Khủng hoảng khí hậu tác động đến 45 triệu trẻ em ở Đông và Nam Phi

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) gióng hồi chuông cảnh báo về cuộc khủng hoảng nhân đạo do khí hậu có nguy cơ tác động đến 45 triệu trẻ em ở Đông và Nam Phi.

Các dự báo cho thấy, El Nino gây nguy cơ lớn xảy ra lũ lụt kéo dài đến đầu năm 2024 và hạn hán đến hết năm. Cường độ của El Nino được dự đoán sẽ tương đương với 6 hiện tượng thời tiết cực đoan nghiêm trọng nhất lịch sử, làm tăng khả năng xảy ra các hiểm họa thời tiết.

Để giải quyết nhu cầu nhân đạo đối với trẻ em và những cộng đồng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, UNICEF khẩn cấp kêu gọi 1,4 tỷ USD tài trợ cho các hoạt động ứng phó nhân đạo vào năm 2024, bao gồm ngăn ngừa và hạn chế lãng phí thông qua các biện pháp chăm sóc trẻ em và bà mẹ; phòng ngừa, phát hiện sớm và điều trị bệnh tật thông qua các cơ sở y tế; cung cấp nước sạch và tiếp cận vệ sinh để ngăn ngừa bệnh lây truyền qua đường nước; cung cấp các dịch vụ học tập và bảo vệ trẻ em đạt chất lượng; ngăn ngừa bạo lực giới và lạm dụng; xây dựng những hệ thống có khả năng chống chịu những cú sốc hiện tại và tương lai.


Khủng hoảng khí hậu tác động đến cuộc sống của hàng chục triệu trẻ em ở Đông và Nam Phi. Ảnh: UNICEF

Theo UNICEF, cuộc khủng hoảng khí hậu gây tác động tàn khốc đối với những nhóm dân cư dễ bị tổn thương, trong khi những ảnh hưởng của khí hậu, xung đột và các tình huống khẩn cấp về sức khỏe đã khiến cuộc sống của trẻ em gặp nguy hiểm đặc biệt.

Biến đổi khí hậu gây hạn hán kéo dài và lượng mưa trên mức trung bình ở nhiều vùng của Kenya và Somalia đã phá vỡ an ninh lương thực, buộc người dân phải di dời và khiến hơn 6,4 triệu trẻ em gặp nguy hiểm do suy dinh dưỡng và bệnh tật.

Những tình huống khẩn cấp liên quan biến đổi khí hậu đã đẩy nhanh cuộc khủng hoảng học tập trong khu vực, với hàng loạt trường học bị hư hại hoặc phá hủy. Việc buộc phải di dời cũng gây gián đoạn việc học tập, khiến trẻ em đối mặt nguy cơ bị bóc lột cao hơn, như lao động trẻ em hoặc tuyển dụng vào các nhóm vũ trang.

Cuộc khủng hoảng khí hậu cũng đang gây tổn hại đến sức khỏe trẻ em trong khu vực. Hạn hán, lũ lụt và nhiệt độ tăng cao góp phần lây lan bệnh truyền nhiễm, trong khi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đã làm gián đoạn hệ thống chăm sóc sức khỏe và khả năng tiếp cận các dịch vụ thiết yếu.

An ninh lương thực đang bị đe dọa do biến đổi khí hậu tác động đến năng suất nông nghiệp. Đông và Nam Phi phải vật lộn với tình trạng năng suất cây trồng giảm, ảnh hưởng đến tính sẵn có và khả năng tiếp cận thực phẩm bổ dưỡng. Trẻ em ngày càng phải đối mặt với nguy cơ suy dinh dưỡng và các vấn đề về phát triển. Từ tháng 1 đến tháng 9-2023, số trẻ em được điều trị tình trạng suy nhược nghiêm trọng tăng 24% so với cùng kỳ năm 2022.

Ngoài nguồn tài trợ quan trọng để hỗ trợ các nhu cầu nhân đạo của trẻ em trong khu vực, UNICEF kêu gọi các chính phủ, doanh nghiệp và đối tác thực hiện chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu để bảo vệ cộng đồng và giảm thiểu tình trạng di dời. Tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe; đầu tư vào các sáng kiến ​​nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực để chống suy dinh dưỡng; tăng cường khả năng tiếp cận nước sạch và vệ sinh; đẩy mạnh đầu tư giáo dục...

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục