Những người truyền cảm hứng

- Giữa bộn bề khó khăn của cuộc sống, có những lúc tưởng như ngục ngã, song họ không chịu khuất phục, vươn lên mạnh mẽ để gặt hái thành quả. Mỗi người một lối đi riêng, họ đã thổi bùng ngọn lửa nhiệt huyết, khát vọng làm giàu, đóng góp vào sự phát triển của quê hương.

 Theo đuổi đam mê, thành công sẽ đến

Câu nói ấy thật đúng với thầy giáo Nguyễn Trung Kiên dạy môn Kỹ thuật - Công nghệ, Trường THPT Thái Hòa (Hàm Yên). Thầy Kiên là người “ăn công nghệ, ngủ công nghệ”, thầy dành phần lớn thời gian cho nghiên cứu và hướng dẫn học sinh làm các sản phẩm khoa học kỹ thuật. Từ những ý tưởng sơ khai của học sinh được thầy hướng dẫn đã “tiếp lửa” để học sinh say mê, tìm tòi, tạo ra những sản phẩm khoa học kỹ thuật có tính ứng dụng cao trong cuộc sống.

Thầy giáo Nguyễn Trung Kiên, Trường THPT Thái Hòa (Hàm Yên) hướng dẫn học sinh hoàn thiện các sản phẩm khoa học, kỹ thuật.

Rất nhiều sản phẩm, dự án khoa học kỹ thuật của học sinh nhà trường được thầy Kiên hướng dẫn đã chinh phục được Ban Giám khảo các cuộc thi lớn từ cấp tỉnh đến cấp quốc gia. Năm học 2017-2018, Dự án “Hệ thống báo hiệu ngăn chặn những nguy cơ làm mất an toàn giao thông tại các cầu tràn khu vực miền núi” đạt giải nhất cấp tỉnh và giải ba cấp quốc gia. Năm học 2018-2019, Dự án “Hệ thống báo hiệu ngăn chặn những nguy cơ làm mất an toàn giao thông trên những chiếc đò ngang” đạt giải nhất cấp tỉnh và giải nhì cấp quốc gia. Năm học 2019-2020 sản phẩm “Hệ thống kiểm tra, báo hiệu và ngăn chặn những nguy cơ làm mất an toàn giao thông do nồng độ cồn của tài xế và sự thiếu kiểm soát số lượng người trên xe” đạt giải nhất cấp tỉnh và giải nhì cấp quốc gia...

Thầy Kiên chia sẻ, có những lúc những sản phẩm khoa học, kỹ thuật làm đi làm lại vẫn thất bại nhưng thầy không chán nản mà cố gắng làm đến cùng, tìm hiểu cặn kẽ từng vấn đề, công đoạn. Có những hôm thông trưa, xuyên đêm đến sáng thực hiện các dự án cùng học trò, rồi những lần vượt sông, suối đến tận nhà thăm học trò ốm... đã tạo hình ảnh đẹp của học trò về người thầy giáo. Thầy Nguyễn Trung Kiên cho rằng, niềm say mê nghiên cứu khoa học đã ngấm vào máu rồi và thầy quan niệm làm việc gì cũng phải đến nơi đến chốn. Vậy nên khi học trò có ý tưởng thầy phân tích cặn kẽ, tư vấn tận tình cho các em.

Sự đam mê, nhiệt huyết của người thầy đã thổi bùng lên “ngọn lửa” hăng say nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật trong học sinh, giáo viên Trường THPT Thái Hòa. Ngôi trường này, trong những năm trở lại đây đều đứng tốp đầu tỉnh về phong trào nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật.

Lan tỏa khát vọng làm giàu

Bắt gặp cảnh Bùi Văn Hoàng, chủ trang trại ở thôn Đồng Phai, xã Hợp Hòa (Sơn Dương) thoăn thoắt tiêm phòng cho đàn gà, đánh vật với đàn lợn không ai nghĩ  trước đây anh từng là kỹ sư công nghệ thông tin.

Anh Bùi Văn Hoàng, chủ trang trại ở thôn Đồng Phai, xã Hợp Hòa.

Hoàng đang làm việc ổn định cho một “ông lớn” về công nghệ ở Thủ đô Hà Nội với mức lương hàng chục triệu mỗi tháng thì anh lại xin nghỉ việc để về quê chăn gà. Đó là thời điểm năm 2019 khi anh đã dành cả số vốn tích lũy được cộng với tiền gia đình tích cóp bao năm để mở rộng quy mô trang trại của gia đình nuôi đến vài nghìn con gà đẻ trứng. Thế nhưng, liên tiếp những “trái đắng” đã đến với Hoàng khi những đợt dịch ập đến “vét” trại gà của anh đến những con cuối cùng.

