Khởi nghiệp trên nền tảng công nghệ số

- Năng động, dám nghĩ, dám làm là nhận xét của đối tác, cộng sự về Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ DES, Trần Thị Huệ có trụ sở tại đường Chiến thắng Sông Lô (TP Tuyên Quang). Khởi nghiệp với mô hình công nghệ số, cô gái trẻ đã đang đem lại “luồng sinh khí” mới về nền tảng công nghệ số kết nối cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, đón đầu cơ hội chuyển đổi số hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh hiện tại dịch bệnh vẫn hoành hành thì chuyển đổi số càng trở nên quan trọng.

Khó không nản

“Không có con đường nào trải hoa hồng” - chị Huệ tươi cười nói với tôi như vậy. Thật vậy! thành công nào cũng phải đánh đổi bằng thời gian, công sức, trí tuệ và những đêm dài mất ngủ. Chị Huệ cũng không là ngoại lệ. Chị bắt đầu đầu tư nghề kinh doanh online các mặt hàng tinh dầu, chăm sóc sức khỏe, lúc đó chỉ làm theo đam mê thôi, chưa có định hướng nhiều lắm. Chị bảo, chị thích nghề kinh doanh từ khi còn học sinh, vậy nên cái mày mò tìm hiểu cách làm thế nào để bán hàng sinh lời thôi, chả nghĩ gì đến việc thi đại học cả. Theo chị, con đường lập nghiệp không nhất thiết phải qua đại học mà chị muốn có trải nghiệm cuộc sống, trải nghiệm thương trường. Từ quê hương Hàm Yên, chị về Hà Nội bắt đầu với công việc bán hàng online cho đại lý tinh dầu và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Từ môi trường này, chị có điều kiện học kinh doanh, học về maketting, ứng dụng công nghệ bán hàng…

Sự cần mẫn trong công việc cộng với óc sáng tạo và duyên kinh doanh, cùng với sự giúp đỡ của mọi người, chị Huệ trở thành một nhân viên có kỹ năng bán hàng thành thục. Chị chia sẻ, tưởng chỉ dừng lại ở nhân viên bán hàng, bởi nhiều người bảo phụ nữ lập gia đình, sinh con, thế là... hết. Nhưng không phải vậy, con đường phía trước luôn rộng mở cho tất cả mọi người, nhất là những ai dám dấn thân. Chị tham gia những lớp học hoàn thiện bản thân, phương pháp kinh doanh online trên nền tảng số…

Chị Trần Thị Huệ, Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ DES.

Chị Huệ kể, cuối năm 2019, trong lúc làm thị trường chị có cơ may gặp anh Hoàng Văn Ngọc, Chủ tịch Công ty cổ phần Công nghệ mới quốc tế KTS (KTSVN). Anh Ngọc đã giới thiệu Công ty CP Công nghệ mới quốc tế KTS (KTSVN) được thành lập với sứ mệnh xây dựng một nền tảng công nghệ “Make in Vietnam”, hệ sinh thái nền tảng số thế hệ mới với các chức năng đơn giản, dễ sử dụng. Nghe thấy hấp dẫn, chị Huệ đã trải nghiệm nền tảng KTS để bán hàng online và thấy hiệu quả đạt được vượt trội. Chị bảo, ngày ấy số đơn hàng tăng gấp đôi nhờ kinh doanh trên nền tảng KTS làm “máu” kinh doanh sôi sục lên. Cũng chính vì thế mà chị đã đi sâu tìm hiểu nền tảng này với tham vọng lớn hơn. “Tham vọng thì ai cũng có nhưng chuyển tham vọng thành hành động là cả vấn đề, đó là những đêm không ngủ, phải uống thuốc đau đầu; thậm chí bỏ việc đi học… người không hiểu bảo mình dại, người lại bảo quá tham. Nói chung đủ cả, nhưng mình nghĩ, không có việc gì đơn giản, không liều thì không giàu” - chị Huệ tâm sự. Khi khá hiểu về nền tảng kinh doanh số KTS do anh Hoàng Văn Ngọc giúp đỡ cộng với sự trải nghiệm thực tiễn nền tảng gần 2 năm, chị đã nghĩ đến dự án lớn hơn là đưa nền tảng về Tuyên Quang. Đó là hành trình của tiếng lòng, khi những tiếng lòng gặp nhau thì mọi việc trở nên dễ dàng hơn.

Dấu ấn ban đầu

Nói về việc khởi nghiệp tại tỉnh, chị Huệ khoe, mới thành lập doanh nghiệp từ tháng 10-2020 đến nay đã có 30 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân sử dụng giải pháp nền tảng Vietconnect mang thương hiệu riêng của Công ty cổ phần công nghệ DES trong hệ thống KTS. Đó là thành công bước đầu để chị có động lực mở rộng thị trường toàn tỉnh.

