Thời gian qua, cùng với việc tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật ATGT đã được chính quyền các cấp, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh chú trọng triển khai thực hiện. Đây được xem là mục tiêu quan trọng trong công tác đảm bảo trật tự ATGT và tiến tới xây dựng môi trường văn hóa giao thông an toàn, thân thiện, góp phần giảm thiểu về tai nạn giao thông.
Tuyên truyền ATGT thông qua hình thức tiểu phẩm tại Trường THCS Minh Dân (Hàm Yên).
Theo Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Hoàng Hồng Thái, ngay từ đầu năm, Ban ATGT tỉnh đã phối hợp cùng các cơ quan thành viên tích cực tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT đến mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Nội dung tuyên truyền được đa dạng và cụ thể hóa dưới nhiều hình thức như treo pano, áp phích với các khẩu hiệu tuyên truyền “đã uống rượu bia không lái xe”, “đi đúng phần đường, làn đường theo quy định”, “không sử dụng điện thoại khi đang điều khiển phương tiện tham gia giao thông”...
Việc tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ trên hệ thống loa truyền thanh các xã, phường, thị trấn, khu dân cư tiếp tục được duy trì thường xuyên; hiệu quả của tuyến đường tự quản, khu dân cư tự quản về ATGT được duy trì. Thông qua đó tạo điều kiện để mỗi người dân, học sinh được tìm hiểu, nhận thức từ đó thay đổi thói quen, hành vi khi tham gia giao thông, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
Trong quý I năm 2023, cùng với các hoạt động tuần tra, kiểm soát, lực lượng công an toàn tỉnh đã trực tiếp tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT cho trên 10.000 lượt người tham gia giao thông; 500 lượt lái xe của các đơn vị vận tải; 1.500 lượt người tại nhà hàng, quán ăn; tổ chức tuyên truyền 18 buổi cho 6.807 lượt cán bộ, giáo viên, học sinh và nhân dân.
Gần đây nhất vào ngày 9-3, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh đã phối hợp với Trường THCS Yên Hương, xã Yên Phú (Hàm Yên) tổ chức tuyên truyền về trật tự ATGT cho trên 550 học sinh và 25 giáo viên trong trường. Cô giáo La Thị Thiệp, giáo viên trường THCS Yên Hương chia sẻ: “Thông qua các buổi tuyên truyền, các em học sinh đã có thay đổi rõ rệt về nhận thức cũng như ý thức khi tham gia giao thông. Với nhiều hình thức tuyên truyền như đóng tiểu phẩm, thi trắc nghiệm, trả lời câu hỏi tình huống... các em học sinh đã được tiếp cận luật một cách gần gũi, dễ hiểu. Qua đó, các em được trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản để chủ động tham gia giao thông an toàn, đảm bảo sức khỏe và tính mạng của bản thân”.
Mặc dù công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT đã được triển khai đồng bộ, tuy nhiên tình hình vi phạm ATGT tại nhiều thời điểm trên một số địa bàn, tuyến đường vẫn còn xảy ra. Trong đó các lỗi vi phạm phổ biến vẫn là đi không đúng phần đường, làn đường; không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông; phóng nhanh, vượt ẩu, tránh vượt sai quy định; sử dụng rượu bia, chất kích thích khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; đi xe dàn hàng 3, 4 trên đường. Điều này cho thấy giải pháp tuyên truyền nhằm thay đổi hành vi của người tham gia giao thông cần nhiều thời gian và sự kiên trì cũng như tích cực đổi mới để phù hợp với từng đối tượng, tạo sức lan tỏa rộng rãi trong nhân dân.
Cùng với cơ chế xử phạt cứng rắn, các biện pháp tuyên truyền được coi là giải pháp “mềm” nhằm từng bước nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người tham gia giao thông. Theo đó, yêu cầu thực tiễn hiện nay là sử dụng các hình ảnh trực quan sinh động dễ đọc, dễ hiểu, dễ nghe, dễ nhìn; tích cực truyền thông trên mạng xã hội với các nền tảng thu hút giới trẻ như Facebook, Zalo, Tiktok...
Gửi phản hồi
In bài viết