Người đi tìm “đường về” cho đồng đội

- Ở tuổi 73, sức khỏe đã giảm sút nhưng Cựu chiến binh Nông Hải Dự, tổ dân phố Tân An, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) vẫn luôn đau đáu, miệt mài với công việc tìm kiếm mộ đồng đội, kết nối, cung cấp thông tin để thân nhân liệt sĩ tìm thấy phần mộ người thân. Khi được hỏi về công việc lặng lẽ bấy lâu nay, ông Dự trầm ngâm “Đồng đội đã hy sinh để tôi được sống. Tôi đang sống thay cho đồng đội, cần phải tri ân, có trách nhiệm với đồng đội...”.

Đau đáu tìm đồng đội

Năm 1967, chàng thanh niên Nông Hải Dự vừa tròn 18 tuổi đã theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện, cuối năm đó, đơn vị ông được lệnh vào miền Nam chiến đấu. Ông được biên chế thuộc Trung đoàn 28, Đoàn 75. Đơn vị của ông đã chiến đấu ở Đông Nam Bộ, chủ yếu là tỉnh Phước Long cũ, tỉnh Tây Ninh và có thời gian hoạt động ở Campuchia. Sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ông Dự còn có thời gian làm nhiệm vụ quản lý tù binh ở miền Nam, rồi được điều ra tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Năm 1985, ông ra quân về địa phương theo chế độ bệnh binh 2/3.

Trong công việc tìm mộ liệt sĩ, ông Nông Hải Dự luôn có sự ủng hộ, đồng hành hỗ trợ của vợ và các con.

Mở đầu câu chuyện, ông Dự giới thiệu với chúng tôi về những cuốn sổ cũ dày cộm được ông ghi chép cẩn thận thông tin về các anh hùng liệt sĩ. Ông ghi chép tỉ mỉ chi tiết về phần mộ an táng của các liệt sĩ nhưng có sai sót về tên, tuổi, quê quán; thông tin liệt sĩ này đã được gửi thông báo đến chính quyền địa phương, gia đình và đã có hồi âm chưa.

Ông Dự chia sẻ, cũng như nhiều đồng đội khác may mắn sống sót trở về quê, ông vẫn luôn nhớ đến những ngày chiến đấu oanh liệt năm xưa, nhất là những đồng đội đã ngã xuống qua mỗi trận chiến cam go, khốc liệt. Nhiều thông tin đồng đội đã hy sinh được ông ghi chép cẩn thận từ tên, năm sinh, địa điểm chôn cất... trong sổ, nhưng ông vẫn chưa có điều kiện trở lại chiến trường xưa để tìm mộ đồng đội. Ông mang theo nỗi day dứt và tự nhủ với lòng mình nhất định phải cố gắng sống thật tốt, phát triển kinh tế, chăm lo cho các con ăn học trưởng thành, tiết kiệm tiền để sớm trở lại chiến trường tìm lại mộ đồng đội.

Với nguồn hỗ trợ bệnh binh, tiền tích góp được, ông Dự bắt đầu cuộc hành trình đi tìm mộ đồng đội từ năm 2013. Từ những thông tin có được, ông không quản khó khăn, đi khắp các chiến trường cũ để hỗ trợ các gia đình liệt sĩ tìm kiếm thông tin, kết nối làm thủ tục đưa hài cốt liệt sĩ về quê nhà. Đến nay, ông đã có 6 chuyến đi cùng thân nhân liệt sĩ trở lại chiến trường miền Nam, cùng Đội quy tập hài cốt liệt sĩ K70 (Cục chính trị, Quân khu 7) sang nước bạn Campuchia để tìm mộ đồng đội.

Ông Dự ghi chép cẩn thận thông tin liệt sĩ để gửi về cho thân nhân, Hội Cựu chiến binh, chính quyền các địa phương phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập.

Ông Dự nhớ lại, mỗi chuyến đi chi phí tốn kém, kéo dài từ 5 đến 7 ngày thậm chí đến 21 ngày. Không phải chuyến đi nào cũng thành công, thậm chí rất vất vả mà vẫn trở về tay trắng bởi đến chiến trường xưa tất cả mọi thứ đã thay đổi (tên gọi, địa điểm xưa là núi nay đã được san gạt phục vụ phát triển kinh tế, hoặc nhân chứng không còn…) nhưng ông không nản lòng. Cứ có cơ hội, còn sức khỏe, ông lại lên đường trở lại chiến trường xưa tìm kiếm mộ những đồng đội đã ngã xuống chưa rõ đang nằm ở đâu.  