Công ty cổ phần công nghệ DES là đơn vị đầu tiên mang công nghệ số, có nền tảng kinh doanh số hóa về tỉnh. Anh Bùi Văn Hoàng, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Hợp Hòa (Sơn Dương) cho biết: Hợp tác xã kinh doanh 2 sản phẩm chủ yếu là cao cà gai leo và trà túi lọc cà gai leo. Trước chưa biết đến nền tảng Vietconnect, anh quảng bá, bán hàng trên facebook, zalo và trực tiếp đi giới thiệu sản phẩm. Tuy nhiên, chạy quảng cáo trên facebook thì bán 1 đơn hàng mất khoảng 30 nghìn đồng chi phí. Khi được chị Huệ giới thiệu nền tảng Vietconnect, hợp tác xã đã tải ứng dụng và trải nghiệm. Sau một tháng đã bán được 40 - 50 đơn hàng mà không phải trả bất cứ một đồng phí nào. Đồng thời, nền tảng đã kết nối được các nhà sản xuất với nhau, tạo ra một vòng tuần hoàn hiệu quả mà ở đó các đơn vị ngoài sử dụng sản phẩm của nhau còn trở thành đại lý bán hàng cho nhau để gia tăng lợi nhuận.

Ông Hoàng Văn Ngọc, Chủ tịch KTSVN giới thiệu ứng dụng trên nền tảng KTS tại Công ty cổ phần công nghệ DES.

Chị Huệ khẳng định, với nền tảng số Vietconnect sẽ giúp các thành viên khởi nghiệp ít vốn làm chủ công nghệ, xây dựng chuỗi quản trị hàng hóa; giúp người dân tham gia bán hàng cho doanh nghiệp mà không cần bỏ vốn, có thêm thu nhập trong thời điểm dịch bệnh Covid-19. Vietconnect là mạng xã hội kinh doanh trên mã nguồn nguyên cấp của Azibai, đây là một nền tảng với nhiều tính năng ưu việt đã được nghiên cứu, lập trình, trải nghiệm qua 10 năm nghiên cứu và phát triển. Công nghệ đa nền tảng với nhiều tính năng, thuật toán giúp cho các hoạt động kinh doanh cho các doanh nghiệp đạt hiệu quả nhất.

Tại buổi tọa đàm với khách hàng của Công ty cổ phần công nghệ DES, ông Hoàng Văn Ngọc, Chủ tịch KTSVN chia sẻ: Nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp đón đầu cơ hội chuyển đổi số hiệu quả, nhanh chóng tiếp cận với các xu hướng, giải pháp công nghệ mới, KTSVN đã giúp đẩy mạnh hoạt động ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp, giảm thiểu rủi ro và tối ưu hóa lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh với hệ sinh thái (All - in - One) bao gồm mạng xã hội, sàn giao dịch điện tử. Đối với Công ty cổ phần công nghệ DES do Trần Thị Huệ dẫn dắt còn non trẻ nên cũng cần nhiều hơn sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp chính quyền trong tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, bạn hàng ưu tiên trải nghiệm, sử dụng sản phẩm Vietconnect. Đây là nền tảng ưu việt cho kinh doanh mà trải nghiệm thì người dùng mới cảm nhận hết được.

Về phần KTSVN sẽ giúp giám đốc Huệ triển khai các chương trình đào tạo miễn phí giúp doanh nghiệp chuyển đổi số trong mọi hoạt động kinh doanh, hỗ trợ các cơ quan, doanh nghiệp tổ chức họp online, lớp học online (giống như phương thức gọi Zoom) với khoảng 200 - 300 người cùng tham dự, đảm bảo chất lượng tốt và bảo mật. Cách thức này góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm thiểu tối đa tiếp xúc nhằm ổn định đời sống trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19. Chị Huệ tâm sự: “Mình muốn đưa công nghệ về tỉnh không chỉ bởi mục tiêu kinh doanh mà muốn kết nối cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh với cộng đồng doanh nghiệp cả nước”. Chị Huệ mong muốn từ sự kết nối này sẽ quảng bá được tiềm năng thế mạnh của tỉnh, các đặc sản nông sản của tỉnh như chè San tuyết (Na Hang), cam sành (Hàm Yên)… nên các nền tảng số mà ở đó minh bạch nơi sản xuất, giá bán, người tiêu dùng không sợ mua phải hàng kém chất lượng…

Dám đương đầu với thử thách, chị Huệ đã góp phần khẳng định tài năng, trí tuệ của phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ. Với sự dẫn dắt của chị, thành công bước đầu của  Công ty cổ phần công nghệ DES sẽ làm tốt vai trò tiên phong, tạo ra hệ sinh thái công nghệ nền tảng hỗ trợ cho doanh nghiệp, cơ quan, trường học, cộng đồng chuyển đổi số thành công.

Phóng sự: Trang Tâm

Tin cùng chuyên mục