trật tự, người có uy tín còn tuyên truyền, khuyến khích bà con phát triển kinh tế.
Điển hình như anh Hoàng Văn Sinh là người có uy tín tại thôn Tấu Lìn. Thôn hiện có 93 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Nùng… Anh cùng với các cán bộ thôn thường xuyên vận động bà con chú trọng phát triển kinh tế. Bản thân gia đình anh cũng đầu tư trồng trên 9 ha rừng và nuôi ong. “Miệng nói, tay làm”, anh đã tích cực vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế hiệu quả. Hiện nay, thôn có 80% hộ dân trồng rừng với hơn 30 ha rừng. Toàn thôn có 25 hộ nuôi ong rừng, nhiều hộ có từ 40 đến 50 đõ. Hộ nuôi nhiều có thể cho thu nhập từ 40 đến 50 triệu đồng/năm. Điển hình như gia đình các anh: Dương Văn Tọa, Dương Sáng Áo, Dương Minh Đức…
Những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số Hùng Lợi đã góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn cuộc sống bình yên. Họ được ví như chiếc “cầu nối” của ý Đảng, lòng dân.
Gửi phản hồi
In bài viết