Mỗi lần giúp đỡ hỗ trợ đưa được một hài cốt liệt sĩ về quê nhà, hoặc cung cấp thông tin để các gia đình biết phần mộ liệt sĩ người thân sau bao năm không rõ tin tức, ông thấy thêm nhẹ lòng và có thêm động lực. Điển hình như ông đã kết nối, hỗ trợ xác minh, cũng trực tiếp cùng thân nhân đưa hài cốt đồng đội là liệt sĩ Vũ Văn Hội, quê ở Thanh Oai, Hà Tây cũ (nay là TP Hà Nội) hy sinh ngày 14-1-1969 tại Tây Ninh trở về quê nhà.

Hơn 60 tuổi mới tập “mổ cò” lướt web

Dẫn chúng tôi thăm căn phòng nhỏ có kê bộ máy vi tính cũ, lưu trữ bao nhiêu những sách, giấy tờ liên quan đến thông tin liệt sĩ, ông Dự nói vui: “Bộ máy tính cũ này là tài sản lớn nhất và gắn bó với tôi hơn chục năm rồi. Nó đã giúp ích rất nhiều trong việc kết nối, tìm kiếm, xác minh thông tin liên quan đến liệt sĩ”. Hơn chục năm trước, với sự hỗ trợ, hướng dẫn của con gái, ông Dự mới mày mò tập làm quen với bàn phím. Ông “mổ cò” từng chữ và tập lướt các trang website. Là người kiên định, ham học hỏi nhưng cũng mất tới vài tuần liền để có thể tập đánh máy và lướt web thành thạo.

Ông Dự sử dụng hiệu quả máy vi tính để truy cập vào các trang web, mạng xã hội nhằm phục vụ công việc kết nối,
tìm kiếm mộ liệt sĩ.

Năm 2013, trong lúc lướt web, vô tình ông tìm thấy trang “Người đưa đò” của ông Nguyễn Sỹ Hồ - một thầy giáo nghỉ hưu ở tỉnh Bình Dương lập nên. Ông như “vớ được vàng” khi đây là trang chuyên đăng danh sách mộ liệt sĩ đang yên nghỉ ở các nghĩa trang liệt sỹ thuộc các tỉnh phía Nam và khắp cả nước. Từ những thông tin quý giá đó, ông khai thác, đối chiếu so sánh cẩn thận, cùng thời gian chiến đấu của mình để căn cứ. Ông đánh máy gửi cẩn thận thông tin đó về Hội Cựu chiến binh các huyện và cơ sở để thông tin đến các gia đình nhằm cung cấp thông tin về mộ liệt sĩ, giúp cho gia đình họ biết được để có thêm thông tin trong việc tìm kiếm, quy tập. 

Suốt những năm qua, ông Dự đã tìm được 9 mộ liệt sĩ đưa về quy tập tại các nghĩa trang địa phương. Ông cũng đã tìm và sao chép thông tin được trên 500 mộ liệt sĩ trong cả nước, đã gửi cho một số gia đình thân nhân liệt sĩ và Hội Cựu chiến binh để phục vụ công tác tìm kiếm thi hài các liệt sĩ. Vài năm gần đây, nắm bắt xu hướng phát triển của mạng xã hội, ông đã lập trang Facebook cá nhân để kết nối, liên lạc với bạn bè, đồng đội cũ và sử dụng để đăng tải cung cấp thông tin về mộ liệt sĩ giúp các gia đình ở xa có được thông tin hữu ích đó. Bên cạnh đó, ông cũng đã kết nối, xây dựng mạng lưới cộng tác viên ở nhiều tỉnh, thành phố những người có chung hoạt động hỗ trợ, kết nối tìm kiếm mộ liệt sĩ.

Ông Nông Hải Dự đã phát huy phẩm chất cao quý của anh “Bộ đội Cụ Hồ” với những việc làm thiết thực, tri ân đồng đội. Ông đã vinh dự được nhiều cấp, ngành khen thưởng. Vừa qua, ông vinh dự được UBND huyện tặng Giấy khen vì có thành tích trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh.

Ghi chép: Lý Thịnh

Tin cùng chuyên mục