Mùa ấm no

- Những cây đào trước hiên nhà của người Mông Ngòi Rịa, xã Đạo Viện (Yên Sơn) đã bắt đầu bung nở. Xuân đến sớm, không chỉ với cỏ cây, hoa lá, mà ở trong chính những suy nghĩ, cách làm của đồng bào nơi đây.

Thay nếp nghĩ

Những cánh đồng ở Ngòi Rịa mùa này cơ bản để đất nghỉ. Bà con quen làm ruộng hai vụ, hết vụ lúa mùa là lên nương trồng sắn, trồng ngô nên ít người nghĩ đến trồng cây vụ đông.

Khoảng ruộng chừng 3 sào của Trưởng thôn Triệu Trường Giang lại khác. Năm nay, anh đưa cây dưa chuột về trồng thử. Hợp đất, 3 sào dưa chuột lớn nhanh và cho trái đều, vị thơm mát. Đây cũng là mô hình trồng dưa chuột vụ đông đầu tiên ở Ngòi Rịa. Anh Giang bảo, mình muốn bà con thay đổi dần, làm quen dần với cách thức sản xuất mới. Ở Ngòi Rịa giờ có nhiều mô hình kiểu “đầu tiên” như mình lắm. Như mô hình nuôi trâu bò sinh sản của anh Triệu Mạnh Cường, anh Nguyễn Văn Toán.

Chị Hoàng Thị Hà, vợ anh Toán kể, trước đây chưa học được kỹ thuật nuôi nhốt chuồng, vợ chồng mình toàn chăn nuôi thả rông thôi. Mấy đợt rét, lại chưa chủ động nguồn thức ăn, con trâu cái sinh sản duy nhất của gia đình mình cho ăn sắn mà chết. Vừa thương con trâu, vừa giận mình quá. Vừa rồi đi một số xã học được kỹ thuật nuôi trâu bò nhốt chuồng, vợ chồng mình quyết định đầu tư chuồng trại chăn nuôi trâu bò sinh sản. Lúc mới nuôi có 6 con thôi, giờ đã thêm 3 - 4 nghé, bê ra đời rồi. Quanh nhà trước đây đất để bỏ không, giờ mình tận dụng hết để trồng cỏ voi làm thức ăn cho đàn trâu, bò. Nhìn đàn trâu bò khỏe mạnh được “ủ” trong chiếc chuồng kín gió, tránh những đợt rét đậm rét hại đang kéo đến, chị Hà cười, hy vọng sang năm tới là đàn sinh sản kín chuồng. Lúc đấy, bê, nghé không chỉ để nhà mình nuôi nữa, mà cung cấp cho bà con trong thôn nữa, vì giờ đã có nhiều nhà đến học hỏi cách làm rồi.

Mô hình nuôi trâu bò sinh sản của gia đình chị Hoàng Thị Hà.

Gần đấy, chuồng chăn nuôi trâu bò, dê sinh sản của anh Triệu Mạnh Cường cũng đã thành hình. Những con bò óng ả mướt lông dù đang trong cái rét cắt da cắt thịt của mùa đông. Thức ăn xanh đã được anh Cường ủ chia đều vào các bao tải chất quanh chuồng. Cỏ voi, ngô vẫn được cung cấp đều mỗi ngày. Mấy hôm nay rét, anh Cường nấu thêm cám, cho đàn bò uống nước ấm có hòa muối để tăng sức đề kháng.

Trưởng thôn Ngòi Rịa Triệu Trường Giang chia sẻ, qua mỗi năm, cuộc sống của bà con ở Ngòi Rịa mỗi khác. Việc thay nếp nghĩ, cách làm của bà con ở đây không phải là nói đến đâu được đến đấy, mà theo kiểu “mưa dầm thấm đất”. Một hộ làm trước, thấy hiệu quả thì 2 - 3 hộ làm. Rồi cứ thế nhân lên. Giờ những mô hình trồng dưa chuột vụ đông, hay chăn nuôi trâu bò nhốt chuồng mới chỉ dừng ở 1 - 2 hộ, nhưng chắc chắn rằng, chỉ vài năm nữa thôi, ở Ngòi Rịa sẽ hình thành những mô hình lớn hơn, có quy mô hơn. Giống như câu chuyện trồng rừng vậy.

Mùa ấm no

Đúng như lời Trưởng thôn Triệu Trường Giang, giờ ở Ngòi Rịa đâu đâu cũng thấy màu xanh của cây rừng. Đây cũng là cây trồng đang đem lại những mùa no ấm cho đồng bào nơi đây.