Không cam chịu những thất bại, Hoàng lại tìm đến học hỏi ở những người đi trước, lần này anh không chỉ đọc trên lý thuyết và xin vào làm thực tế ở một trang trại khác tích lũy kinh nghiệm, học thêm nghề chăn nuôi thú y... Hoàng từ chỗ “cào phím” đã trở thành nông dân thực thụ, sẵn sàng đỡ lợn đẻ hay ra chuồng gà nhặt trứng. Nhờ có kiến thức công nghệ thông tin, Hoàng đã đăng ký kênh bán hàng Online, gắn địa chỉ chỉ dẫn trang trại trên Google map để thương lái tìm đến... Hoàng bảo: “Mình xuất thân từ nông dân nên quay trở lại làm nông dân rất thuận, làm giàu từ đồng đất quê nhà là điều thật hữu ích và thích thú”.    Hiện nay, mô hình trang trại nuôi gà đẻ trứng, lợn thịt của Bùi Văn Hoàng mang lại thu nhập ổn định từ 500 đến 600 triệu đồng mỗi năm. Trang trại trở thành địa chỉ học tập, chia sẻ kinh nghiệm của đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện Sơn Dương. Đoàn viên Dương Đức Thế, người cùng thôn Đồng Phai cho biết, Hoàng chẳng giấu giếm điều gì và sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật chăn nuôi cho anh em. Nhờ có Hoàng mà anh và nhiều thanh niên khác trong thôn cũng đã mạnh dạn phát triển mô hình chăn nuôi tổng hợp đem lại thu nhập khá.

Tạo dựng hình ảnh đẹp cho quê hương

Anh Hoàng Hưng ở thị trấn Na Hang bảo rằng, quê hương luôn là nơi mình tìm về. Chính vì thế, học xong Đại học Kinh tế, có cơ hội làm việc ở nhiều thành phố lớn, song Hoàng Hưng lại chọn trở về phố núi Na Hang để làm việc. Anh đầu tư những chiếc máy ảnh đắt tiền, đi hết các “hang cùng, đỉnh thác” để chụp những bức ảnh đẹp nhất về thiên nhiên quê mình rồi post lên mạng, làm video quảng bá...

Anh Hoàng Hưng ở thị trấn Na Hang trong lần chụp ảnh quảng bá du lịch tại xã Hồng Thái (Na Hang).

Hoàng Hưng cũng là một trong những người tiên phong khi kết nối, mở tour du lịch Na Hang, mua sắm thuyền, ca nô đưa du khách tham quan lòng hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình. Là người làm du lịch có tâm nên khi khách sử dụng các dịch vụ du lịch của Hoàng Hưng đều cảm thấy rất hài lòng, “tiếng thơm” vang xa khiến lượng khách đổ về Na Hang ngày càng nhiều. Hoàng Hưng luôn tâm niệm rằng, làm du lịch cần thực chất nhất bởi dù có quảng bá, giới thiệu hay tới đâu nhưng khi đến không có những dịch vụ hoặc tour du lịch hấp dẫn khách sẽ khó quay trở lại. Do vậy, ngoài việc phát triển du lịch thì vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên luôn được anh quan tâm. Vậy nên, Hoàng Hưng có thể rong ruổi hàng giờ đồng hồ trên lòng hồ để vớt rác thải ni lon, lon nước...

Những việc làm của Hoàng Hưng đã truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ ở Na Hang về bảo vệ thiên nhiên cũng như quan tâm hơn đến quảng bá hình ảnh của quê hương mình. Hoàng Hưng cho biết, trong thời gian tới anh sẽ tiếp tục phát triển các dịch vụ du lịch trải nghiệm thân thiện với môi trường. Bởi môi trường sống được bảo vệ tốt thì mới phát triển du lịch bền vững, không thể ăn xổi được, do vậy phải kết nối với các hộ gia đình để cung cấp các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm du lịch tốt nhất, chất lượng nhất tới du khách, qua đó vừa giúp tăng thu nhập từ công việc của mình cũng như nâng cao thu nhập cho người dân.

Với sự nhiệt huyết, nỗ lực không mệt mỏi với công việc, nghề nghiệp của những người hết sức bình dị đã cổ vũ, truyền cảm hứng cho những người xung quanh làm thật nhiều việc tốt đẹp hơn, vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình, góp phần xây dựng quê hương Tuyên Quang ngày càng giàu đẹp.

Phóng sự: Huy Hoàng

Tin cùng chuyên mục