Hiểm họa từ xe chở vật liệu cồng kềnh

- Những chiếc xe thô sơ, phương tiện giao thông chở vật liệu cồng kềnh từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh của người đi đường, nhất là khi trời mưa trơn trượt. Thực tế đã có nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng gây tổn thất về người và tài sản xảy ra khi không may va chạm với những xe chở vật liệu không đúng quy định.

Mới đây ngày 20-5, một chiếc xe  chở vật liệu cốt pha quá giới hạn chiều dài xếp hàng hóa của xe lưu thông trên đường ĐT 185, đoạn qua thôn Éo, xã Xuân Vân (Yên Sơn) đã bị lật nghiêng. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do xe chở nặng, cồng kềnh nên qua khúc cua đã bị trượt bánh khỏi làn đường. Vụ việc không không gây thiệt hại về người nhưng đã làm ách tắc giao thông nhiều giờ liền ở khu vực này.

Mặc dù đã có những trường hợp đau lòng xảy ra liên quan đến các xe chở hàng hóa cồng kềnh bị lật đổ hoặc những vụ tai nạn do xe tự chế chở vật liệu sắc nhọn như tấm tôn, sắt, thép… gây ra, tuy nhiên xe chở vật liệu cồng kềnh vẫn trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người đi đường.

 Người dân vận chuyển tấm tôn lợp mà không có bọc bảo vệ lưu thông trên đường Trường Chinh (TP Tuyên Quang).

Anh Đoàn Trọng Tuân, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) cho biết, hàng ngày đi làm anh chứng kiến cảnh xe ba gác, xe tự chế thậm chí xe máy chở tôn, sắt, thép vô tư chạy trên đường. Những vật liệu cồng kềnh không chỉ che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông mà còn gây nguy hiểm nếu không may va quệt phải hoặc bị rơi ra đường.

Còn chị Nguyễn Thị Thu Trang, xã Thái Bình (Yên Sơn) cho biết, khi đi trên đường mà gặp phải những chiếc xe chở sắt, thép, tôn, tấm kính lớn… hay những chiếc xe chở hàng hóa, đất cát cồng kềnh không được che đậy chị lại tránh xa. Biết rằng nghề vận chuyển là cuộc sống mưu sinh của nhiều người, thế nhưng cần phải có biện pháp đảm bảo an toàn để không ảnh hưởng đến những người tham gia giao thông khác.

Quy định về chở hàng hóa, vật liệu đã được Thông tư số 07 của Bộ Giao thông - Vận tải nêu rõ, xe mô tô 2 bánh chỉ được phép chở hàng có tải trọng tối đa là 350 kg. Điều 18, chương V quy định, xe mô tô, xe gắn máy không được xếp hàng hóa, hành lý vượt quá bề rộng giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,3m, vượt quá phía sau giá đèo hàng là 0,5m. Chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy là 2,0m.

Để xử lý nghiêm vi phạm, đảm bảo tính răn đe, Nghị định 100 của Chính phủ cũng quy định phạt tiền 400.000-600.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe gắn máy xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định; tước giấy phép lái xe từ 3-5 tháng nếu gây tai nạn giao thông. Phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng đối với người điều khiển ô tô tải vận chuyển hàng hóa không chằng buộc hoặc có chằng buộc nhưng không chắc chắn…

Trung tá Lê Tuấn Quang, Đội trưởng Đội tuần tra, kiểm soát an toàn giao thông đường bộ, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh nhấn mạnh, việc chở  hàng hóa cồng kềnh là vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Khi chở những mặt hàng này, bản thân người điều khiển không quan sát được xung quanh nên khi gặp sự cố rất khó để xử lý.

Theo Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Đỗ Văn Lai, hiện toàn tỉnh có trên 570.000 phương tiện giao thông cơ giới đường bộ do Công an tỉnh, Sở Giao thông – Vận tải quản lý. Cùng với việc tăng cường tuần tra, xử lý các phương tiện vi phạm tải trọng, chở hàng hóa cồng kềnh, quá khổ, Ban An toàn giao thông tỉnh cũng tích cực tuyên truyền cho các chủ phương tiện nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông. Qua đó nhằm đảm bảo an toàn giao thông và trật tự đô thị, phòng ngừa tai nạn giao thông do các phương tiện chở hàng cồng kềnh gây ra.

 Bài, ảnh: Thùy Lê

Tin cùng chuyên mục