Người “vác tù và hàng tổng” ở Tân Yên

- Mặc dù tuổi đã cao nhưng bà Đào Thị Hồng, sinh năm 1957, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Tân Yên, xã Bình Yên (Sơn Dương) vẫn luôn năng nổ, nhiệt tình với công việc. Không ít người nói, bà “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” nhưng bà Hồng luôn tâm huyết rằng việc gì tốt cho dân, cho thôn là bà nỗ lực hết mình.

Nữ Trưởng thôn đầu tiên ở Tân Yên

“Cô Đào Thị Hồng à? Đồng chí là đảng viên có uy tín được nhân dân yêu mến, quý trọng và liên tục bầu làm Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ hơn 25 năm rồi đấy” - Bà Lương Thị Luyến, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Yên hồ hởi giới thiệu.

Bà Đào Thị Hồng, sinh năm 1957, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Tân Yên, xã Bình Yên (Sơn Dương).

Đón khách với nụ cười tươi và dáng vẻ nhanh nhẹn, bà Hồng dẫn chúng tôi đi một vòng quanh thôn. Ấn tượng đầu tiên là con đường ở thôn Tân Yên giờ đây đã được bê tông phong quang, sạch đẹp, 2 bên đường rực rỡ sắc hoa. Để có hạ tầng như hiện nay là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự đồng lòng của nhân dân. Con số đóng góp hơn 400 triệu đồng của người dân trong thôn để xây dựng nhà văn hóa, làm đường bê tông, xây dựng trường học... là minh chứng rõ nhất về tài “dân vận” của người trưởng thôn mẫn cán. Có được những kết quả đó là nhờ kinh nghiệm hơn 25 năm làm công việc “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” của bà Hồng.

Trưởng thôn Đào Thị Hồng tự hào nói: “Đó là thành quả của nhiều thế hệ cán bộ và người dân thôn Tân Yên đấy. Những người đi trước làm tốt quá rồi, nên khi được bầu làm Trưởng thôn, tôi thấy áp lực lắm”.

Câu chuyện về cô gái dân tộc Kinh ở tổ dân phố Quyết Tiến, thị trấn Sơn Dương về làm dâu ở thôn vùng sâu vùng xa và trở thành nữ Trưởng thôn duy nhất của thôn, rồi nữ Bí thư Chi bộ thôn đầu tiên của xã Bình Yên, được nhiều người nhắc đến như một tấm gương cho phụ nữ ở đây. Năm 1994, bà Hồng bắt đầu tham gia cộng tác viên dân số ở thôn. Năm 1996 bà được phân công đảm nhiệm chức vụ Trưởng thôn. Là một phụ nữ, khi đảm nhiệm vai trò Trưởng thôn, bà Hồng đã gặp không ít khó khăn, từ sắp xếp công việc gia đình, tổ chức hội họp đến tuyên truyền, vận động từng gia đình phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho mọi người. Vượt qua những khó khăn đó, bà đã dần dần được người dân trong thôn mến phục, tin tưởng. Bà Hồng chia sẻ: Khi được dân tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn, bà lo lắm, vì việc này trước đây chỉ do nam giới đảm nhiệm. Để không phụ lòng tin của bà con, bà đã làm hết khả năng. Nếu các trưởng thôn là nam giới phấn đấu một, thì bà phải phấn đấu làm ba, có như vậy mới hoàn thành được công việc của thôn.

Bà Đào Thị Hồng cùng bà con kiểm tra sâu bệnh vùng nguyên liệu chè.

Để có thêm kinh nghiệm, bà Hồng đã học hỏi từ những người đi trước qua những buổi sinh hoạt chi bộ, những buổi tiếp xúc và làm việc tại xã, huyện. Hoặc cũng có nhiều khi người dân lại thấy bà Hồng đến thăm từng nhà dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ. Thôn có 98 hộ, 372 nhân khẩu, 40% dân tộc Tày, bà Hồng hiểu từng hoàn cảnh, từng nóc nhà, biết họ cần gì, thiếu gì.

Ông Ngô Tuấn Mạnh, người dân thôn Tân Yên cho biết, bà con trong thôn quý mến bà Hồng bởi làm việc gì cũng đều lo nghĩ cho dân, sâu sát cơ sở, biết lắng nghe ý kiến của người dân. Những điều thuộc về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước mà dân chưa hiểu, bà chịu khó giải thích, tuyên truyền, vận động, giúp bà con nắm đúng tinh thần, từ đó thực hiện.

