WHO kêu gọi các nước tạm ngừng tiêm vắc xin ngừa Covid-19 liều thứ ba

Tính đến 6h ngày 5-8, toàn thế giới có 200.896.710 ca mắc Covid-19, trong đó có 4.268.356 trường hợp tử vong và 180.882.790 bệnh nhân đã hồi phục.


Nhân viên y tế tại thành phố Boston (Mỹ) chuẩn bị một liều vắc xin ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNTech. 
Ảnh: Bloomberg

Ngày 4-8, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi các nước tạm ngừng triển khai việc tiêm liều tăng cường vắc xin ngừa Covid-19 cho những người đã được tiêm chủng đầy đủ, ít nhất là đến cuối tháng 9 tới. Theo quan chức WHO, việc trì hoãn này nhằm bảo đảm các quốc gia trên thế giới sẽ có ít nhất 10% dân số được tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19.

Giám đốc phụ trách vấn đề miễn dịch, vắc xin và sinh học của WHO - bà Katherine O'Brien khẳng định, hiện cần tập trung nguồn lực vào những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất, những người có nguy cơ mắc và tử vong vì đại dịch, để họ có thể được tiêm liều vắc xin đầu tiên và thứ hai. 

Lời kêu gọi của WHO được đưa ra trong bối cảnh một số quốc gia đã bắt đầu triển khai tiêm liều tăng cường vắc xin ngừa Covid-19, do lo ngại về hiệu quả miễn dịch của vắc xin trước sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta. Trước đó, các nhà khoa học của WHO đã đưa ra quan điểm rằng chưa có cơ sở khoa học nào cho thấy cần phải tiêm vắc xin ngừa Covid-19 liều tăng cường. Do đó, các quốc gia giàu có không nên đặt mua thêm vắc xin để tiêm nhắc lại cho người đã được tiêm chủng đầy đủ, mà nên tạo điều kiện cho các nước khác tiếp cận nguồn cung. 

Châu Mỹ

Trong tuần trước, hơn 1,2 triệu ca mắc và 20.000 ca tử vong do Covid-19 đã được ghi nhận ở châu Mỹ. Theo Tiến sĩ Carissa F.Etienne, Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO), sự lây lan tại khu vực Bắc Mỹ chủ yếu xuất hiện tại miền Đông, miền Nam nước Mỹ và miền Trung Mexico. WHO cho biết, các trường hợp mắc mới Covid-19 tại châu Mỹ chiếm 30% số trường hợp mắc Covid-19 được ghi nhận trên toàn cầu vào tuần trước. 

Theo một khảo sát của Quỹ Gia đình Kaiser (KFF) được công bố hôm 4-8, 14% số người trưởng thành được hỏi ở Mỹ cho biết, họ sẽ không tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Con số này không có sự cải thiện so với kết quả được đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái. Bên cạnh đó, có 67% số người được hỏi cho biết, họ đã tiêm vắc xin và 3% cho biết sẽ tiêm vắc xin càng sớm càng tốt. Cứ 10 người trưởng thành thì có 3 người chưa được tiêm chủng, và 3% trong số này sẽ chỉ tiêm "nếu được yêu cầu", trong khi 10% muốn tiếp tục theo dõi tình hình.

Châu Âu

Văn phòng WHO khu vực châu Âu cho biết, việc nuôi con bằng sữa mẹ là an toàn khi người mẹ mắc Covid-19 hay đã tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Theo phát hiện dựa trên "một số nghiên cứu hạn chế", WHO tin rằng, việc nuôi con bằng sữa mẹ là an toàn chừng nào các bà mẹ áp dụng các biện pháp phòng ngừa theo khuyến nghị của WHO, bởi không tìm thấy vi rút SARS-CoV-2 trong sữa mẹ. Ngoài ra, các nghiên cứu cũng phát hiện rằng, việc tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho các bà mẹ đang cho con bú sẽ giúp tăng cường bảo vệ đứa con khỏi nguy cơ mắc Covid-19. 

Ngày 4-8, Liên minh châu Âu (EU) thông báo đã ký thỏa thuận sơ bộ mua 200 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 của hãng dược Novavax (Mỹ). Thỏa thuận đặt mua trước này được thực hiện khi Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) chuẩn bị phê duyệt sử dụng vắc xin của Novavax. Theo AFP, các quốc gia EU đã tiêm phòng đầy đủ cho 50,7% trong số khoảng 450 triệu người dân của khối. 

Trong một tuyên bố được đưa ra ngày 4-8, Ủy ban hỗn hợp về vắc xin và tiêm chủng của Anh (JCVI) khuyến cáo thanh, thiếu niên có tình trạng sức khỏe tốt trong độ tuổi từ 16 đến 17 tuổi ở nước này nên được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 mũi đầu tiên càng sớm càng tốt. Lời khuyên về thời điểm nhóm đối tượng này được tiêm mũi vắc xin thứ hai sẽ được đưa ra sau.  

Quyết định của JCVI được đưa ra dựa trên những nhận định rằng đã có sự thay đổi lớn trong diễn biến lây lan dịch Covid-19 ở Anh, đặc biệt là ở các nhóm trẻ tuổi. Theo JCVI, sự thành công của chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 cho người trưởng thành và các dữ liệu về mức độ an toàn được thu thập trước đó đồng nghĩa với việc đã đến lúc xem xét lại các khuyến nghị về việc tiêm chủng cho nhóm trẻ hơn. Dự kiến, các thanh, thiếu niên sẽ được tiêm vắc xin của hãng Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức). 

Châu Á - châu Đại Dương

Ngày 4-8, số người tử vong do Covid-19 tại Indonesia đã vượt mốc 100.000 ca. Hơn 1/3 số ca tử vong do Covid-19 ở Indonesia được ghi nhận chỉ trong tháng 7. 

Cùng ngày, Malaysia thông báo nước này đã ghi nhận kỷ lục cả về số ca mắc và tử vong do Covid-19 trong 1 ngày, khi có thêm 19.919 trường hợp nhiễm bệnh và 257 bệnh nhân tử vong. 

Các trường hợp mắc Covid-19 đang gia tăng tại một số khu vực của Australia, mặc dù các biện pháp phong tỏa đã được áp dụng trong nhiều tuần. Giới chức nước này cảnh báo, số ca mắc Covid-19 sẽ còn tiếp tục tăng do sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục