Bất chấp những nỗ lực từ các nhà hòa giải Ai Cập và Qatar cũng như áp lực của Mỹ đối với Israel, viễn cảnh giao tranh chấm dứt trước tháng Ramadan ngày càng khó xảy ra.
Trẻ em Palestine chờ nhận thức ăn ở Rafah (Gaza), ngày 5-3. Ảnh: Reuters
Qatar, Ai Cập và Mỹ đã cố gắng bảo đảm một lệnh ngừng bắn kéo dài 40 ngày để kịp thời cho tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo, bắt đầu vào đầu tuần tới. Tuy nhiên, các bên đã không đạt được bất kỳ bước đột phá đáng kể nào sau khi Israel từ chối cử phái đoàn đến vòng đàm phán mới nhất. Các nhà phân tích nhận định, hai bên tham chiến vẫn còn mâu thuẫn về bản chất của thỏa thuận này.
Phong trào Hồi giáo yêu cầu ngừng bắn vĩnh viễn và Israel rút quân nhằm chấm dứt cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của hơn 30.000 người trong 5 tháng và bắt đầu xây dựng lại lãnh thổ bị tàn phá. Trong khi đó, Israel từ chối nói về những gì sẽ xảy ra sau xung đột hoặc bất kỳ sự chuyển đổi chính trị nào ở Gaza. Quốc gia này coi lệnh ngừng bắn chỉ đơn giản là một sự tạm dừng và một phương tiện giải thoát con tin, trước khi tiếp tục phá hủy khả năng quản lý và quân sự của Hamas.
Nhắc lại ý định tiếp tục chiến dịch quân sự ở Gaza, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố rằng, bộ binh Israel sẽ tấn công vào Rafah, nơi có hơn 1,3 triệu người Palestine trú ẩn, bất chấp áp lực từ cộng đồng quốc tế và Mỹ. “Israel sẽ làm mọi cách để các con tin được thả. Nhưng chính Hamas đang gây cản trở khi không cho chúng tôi biết con tin nào còn sống và đang bị giam giữ”, phát ngôn viên Chính phủ Israel David Mencer cho biết hôm 7-3. Dù vậy, Hamas nêu rõ, họ không thể cung cấp danh sách con tin vẫn còn sống nếu không có lệnh ngừng bắn, vì các con tin nằm rải rác khắp vùng chiến sự. CNN dẫn nguồn tin từ phong trào Hồi giáo cho biết điểm mấu chốt là nếu Israel không đồng ý ngừng bắn vĩnh viễn, Hamas sẽ không đồng ý thỏa thuận về con tin.
Việc không đạt được thỏa thuận diễn ra sau nhiều tuần Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà hòa giải quốc tế nói rằng cần phải đạt được một lệnh ngừng bắn trước tháng Ramadan. Nhà lãnh đạo Mỹ đã cảnh báo nếu không có lệnh ngừng bắn thì khu vực này có thể trở nên “rất nguy hiểm”. Trong khi đó, Tel Aviv tuyên bố, nếu các con tin Israel bị giam giữ ở Gaza không về nhà trong tháng Ramadan, nước này sẽ tiến hành một cuộc tấn công quân sự vào Rafah. Triển vọng không mấy hứa hẹn đã thành hiện thực khi thỏa thuận đi vào bế tắc, đẩy cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza ngày càng sâu sắc hơn.
Ít nhất 20 người đã thiệt mạng ở Gaza do suy dinh dưỡng và mất nước. Tại phía Nam thành phố Rafah, một nhân viên y tế cảnh báo hàng nghìn trẻ sơ sinh có thể chết vì đói nếu Israel tiếp tục hạn chế nghiêm ngặt đối với thực phẩm, nhiên liệu, nước và thuốc men vào Gaza. “Trẻ em ở Gaza sống sót sau vụ đánh bom có thể không sống sót sau nạn đói”, Tiến sĩ Tedros Ghebreyesus, người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chua xót nhận định.
Để đối phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo sắp trở thành thảm họa, Liên minh châu Âu (EU) cùng với Mỹ, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và các quốc gia khác đang tham gia vào nỗ lực triển khai tuyến đường biển nhằm tạo hành lang viện trợ hàng hải tới Gaza. EU đã mở một hành lang biển để vận chuyển viện trợ nhân đạo từ Cộng hòa Síp đến Gaza trong cuộc chạy đua ngăn chặn nạn đói đang cướp đi hàng nghìn sinh mạng. Israel hoan nghênh việc này nhưng cảnh báo rằng bất kỳ hàng hóa nào cũng phải chịu sự kiểm tra an ninh nghiêm ngặt.
Một nguồn tin cấp cao của Ai Cập cho biết, các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục vào tuần tới tại Cairo. Việc Israel đồng ý với thỏa thuận khung như một quan chức Mỹ đã đề cập, báo hiệu sự sẵn sàng của Chính phủ Israel trong nỗ lực hướng tới lệnh ngừng bắn và giải quyết tình hình nhân đạo nghiêm trọng ở Gaza. Tuy nhiên, thành công của bất kỳ thỏa thuận nào đều phụ thuộc vào sự sẵn sàng của cả hai bên trong việc tham gia một cách chân thành vào các cuộc đàm phán. Mặt khác, cộng đồng quốc tế cần nỗ lực hơn nữa thúc đẩy việc bảo đảm rằng, các cuộc đàm phán tuân thủ tiêu chuẩn pháp lý quốc tế và tôn trọng nhân quyền. Chỉ kiên định đối với những nguyên tắc cơ bản này mới có thể hy vọng khôi phục được một giải pháp chấm dứt đau khổ và mở đường cho một nền hòa bình lâu dài trong khu vực.
Gửi phản hồi
In bài viết