Cơ hội khai mở thị trường Halal giàu tiềm năng
Theo số liệu công bố tại hội nghị Halal toàn quốc “Phát huy nội lực, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để xây dựng ngành Halal Việt Nam phát triển bền vững năm 2024”, thị trường Halal toàn cầu có quy mô, tiềm năng lớn và đa dạng về lĩnh vực. Số lượng tín đồ Hồi giáo năm 2024 đạt khoảng 2,02 tỷ người, chiếm gần 25% dân số thế giới và dự báo sẽ đạt khoảng 2,8 tỷ người vào năm 2050. Quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu ước đạt 7.700 tỷ USD vào năm 2025 và được dự báo đạt 10.000 tỷ USD trước năm 2028.
Vùng nguyên liệu chè của Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal phân bổ khắp các châu lục trên thế giới, từ các nước Hồi giáo đến phi Hồi giáo do các sản phẩm Halal đáp ứng nhiều tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng và bảo vệ môi trường. Do đó, Halal đang được xem là thị trường tiềm năng cho các nước sản xuất lương thực thực phẩm, đặc biệt với các nước có nhiều lợi thế về xuất khẩu nông sản, thủy sản như Việt Nam.
Đồng chí Lộc Kim Liễn, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Các chính sách, chiến lược, cơ sở pháp lý quan trọng về Halal được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quan tâm thúc đẩy xây dựng và triển khai. Nổi bật là ngày 14-2-2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”. Đây là đề án đầu tiên đưa ra các định hướng lớn, chiến lược, tầm quốc gia về huy động các nguồn lực quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam bài bản, chuyên nghiệp, toàn diện; qua đó, giúp Việt Nam nói chung và Tuyên Quang tham gia hiệu quả hơn vào thị trường Halal. Ngày 24-4-2024, Bộ Khoa học - Công nghệ đã công bố quyết định thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia, giúp thống nhất quản lý nhà nước trong lĩnh vực chứng nhận Halal và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động cấp giấy chứng nhận Halal tại Việt Nam...
Những sản phẩm tiềm năng
Tuyên Quang là một tỉnh giàu tiềm năng phát triển các sản phẩm nông nghiệp và xuất khẩu, góp phần đưa kinh tế địa phương vươn xa ra thị trường quốc tế. Hiện tại, tỉnh đã có những sản phẩm chủ lực như chè xanh và chè đen được xuất khẩu sang thị trường Halal, đáp ứng nhu cầu và tiêu chuẩn nghiêm ngặt của các nước Hồi giáo.
Hằng năm, Công ty cổ phần chè Sông Lô xuất khẩu khoảng 2.000 tấn chè sang thị trường Hồi giáo.
Ông Ngô Đức Tú, Giám đốc Công ty cổ phần Chè Sông Lô, cho biết công ty đã gặt hái được nhiều thành công khi xuất khẩu chè sang các thị trường Hồi giáo lớn như Afghanistan, Pakistan, Malaysia, Iran và Iraq. Trong tổng sản lượng 5.000 tấn chè mỗi năm, công ty xuất khẩu khoảng 2.000 tấn sang các thị trường này, khẳng định vị thế vững chắc và khả năng đáp ứng nhu cầu quốc tế.
Theo ông Tú, công ty hiện đang triển khai quy trình chứng nhận Halal nhằm đáp ứng yêu cầu đặc thù của các quốc gia Hồi giáo, điều kiện tiên quyết để sản phẩm có thể thâm nhập và phát triển mạnh mẽ hơn tại những thị trường này. Chứng nhận Halal không chỉ là cam kết về chất lượng mà còn phản ánh sự tôn trọng và tuân thủ tập quán tiêu dùng của người theo đạo Hồi. Mỗi khu vực và quốc gia đều có tiêu chuẩn riêng về Halal, vì vậy công ty phải tiến hành chứng nhận phù hợp với từng thị trường cụ thể.
Còn Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm, hằng năm xuất khẩu hơn 50 tấn chè các loại sang nhiều thị trường quốc tế khó tính như Mỹ, Ba Lan, Anh, Nga và các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Đây đều là những thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng cao và có sự hiện diện đáng kể của người tiêu dùng theo đạo Hồi. Việc chinh phục được những thị trường này không chỉ khẳng định uy tín và chất lượng của sản phẩm chè Mỹ Lâm mà còn mở ra cơ hội phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu đa dạng và khắt khe của khách hàng toàn cầu.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngoài các sản phẩm chính là chè xanh và chè đen, Tuyên Quang còn sở hữu những mặt hàng đầy tiềm năng xuất khẩu khác như mật ong, bưởi, trà, hoa đu đủ đực ngâm mật ong, chuối sấy dẻo, siro chanh, siro tắc... Thị trường xuất khẩu của tỉnh Tuyên Quang đã mở rộng đến nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm Afghanistan, Pakistan, Mỹ, Liên bang Nga, Hà Lan, Đài Loan, Iran, Indonesia, Brazil, Trung Quốc, Malaysia, Canada, Nhật Bản và Hàn Quốc. Sự đa dạng này cho thấy khả năng cạnh tranh của các sản phẩm địa phương, đồng thời mở ra cơ hội lớn cho tỉnh trong việc phát triển kinh tế bền vững và cải thiện đời sống người dân thông qua sản xuất và xuất khẩu nông sản.
Gửi phản hồi
In bài viết