Chuyện bác sỹ Cảnh

- 19 năm làm nghề y, bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Văn Cảnh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phương Bắc luôn được đồng nghiệp và bệnh nhân tôn trọng, quý mến bởi sự tận tụy, luôn hết lòng vì người bệnh. Anh đã giúp đỡ nhiều bệnh nhân nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn tìm lại ánh sáng sau quãng thời gian chịu cảnh mù lòa.

Nỗi niềm thủa nhỏ


Bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Văn Cảnh.

Bác sỹ Nguyễn Văn Cảnh bước chân vào nghề y như một cơ duyên đã được sắp đặt. Thuở bé, anh từng chứng kiến nhiều người bị mù lòa, cuộc sống gặp nhiều khăn. Họ quanh năm phải sống trong bóng tối, ước một lần được nhìn thấy người thân yêu của mình, nhưng đó là một ước mơ... xa xỉ. Một lần, anh gặp cụ già mù lòa ở xã quê anh còn minh mẫn lắm nhưng gương mặt thì buồn khắc khổ vì bệnh tật. Nghe cụ bảo, chả biết sáng tối thế nào, mong nhìn thấy đứa chắt mới sinh rồi “đi” cũng được...

Điều ấy đã chạm vào trái tim của cậu bé Cảnh. Trong anh đã thôi thúc trở thành bác sỹ và bắt đầu miệt mài đèn sách. Ở thôn Ao Vệ, xã Thái Hòa quê anh ai cũng nể phục anh em anh Cảnh. Nhà nghèo, đông anh em nhưng đứa nào cũng học hành chăm chỉ trong sự chăm chút của bố mẹ. Bởi thế, anh Cảnh đã bước vào đại học thực hiện ước mơ trở thành bác sỹ. Anh thi đỗ Đại học Y dược Thái Nguyên để thực hiện ước mơ của mình. 

Sau 6 năm miệt mài đèn sách, năm 2002, tốt nghiệp ra trường với tấm bằng loại khá, anh có cơ hội được về các bệnh viện lớn làm việc, nhưng anh đã chọn Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh (nay là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật) làm bến đậu. Ở trung tâm có khoa chuyên sâu về mắt, được giao thực hiện Chương trình phòng chống mù lòa của tỉnh, làm nhiệm vụ sàng lọc ở cơ sở và phẫu thuật mắt cho bệnh nhân, do đó anh có điều kiện để trau dồi chuyên môn nghiệp vụ. 

Anh đã trực tiếp phẫu thuật mắt cho bệnh nhân ở khắp nơi trong tỉnh, nhất ở vùng sâu, vùng xa ở Lâm Bình, Na Hang, đem lại ánh sáng cho người bệnh, đó là điều mà anh hạnh phúc nhất. Bởi, theo anh, bất cứ một ca bệnh nào xảy ra biến chứng là điều không ai mong muốn nhưng sẽ khổ người bệnh, làm ảnh hưởng đến uy tín của người thầy thuốc. Tâm nguyện vì điều ấy, bác sỹ Cảnh luôn dấn thân, học nữa, học mãi, không học sẽ bị bỏ lại phía sau, bởi, nghề y luôn phải cập nhật kiến thức mới để phục vụ người bệnh tốt hơn. Vậy nên, anh theo học nhiều lớp đào tạo ngắn hạn, dài hạn, chuyên sâu về nhãn khoa. Năm 2007 - 2009, anh đã hoàn thành học bác sỹ chuyên khoa I chuyên ngành Nhãn khoa, Đại học Y Hà Nội; năm 2014 - 2016, hoàn thành chuyên khoa cấp II tổ chức quản lý y tế, Đại học Y tế Công cộng.

Bác sỹ Nguyễn Văn Cảnh, ân cần hỏi thăm sức khỏe bệnh nhân sau phẫu thuật.
 

Những nỗ lực của anh được ghi nhận. Năm 2003, bác sỹ Nguyễn Văn Cảnh được luân chuyển, bổ nhiệm làm Phó Giám Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh. Năm 2019 là một năm đáng nhớ nhưng đầy trăn trở của bác sỹ Cảnh khi anh quyết định đến nhận nhiệm vụ Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phương Bắc. Bởi theo anh, những năm tháng gắn bó, làm việc tại trung tâm đã giúp anh trưởng thành, nay chuyển sang môi trường mới, nhiệm vụ nặng nề hơn, anh cảm thấy như mình lại phải bắt tay từ đầu. Nhưng anh tin, với những gì đã tích lũy được từ những năm tháng trước đó sẽ giúp anh tự tin trong môi trường mới, xây dựng bệnh viện trở thành đơn vị khám chữa bệnh hiện đại, sang trọng, tạo được niềm tin của nhân dân.

Tấm lòng nhân ái

Bác sỹ Cảnh đã mang lại ánh sáng cho nhiều bệnh nhân nghèo nhưng anh không nhận một đồng quà nào của bệnh nhân. Với họ, anh là ân nhân, bởi tất cả đều bắt đầu từ 2 con mắt, có ánh sáng, họ như được làm lại cuộc đời.  

Anh còn nhớ một người phụ nữ ở huyện Chiêm Hóa, nhà nghèo lắm, được anh giúp đỡ tiền thuốc thang, khi khỏi bệnh, chị nhìn thấy đường đi và tìm đến anh cảm tạ bằng con gà quê. Anh bảo: “Chị mang về bồi bổ sức khỏe, có sức khỏe thì mới hết bệnh tật, mắt mới sáng ra”. Chị ấy khóc, nước mắt lăn trên từng nếp nhăn, anh Cảnh thấy lòng se lại.


Bác sỹ Nguyễn Văn Cảnh, kiểm tra lại mắt sau phẫu thuật cho bệnh nhân.

Chị Đặng Thị Loan, thôn Hùng Dũng, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) là con gái của cụ Hoàng Thị Hồng tâm sự, bao năm mẹ chị không nhìn thấy ánh sáng, tất cả sinh hoạt đều phụ thuộc vào con cái. Được bác sỹ Cảnh giúp đỡ, phẫu thuật mắt bà đã tỏng lại rồi, bà tự lo được cho bản thân, điều này trước đây bà không bao giờ nghĩ đến. Bà vẫn dặn dò các con nhớ ơn bác sỹ Cảnh, mỗi khi con bà về thành phố có việc, bà lại bảo con mua biếu bác sỹ Cảnh món quà quê, nhưng bác sỹ Cảnh lại gửi về cho bà bồi bổ. Tình cảm ấy khiến bà cảm động, thấy bác sỹ thực sự như “mẹ hiền” làm sống lại bao cuộc đời khó nhọc.

Nhiều người bệnh ở thành phố, nhất là người cao tuổi đến phòng khám của anh đều được anh hỗ trợ tiền khám, tiền thuốc điều trị, không đong đếm thiệt hơn. Bác sỹ Cảnh tâm sự, anh luôn tâm niệm làm những điều tốt nhất cho người bệnh để họ tin yêu cuộc sống, mang đến niềm vui, hạnh phúc cho mỗi gia đình.

Ghi nhận những đóng góp đó, anh đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng 2 Bằng khen; Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình (Mắt sáng cho người cao tuổi); nhiều năm liền liên tục đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở.

Phóng sự: Minh Hoa

Tin cùng chuyên mục