Ngay đầu thôn, xưởng chế biến gỗ bóc của anh Nông Tường Vy rộn tiếng máy móc, tiếng người cười nói. Những khúc gỗ tròn được xe tải chở về xưởng, chỉ sau vài lần chạy máy, đã thành những lát ván bóc mỡ màng, phơi dọc hai bên đường.

Nông Tường Vy là người nhiều rừng nhất ở Ngòi Rịa -hơn chục ha. Toàn bộ diện tích này anh liên doanh với Công ty Lâm nghiệp Yên Sơn trồng, chăm sóc và bảo vệ từ năm 2015. Ngay khi bắt tay vào trồng rừng, anh Vy đã nghĩ đến chuyện làm ăn lâu dài. Rừng trồng được 3 năm, anh đầu tư hơn 600 triệu đồng mua máy móc, mở xưởng chế biến gỗ đầu tiên và duy nhất ở Ngòi Rịa đến thời điểm này, tạo việc làm cho hơn chục lao động địa phương. Bình quân mỗi tháng, cơ sở cung cấp cho thị trường trên 100 m3 gỗ bóc.
Bí thư Chi bộ Ngòi Rịa Ly Seo Sử cười bảo, nếu chị vào Ngòi Rịa cách đây chừng 5 năm thì không nhận ra đâu. Sử kể, ngày đấy đường giao thông chỉ là đường đất thôi, điện cũng không có. Bà con chưa quen với cây lâm nghiệp, chỉ lên rừng trồng sắn, rồi sấy sắn ngay tại nương bán cho thương lái. Bắt đầu từ 5 - 6 năm trở lại đây, người dân ở Ngòi Rịa tham gia liên doanh với lâm trường để trồng rừng. Gần 70 hộ dân ở Ngòi Rịa, giờ nhà nào cũng có rừng, bình quân 4 - 5 ha/hộ, nhà nào nhiều hơn thì chục ha. Vừa rồi, nhóm hộ Ly Seo Thề, Nông Tường Vy, Hoàng Thị Sâm chung nhau bán 6 ha rừng, thu về hơn 700 triệu đồng. Có rừng, có xưởng chế biến, bà con yên tâm lắm.

Người Mông Ngòi Rịa chuẩn bị cúng cơm mới.

Bí thư Chi bộ Ly Seo Sử bảo, cách vận động người dân ở Ngòi Rịa trồng rừng chính là “đảng viên đi trước, làng  nước theo sau”. Những đảng viên của thôn như anh Sử, Lý Seo Thào, Thào Seo Sử, Triệu Trường Giang, Triệu Mạnh Cường… đều là những người đầu tiên liên doanh với lâm trường trồng rừng. Mỗi hộ vài ha. Lúc mới trồng, cũng lo đủ thứ. Lo không biết cây có lớn không, lớn lên rồi thì có bán được gỗ không… Những nỗi lo này, giờ chỉ là câu chuyện người Mông ở đây kể cho nhau nghe mỗi dịp ngồi quây quần bên bếp lửa. Là bởi, ngay vụ đầu trồng rừng, cán bộ kỹ thuật của Công ty Lâm nghiệp đến từng nhà hướng dẫn cách trồng, cách bón phân, cách chăm sóc sao cho cây lớn nhanh nhất, cứng khỏe nhất. Cây rừng trồng được 2 - 3 năm, đã có sẵn xưởng chế biến “mọc” lên ngay tại thôn, các thôn bên cạnh cũng đã thành hình vài xưởng chế biến quy mô vừa nữa. Gỗ rừng vừa đến tuổi khai thác, các chủ buôn đã đến tận nơi, mua cả đồi. Giờ thì ở Ngòi Rịa, nhà nào cũng có rừng liên doanh với Công ty Lâm nghiệp.

Những người Mông ở Ngòi Rịa giờ đã tất bật sắm sửa chiếc váy áo mới trong phiên chợ ngày cuối tuần của xã, lau lại chiếc khèn, cây sáo để năm mới này gặp nhau. Cây văn nghệ của thôn Giàng Seo Páo vừa lau lại chiếc khèn, cười bảo, giờ chỉ mong đời sống bà con mình ngày càng ấm no hơn, đủ đầy hơn, để tiếng sáo, tiếng khèn của người Mông mình ngày Tết thêm nhiều ý nghĩa. Người chơi khèn, thổi sáo như mình cũng thấy hạnh phúc, ấm lòng hơn…

Phóng sự: Trần Liên

Tin cùng chuyên mục