Mùa xuân lễ Mẫu

- Nhiều áng ăn chương, nhiều trang sách sử viết rằng, cứ mỗi độ xuân sang, từng đoàn người, tốp năm tốp bảy, khăn lượt áo chảy ngược lên xứ Tuyên. Phải chăng vì xứ Tuyên mờ ảo màn sương là một miền Văn hóa tâm linh.

Du khách đi lễ tại đền Mẫu Ỷ La, phường Ỷ La (TP Tuyên Quang).­

Trong dòng người ấy phần đông là các bà các cô suốt tháng quanh năm lao động miệt mài, tất bật lo toan. Song, điều kỳ lạ là, khi nắng xuân xua tan sương giá, chồi biếc nhú mầm, đọt măng cựa mình trong lòng đất, muôn hoa khoe sắc thì trong miền sâu thẳm mỗi người lòng hướng thiện dường như được kích hoạt.

Đó là sự tri ân trời đất, tri ân đấng sinh thành, tri ân cộng đồng làng xóm, tri ân các bậc tiền nhân mở nước, tri ân các anh hùng bảo vệ non sông. Người ta đi về miền đất Mẫu thể hiện lòng tri ân, để cầu cho trời yên bể lặng, quốc thái dân an, nhân cường vật thịnh cùng mọi điều tốt đẹp. Đạo Phật, Đạo Giáo, Đạo Gia Tô là từ  nước ngoài truyền vào;  Đạo Cao Đài, Hòa Hảo… phát sinh từ trong nước, thời cận đại, phạm vi ảnh hưởng trong một vùng nhất định. Trong khi, Thờ Mẫu là tín ngưỡng bản địa, thuần Việt, lâu đời nhất, phổ quát nhất. Đền Mẫu được dựng lên khắp từ Bắc chí Nam.

Trải qua quá trình tiến hóa, con người nhận ra rằng sự sống có được là nhờ tự nhiên ban tặng cho khí trời, thức ăn, nước uống. Song, tự nhiên gây cho con người cũng không ít tai họa. Con người ứng xử với tự nhiên với thái độ vừa biết ơn vừa lo sợ.  Chính là nguyên cớ xuất hiện tín ngưỡng sùng bái tự nhiên. Núi sông, đồng ruộng, cây cỏ hết thảy đều có linh hồn, tức vạn vật hữu linh. Trí tuệ con người thuở sơ khai, tưởng tượng ra các thần linh theo hình ảnh của chính con người. Khi chế độ mẫu hệ ra đời, con cái chỉ biết đến mẹ - người sinh ra, người nuôi nấng, dẫn dạy cách kiếm sống mà không hề biết đến người cha. Và dường như còn chưa biết đứa con sinh ra do phối ngẫu của cha mẹ. Vai trò của người phụ nữ được đề cao, quyền năng tự nhiên được đồng nhất với quyền năng người mẹ, phụng thờ tự nhiên chuyển sang phụng thờ người mẹ.

Tín ngưỡng thờ Mẫu xuất hiện, phát triển hoàn thiện với những vị thần tự nhiên và những nhân vật lịch sử được thần thánh hóa. Dân gian có câu: Tháng Tám giỗ cha, tháng Ba giỗ mẹ. Tháng Tám giỗ Trần Hưng Đạo, tháng Ba giỗ Mẫu Liễu Hạnh. Trong “Tứ bất tử” thì Mẫu Liễu Hạnh có vị trí đặc biệt, được xem là thần chủ tín ngưỡng thờ Mẫu, tức Mẫu Thượng Thiên, đứng đầu Tam phủ gồm Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải. Tiếp theo là xuất hiện những danh hiệu cao quý cho người mẹ: Thần Mẫu, Thánh Mẫu,Vương Mẫu, Quốc Mẫu, do nhà vua ban qua sắc phong hoặc do dân gian tôn phong.

 Tín ngưỡng thờ Mẫu với hình thức chuyên chở nội dung là hầu Đồng, hát chầu Văn. Đây là một hình thức diễn xướng dân gian đạt đỉnh cao. Ở đó có sự tổng hòa âm nhạc, vũ đạo, lời ca, trang phục. Âm thanh cây đàn tranh lúc réo rắt, khi khoan thai; điệu múa uyển chuyển mềm mại mà biến hóa; áo khăn, trâm, vòng thảy đều trang nhã, sắc màu lộng lẫy mà không sặc sỡ chói gắt. Với giá trị tâm linh, nghệ thuật, tín ngưỡng thờ Mầu có sức sống bền bỉ. Ngày nay tín ngưỡng thờ Mẫu càng phát triển đã được UNESCO vinh danh là văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Xứ Tuyên với mật độ dày những ngôi đền thờ Mẫu. Riêng thành phố Tuyên Quang và vùng phụ cận có tới mấy chục ngôi:  Đền Cảnh Sanh, đền Mỏ Than, đền Đồng Xuân, đền Pha Lô, đền Quang Kiều, đền  Ghềnh Quýt, Lâm Sơn, đền Cấm, đền Cây Trâm, đền Gành Ngang, đền Lương Quán, đền Minh Lương, Ba Khuôn, đền Nghiêm Sơn. Mật độ dày các ngôi đền thờ Mẫu ở Tuyên Quang thêm minh chứng Đạo Mẫu là tín ngưỡng cổ nhất. Các đạo khác truyền đến muộn hơn, phạm vi ảnh hưởng hẹp hơn  so với địa phương khác.  Cùng thờ Mẫu, song đền thì thờ Tam phủ - Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải; có đền thờ Mẫu Thượng Ngàn, có đền thờ Mẫu Thoải. Mỗi đền mỗi vẻ đẹp riêng về cảnh quan, nghệ thuật kiến trúc, số lượng ngày lễ trong năm và cả tiếng tăm về sự linh ứng…

