Tiện ích cho người dân

- Xác định chuyển đổi số là mục tiêu chiến lược đưa ngành y tế tiếp tục là điểm sáng trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân, nâng cao chất lượng cuộc sống, trong những năm qua, ngành Y tế tỉnh đã nỗ lực chuyển đổi số và bước đầu mang lại những tín hiệu tích cực.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác chuyển đổi số.

Để giảm thiểu thời gian chờ đợi và thủ tục rườm rà cho người bệnh, từ tháng 5-2022, Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa đã chính thức triển khai hồ sơ bệnh án điện tử thay thế hoàn toàn cho hồ sơ bệnh án giấy; sử dụng, lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế thay cho in phim; sử dụng và lưu trữ thông tin xét nghiệm thay thế cho việc in giấy trước kia.

Hồ sơ bệnh án điện tử sẽ giúp người bệnh không phải lưu trữ tất cả các loại giấy tờ khi đi khám bệnh, chữa bệnh như kết quả chẩn đoán, xét nghiệm… Hiện nay 100% các khoa, phòng thực hiện thông báo lưu trú trên cổng dịch vụ công trực tuyến hoặc qua phần mềm thông báo lưu trú ASM đối với bệnh nhân vào điều trị.

Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa là đơn vị y tế đầu tiên của tỉnh triển khai và đưa vào sử dụng bệnh án điện tử. Bác sĩ chuyên khoa II Hà Văn Linh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa cho biết: “Việc thực hiện bệnh án điện tử trong thời gian qua đã giúp bệnh nhân không phải lo lắng lưu trữ tất cả các loại giấy tờ khám, chữa bệnh kèm theo, hay mất kết quả xét nghiệm, cũng như đọc chữ viết toa thuốc bác sĩ không rõ.

Người bệnh dễ dàng so sánh các chỉ số xét nghiệm với nhau. Với bệnh viện, việc tìm kiếm, tra cứu thông tin nhanh chóng và chính xác. Thông tin bệnh nhân được lưu trữ số giúp bảo đảm dữ liệu trong thời gian dài, tránh hư hỏng do thời tiết ẩm mốc như bệnh án giấy. Bên cạnh đó, việc truyền tải dữ liệu người bệnh giữa các khoa cũng nhanh chóng. Khi thông tin về sức khỏe của người bệnh được thông suốt giữa các khoa sẽ giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn”.

Người bệnh thanh toán viện phí qua mã QR tại Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa.

Khám, chữa bệnh từ xa đang dần trở thành xu hướng, giúp giảm tải bệnh viện; người bệnh được khám chữa bệnh  với các bác sỹ giỏi, đỡ tốn kém, mất thời gian đi lại. Đặc biệt đối với nhiều bệnh nhân nặng, cấp cứu không kịp chuyển tuyến, các bác sỹ sẽ hội chẩn, tư vấn trực tuyến, giúp cứu chữa người bệnh. Theo đó, đến nay có 13 điểm cầu khám chữa bệnh từ xa được kết nối với các bệnh viện tuyến Trung ương, trong đó có 2 đơn vị y tế là Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa tham gia trực tiếp hội chẩn khám chữa bệnh từ xa, còn lại 11 đơn vị y tế hội chẩn với tư cách là dự thính các buổi họp trực tuyến của Bệnh viện Bạch Mai, trường Đại học Y Hà Nội và các bệnh viện chuyên ngành.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, hệ thống khám chữa bệnh từ xa được khai trương từ cuối năm 2020, bao gồm các nội dung: tư vấn phòng bệnh, chăm sóc người bệnh, khám chữa bệnh từ xa; hội chẩn, tư vấn chẩn đoán hình ảnh; hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa… dựa trên nền tảng hệ thống công nghệ thông tin, nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, tạo sự liên thông trong hệ thống y tế, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của bệnh nhân.

Để thực hiện việc chuyển đổi số một cách đồng bộ, có hiệu quả, trong năm 2023, các Trạm Y tế trên địa bàn tỉnh đã được trang bị máy tính (133 máy tính), máy đọc mã vạch (139 máy) để triển khai thực hiện Hồ sơ sức khỏe điện tử. Để phục vụ cho việc thực hiện Hồ sơ sức khỏe điện tử Sở Y tế  cũng đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn cài đặt, hướng dẫn sử dụng phần mềm nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử và phần mềm nền tảng Hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa cho các lãnh đạo, cán bộ công nghệ thông tin các đơn vị tuyến tỉnh, tuyến huyện, cán bộ các trạm y tế và các Phòng khám tư nhân trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, 100% các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh thực hiện khám, chữa bệnh bằng CCCD gắn chíp, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID) thay thế thẻ BHYT giấy. Dược sỹ Nguyễn Thế Yên, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: để thực hiện hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế, trong thời gian tới ngành Y tế sẽ triển khai một số giải pháp. Trong đó, tập trung tuyên truyền, quán triệt các văn bản chỉ đạo của các cấp về ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số và bảo đảm an toàn an ninh thông tin.

Với những kết quả đạt được trong công tác chuyển đổi số của ngành Y tế đã và đang giúp các bệnh viện tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Bài, ảnh: Minh Hoa

Tin cùng chuyên mục