Điệu múa Phát nương, tra hạt phản ánh sinh động cuộc sống và sinh hoạt của đồng bào Cao Lan.
Bà La Thị Tập, Chủ nhiệm CLB cho biết, người Cao Lan có hàng trăm điệu múa khác nhau, được chia làm 2 nhóm: Múa trong các nghi lễ tín ngưỡng và múa văn nghệ kết hợp hát Sình ca. Phổ biến nhất là các điệu múa gắn liền với đời sống và sinh hoạt như: Múa xúc tép, chim gâu, múa tra hạt, múa còn… Để phục dựng các điệu múa truyền thống, các thành viên đều tự học hỏi lẫn nhau, tham khảo thêm một số điệu múa truyền thống của người Cao Lan của các địa phương khác. Bước đầu, các thành viên CLB đã thuần thục một số điệu múa như Xúc tép, Chim gâu, Múa còn, Phát nương tra hạt...
Điệu múa Xúc tép đầy sôi động tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho người xem.
Vừa cùng các thành viên biểu diễn xong điệu múa Xúc tép, bà Đàm Thị Hạnh cho biết, điệu múa này các bà phải luyện tập mất gần 2 tháng. Các động tác múa vừa mô phỏng hoạt động xúc tôm, cá, vừa đảm bảo đẹp mắt, lôi cuốn nên việc luyện tập khá kỳ công. Khi múa 2 tay cầm cán vợt xúc tép, cá đưa chéo xuống; 1 chân làm trụ 1 chân bước theo nhịp của trống, hai tay đưa vợt lên xuống làm động tác như đang xúc tép. Tất cả là sự kết hợp nhịp nhàng tiếng nhạc, trống và sự uyển chuyển hình thể của người biểu diễn. Múa "Xúc tép" không hạn chế về số lượng, tuổi tác và giới tính nên mỗi dịp tổ chức múa đều tạo sự vui tươi, phấn khởi.
Hay điệu múa Phát nương tra hạt, các thành viên CLB cũng phải kiên trì luyện tập. Các động tác múa mô tả lại quá trình làm nương của người Cao Lan, từ lúc tra hạt cho đến lúc thu hoạch mang về giã thành gạo. Nhạc cụ sử dụng cho điệu múa này chủ yếu là bộ gõ, bao gồm trống và các ống tre để thanh âm sôi động. Tiếng trống, tiếng nhạc còn thay cho tiếng lòng của người Cao Lan về một mùa vụ bội thu, nhà nhà no ấm.
Thông qua điệu múa Còn, đồng bào Cao Lan gửi gắm khát vọng về một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.
Các thành viên CLB còn phục dựng múa Chim gâu, Múa còn, múa Khai đèn... Theo chia sẻ của Chủ nhiệm CLB La Thị Tập, kho tàng văn hóa của đồng bào Cao Lan vô cùng phong phú. Cùng với việc luyện tập các điệu múa truyền thống, CLB còn luyện tập hát Sình ca, gìn giữ tiếng nói, trang phục truyền thống, truyền dạy tình yêu văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ. CLB có 32 thành viên, trong đó có cả các cháu học sinh. Một số cháu học lớp 5 có thể hát Sình ca và múa một số điệu truyền thống. Quan trọng hơn, bà thấy niềm say mê của các cháu qua mỗi buổi luyện tập. Đó chính là động lực để những người cao tuổi như bà có thêm nhiệt huyết gìn giữ và truyền dạy cho thế hệ trẻ, để văn hóa Cao Lan lan tỏa mãi.
Gửi phản hồi
In bài viết