Xưa nay, xây đền dựng miếu bao giờ cũng là sự kiện trọng đại của cộng đồng dân cư làng xã. Người ta đặc biệt xem trọng việc xem hướng chọn đất và chọn vật liệu. Đền, miếu được xây cất ở nơi kỳ sơn, thủy tú, núi non sông suối có hình rồng, phượng chầu bái. Đền Mẫu Xứ Tuyên cũng được chọn địa thế kỹ lưỡng như thế. Du khách đến Đền Cây Xanh sẽ thấy một cổ thụ cành lá xum xuê, tán rộng phủ bóng sân đền. Tên đền đặt theo cây sanh tuổi thọ mấy trăm này.

Đền Cây Trâm cũng được đặt tên do có cây Trâm lâu đời, thân cây mấy người ôm không xuể, ngọn cây chót vót trời xanh, tán rợp cả một quần thể kiến trúc tín ngưỡng gồm đền, đình, chùa đều cùng tên Cây Trâm. Không gian Đền Mỏ Than trầm mặc, u ẩn lạ thường. Dưới bóng cổ thụ là những tảng đá hình dạng kỳ thú. Đặc biệt có hình rùa đá trong tư thế đang cố thoát lên khỏi mặt đất để tìm về biển cả. Đền Cấm có khuôn viên rộng thênh thang: Phía trước đền có con đường nhỏ chạy qua, phía sau đền tựa l­ưng vào nào núi Cấm. Trên đỉnh núi Cấm là cổng trời, một thắng cảnh nhiều du khách biết đến.

Từ lư­ng núi, một con suối nước trong vắt len lỏi qua những triền đá dốc đêm ngày không ngơi nghỉ đổ xuống sau đền, làm cho cảnh sắc nơi đây thêm phần kỳ thú. Bốn phía quanh đền những cây thị, cây si quanh năm xanh lá, tạo nên không gian u tịch huyền bí. Du khách khi viếng thăm đền được đắm mình trong không gian tĩnh lặng, tận hưởng khí trời, gió núi thấy lòng đư­ợc nhẹ nhàng thanh thoát.

Đền Nghiêm Sơn tọa lạc trên một khu đất cao, dưới chân núi Nghiêm, nơi có mạch nước ngầm trong mát chảy ra từ lòng núi, đến gần đền thì tụ lại tạo thành giếng nước tự nhiên. Hậu cung Đền Thượng có kiểu kiến trúc vòm gô tích. Đây là một kiểu kiến trúc muộn được du nhập từ châu Âu. Những đường cong uốn lượn của mái vòm, sẽ làm tăng thêm sự uy nghi, cổ kính của công trình kiến trúc.

Tại các­ đền Xứ Tuyên còn lưu giữ sắc phong, minh chứng cho sự linh thiêng trong tâm thức từ dân chúng đến vua quan. Đền Thượng từng có đạo sắc phong 3 đời vua Nhà Lê, 6 đời vua nhà Nguyễn. Đền Nghiêm Sơn có 13 đạo sắc phong 2 đời vua Nhà Lê (Lê Thần Tông, Lê Hiển Tông), 6 đời vua Nhà Nguyễn (Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân). Trong đó, cổ nhất là sắc phong vào đời Lê Hiển Tông (1629).

 Phần lớn các ngôi đền trên đất Tuyên Quang đã được xếp hạng di tích văn hóa cấp tỉnh. Với bề dày thời gian, ý nghĩa nhiều mặt và sức lan tỏa nên đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La  được xếp hạng cấp quốc gia. Căn cứ vào niên đại ghi trên thượng lương, biết được Đền Hạ được xây dựng. Đền còn lưu giữ quả chuông đồng đúc năm 1759. Đặc biệt, lễ rước Mẫu tháng Hai âm lịch đã thu hút hàng ngàn lượt khách trong ngoài địa phương đến tham dự.

Tại nhiều ngôi đền ở Tuyên Quang phối thờ Đức Thánh Trần, tức Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Đặc biệt, Đền Kiếp Bạc riêng thờ Đức Thánh Trần. Trong khuôn viên đền có bức tượng Hưng Đạo Vương bằng đồng, nặng 3 tấn. Lễ trọng đền Kiếp Bạc vào ngày 20 tháng Tám,  ngày giỗ Hưng Đạo Vương.

Xuân Qúy Mão, đại dịch Covid đã qua, du khách sẽ có chuyến hành hương về Tuyên thanh tịnh, ý nghĩa.

Tùy bút: Phù Ninh

Tin cùng chuyên mục