Nền điện ảnh nước ta ra đời từ trong chiến tranh, trưởng thành qua hai cuộc kháng chiến. Kể từ bộ phim truyện đầu tiên của điện ảnh cách mạng "Chung một dòng sông" (ra đời năm 1959) cho đến cuối những năm 80 thế kỷ XX, có thể nói không quá rằng, số phận của điện ảnh cách mạng Việt Nam đã gắn bó với số phận của lịch sử dân tộc, phản ánh được những năm tháng đau khổ nhưng hào hùng của đất nước với những tác phẩm như "Vợ chồng A Phủ" (đạo diễn Mai Lộc, Hoàng Thái, 1961), "Con chim vành khuyên" (đạo diễn Nguyễn Văn Thông, Trần Vũ, 1962), "Chị Tư Hậu" (đạo diễn Phạm Kỳ Nam, Trần Thiện Liêm, 1963), "Rừng xà nu" (đạo diễn Nguyễn Văn Thông, 1969), "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm" (đạo diễn Hải Ninh, 1972), "Em bé Hà Nội" (đạo diễn Hải Ninh, 1974)...
Sau ngày thống nhất đất nước, điện ảnh Việt Nam tiếp tục có những tác phẩm kinh điển về đề tài chiến tranh và hậu chiến như "Thị xã trong tầm tay" (đạo diễn Đặng Nhật Minh, 1983), "Bao giờ cho đến tháng Mười" (đạo diễn Đặng Nhật Minh, 1984), "Tướng về hưu" (đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi, 1988)...
"Đừng đốt" dựa trên chất liệu chính là cuốn nhật ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Ảnh: Thanh Đặng
Từ những năm 1990 trở lại đây, đề tài chiến tranh và hậu chiến vẫn không ngừng thôi thúc các nhà làm phim Việt Nam khai thác, nhưng số tác phẩm gây tiếng vang và thực sự níu chân được khán giả chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chắc chắn không phải do sự cũ mòn của đề tài, bởi nhiều khán giả trẻ hiện vẫn rất hào hứng với phim về chiến tranh của điện ảnh nước ngoài. Để lý giải tình trạng này, theo chúng tôi có mấy lý do sau đây.
Trước hết, có lẽ phải nói tới vấn đề “thời điểm”. Tức một bộ phim về chiến tranh ra đời ngay trong những năm tháng chiến tranh thường chứa đựng sức nóng mãnh liệt hơn so với một bộ phim được thực hiện trong thời bình. Ở đây, cần nhấn mạnh đến tính cộng hưởng của tinh thần thời đại, của không khí lịch sử đương thời. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là trong bối cảnh hòa bình thì không thể có những tác phẩm điện ảnh xuất sắc về quá khứ, chiến tranh. Điều này đã được minh chứng qua những bộ phim chiến tranh được xếp vào hàng kinh điển của điện ảnh Mỹ hiện đại như "Schindler’s list" (Bản danh sách của Schindler - đạo diễn Steven Spielberg, năm 1993), "Saving private Ryan" (Giải cứu binh nhì Ryan - đạo diễn Steven Spielberg, 1998), "Black hawk down" (Diều hâu gãy cánh - đạo diễn Ridley Scott, 2001)...
Để có được những tác phẩm vang dội như vậy, chắc chắn cần đến sự đầu tư khổng lồ về kinh phí, phương tiện kỹ thuật, bao gồm cả việc phải huy động những đạo cụ và bối cảnh tương ứng với quy mô và tính hiện thực. Song, với điện ảnh Việt Nam, đó lại là vấn đề nan giải. Việc thiếu kinh phí đã trở thành một trong những lý do “kinh niên” khiến chúng ta khó lòng có được những thước phim chiến tranh xứng tầm với thực tiễn lịch sử.
Bên cạnh đó, phim về chiến tranh ở Việt Nam hiện dường như vẫn chưa thoát ly khỏi lối kể chuyện truyền thống của loại đề tài này, tức diễn ngôn mang tính sử thi vẫn chiếm vai trò chủ đạo. Chiến tranh, do vậy vẫn chủ yếu được nhìn từ những phạm trù kinh điển như chính nghĩa - phi nghĩa, thù hận - bao dung, ra đi - trở về, sự hy sinh, mất mát, nỗi đau của người ở lại..., hầu như không có sự đột phá trong cách kể chuyện. Những vấn đề mang tính triết học như sự tồn tại của bản thể người, hay chiến tranh từ góc nhìn của những người bên kia chiến tuyến ít được đề cập. Tính phản biện cũng như sự chất vấn về chiến tranh từ quan điểm hiện đại cũng là yếu tố thiếu vắng trong các phim về chiến tranh của Việt Nam hiện nay. Do đó, khán giả vẫn chỉ thấy những mô típ, những số phận quen thuộc được kể, được phản ánh tương đối đơn giản. Hiếm có tác phẩm khơi gợi ở người xem sự trăn trở về những dụ ngôn của chiến tranh, của đời sống, của thân phận con người.
Thêm một lý do nữa khiến phim điện ảnh về chiến tranh ở ta hiện nay không mấy hấp dẫn, đó là thiếu sự trải nghiệm. Đội ngũ làm phim hầu hết là người trẻ, không trải qua chiến tranh, hầu như họ tiếp cận quá khứ qua tư liệu, phim ảnh, sách vở... Họ có thể đem tới làn gió mới hoặc cách diễn giải mới về chiến tranh từ quan điểm của những người trẻ tuổi ở thời điểm đương đại, nhưng mặt khác, tác phẩm của họ có thể thiếu đi những trải nghiệm thực tế nên chưa thể diễn tả một cách sâu sắc nhất, chân thực nhất về quá khứ dân tộc.
Một vài nguyên nhân lý giải vì sao phim truyện Việt Nam về đề tài chiến tranh, hậu chiến hiện nay chưa là lựa chọn của khán giả đương đại. Tuy vậy, nhìn nhận một cách khách quan, điện ảnh Việt Nam đương đại vẫn có những thước phim về chiến tranh, về lịch sử đáng xem, đáng suy ngẫm, có thể kể đến như "Áo lụa Hà Đông" (đạo diễn Lưu Huỳnh, 2006), "Đừng đốt" (đạo diễn Đặng Nhật Minh, 2009), "Mùi cỏ cháy" (đạo diễn Nguyễn Hữu Mười, 2012).
Bên cạnh đó, cũng cần nhắc tới phim "Đường thư" (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, 2005), "Mười ba bến nước" (đạo diễn Đặng Thái Huyền, 2009)... bởi đây là các tác phẩm thể hiện cách nhìn mới mẻ, đa diện của những người trẻ về lịch sử. Đó là những tín hiệu để khán giả có thể kỳ vọng về sự thay đổi trong cách làm phim về đề tài chiến tranh, làm sao đó để có những bộ phim phác họa được gương mặt quen thuộc của lịch sử, song vẫn gửi gắm được những tư tưởng của con người đương đại.
Gửi phản hồi
In bài viết