Quyết tâm trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

- Tham nhũng là vấn đề phức tạp của mọi quốc gia trên thế giới, tác động tiêu cực tới quá trình phát triển kinh tế, xã hội với các mức độ khác nhau. Ở Việt Nam, thời gian qua, việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện quyết liệt, không ngừng, không nghỉ, không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai, đã và đang đảm nhiệm chức vụ gì, dù nghỉ hưu hay đang đương nhiệm, từ Trung ương đến địa phương... để làm trong sạch Đảng và hệ thống chính trị.

Tuy nhiên bất chấp thực tế nêu trên, các thế lực thù địch, phản động không ngừng xuyên tạc, bịa đặt những nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, phủ nhận những thành quả mà chúng ta đã đạt được. Chúng vu cáo Đảng ta đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”, làm “nhụt chí” người khác, kích động, xúi giục, dùng chiêu bài lợi dụng dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận tung tin sai sự thật gây hoang mang, hoài nghi trong nhân dân, tác động để cán bộ, đảng viên “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Thực tế này đòi hỏi phải kịp thời nhận diện và đấu tranh, phê phán những luận điệu sai trái, phủ nhận công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, XIII, cùng với các văn bản, quy định được xây dựng, ban hành, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng.

Cụ thể, tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo diễn ra vào ngày 18/11 vừa qua đã cho thấy những kết quả nổi bật: công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ngày càng quyết liệt, hiệu quả, có bước chuyển biến mới, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Tuy nhiên, vẫn cần thẳng thắn nhìn nhận rằng công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại và thách thức. Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm bảo đảm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí có hiệu lực, hiệu quả; đồng thời làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân hiểu rõ đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong đấu tranh, nhận diện, vạch mặt những đối tượng có mưu đồ chính trị chống phá an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xuyên tạc bản chất của chế độ, kêu gọi xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

HOÀNG BÁCH 
(Theo Báo Nhân Dân)

Tin cùng chuyên mục