Xây dựng bản làng no ấm

Cũng như bao thế hệ cán bộ trước đó của thôn Tân Yên, là “đầu tàu” ở thôn, bà Hồng cùng với ban chi ủy chi bộ và cán bộ thôn luôn trăn trở làm thế nào để người dân ấm no, đoàn kết xây dựng cuộc sống mới. 

Kể về những ngày đầu làm trưởng thôn, bà Hồng cho biết, trước đây kinh tế người dân chủ yếu là nông nghiệp, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Để nâng cao thu nhập bền vững cho người dân bà thường xuyên phối hợp với xã, huyện tổ chức bồi dưỡng kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi cho bà con trong thôn. Đồng thời tạo điều kiện để người dân được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi mở rộng quy mô sản xuất. Bà tích cực tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi diện tích đất trồng cam, lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn. Nhận thấy tiềm năng về cây chè ở địa phương, bà đã vận động bà con chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất tập trung, quy hoạch hơn 40 ha vùng nguyên liệu chè. Bà tham mưu cho UBND xã thành lập Tổ hợp tác sản xuất và chế biến chè Tân Yên. Đến nay, cây chè đã trở thành cây trồng giúp nhiều bà con trong thôn xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu.

Những con đường ở thôn Tân Yên giờ đây đã được bê tông phong quang, sạch đẹp, 2 bên đường rực rỡ sắc hoa.

Khi đời sống kinh tế khá giả, việc vận động người dân đóng góp tiền, ngày công xây dựng nông thôn mới thuận lợi hơn. Từ năm 2016 đến nay, bà Hồng và các đảng viên đã vận động người dân trong thôn hiến hơn 3.000 m2 đất, đóng góp hơn 400 triệu đồng mở mới đường giao thông, đổ bê tông đường, làm đường điện chiếu sáng, đường hoa và các công trình công cộng khác. Chia sẻ về những chuyện này, bà Hồng cho biết, đó là nhờ người dân ủng hộ, sự chung sức, đồng lòng của các ban, ngành đoàn thể địa phương, chứ chẳng phải của riêng mình bà.

Không chỉ cần cù, chăm chỉ trong làm ăn, sản xuất, thôn Tân Yên còn được biết đến là một điểm sáng về xây dựng nếp sống văn minh. Các đám cưới tổ chức không kéo dài nhiều ngày. Đám tang tổ chức nhanh gọn, không đốt hoặc rải vàng mã dọc đường; xây dựng và giữ gìn thôn, xóm xanh - sạch - đẹp; xây dựng các tuyến đường phụ nữ nở hoa… Ngay khi có chủ trương từ xã, bà Hồng đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động mỗi gia đình hàng tháng 1 lần vệ sinh môi trường thôn sạch sẽ; thu gom xử lý rác thải theo đúng quy định; xây dựng vườn rau xanh để cải thiện cuộc sống; trồng hoa tạo cảnh quan khuôn viên nhà ở... Bên cạnh đó, bà còn động viên chị em tham gia CLB dân vũ, CLB gia đình hạnh phúc, đội văn nghệ người cao tuổi, chơi thể thao, tạo thành phong trào sôi nổi ở cơ sở.

Từ những đổi thay của Tân Yên có thể thấy rõ nhất thông qua việc đời sống kinh tế của người dân được nâng lên. Mức thu nhập bình quân đạt gần 15 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 40% so với năm 2020. Đặc biệt, ý thức của người dân địa phương trong việc xây dựng nông thôn mới, sự đồng thuận lên đến 100%. Trong đó, đường nội đồng, liên thôn, liên xã gần như không phải giải tỏa, người dân đều tự nguyện hiến đất làm đường. Từ những con đường đất chỉ rộng 2m, đường thôn  nay đã rộng 5m, trải bê tông rộng rãi, sạch đẹp.

Nhận xét về nữ “thủ lĩnh” thôn Tân Yên, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Yên Lương Thị Luyến cho biết, bà Đào Thị Hồng là Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn có trình độ, có năng lực, gương mẫu trong công việc cũng như cuộc sống. Người dân trong thôn Tân Yên cũng như trong xã không ai không biết đến bà bởi sự nhiệt tình, trách nhiệm, hết lòng vì công việc của tập thể. Bà đã nhiều lần được UBND xã, huyện, tỉnh khen thưởng với các danh hiệu như: Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền; Trưởng thôn tiêu biểu; cá nhân có thành tích thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết, xây dựng nếp sống văn hóa khu dân cư, có thành tích trong công tác dân vận khéo...

Phóng sự: Lý Thu

Tin cùng chuyên mục