Báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật của UBND tỉnh năm 2023 cho thấy, các cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hiện, khởi tố 554 vụ, 969 bị can phạm tội ở các lĩnh vực. Nguyên nhân chủ yếu của các trường hợp phạm tội là do không nắm bắt, hiểu rõ các quy định pháp luật hoặc có hiểu nhưng cố tình vi phạm. Trước bối cảnh đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 163, ngày 29/8/2022 triển khai thực hiện Quyết định 977/QĐ-TTg, ngày 11/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” trên địa bàn tỉnh để "vá" những lỗ hổng đó.
Người dân xã Phúc Ninh (Yên Sơn) trả lời câu hỏi về kiến thức pháp luật tại buổi tuyên truyền pháp luật lưu động của Sở Tư pháp.
Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm là đa dạng hóa công tác tuyên truyền, đổi mới hoạt động tuyên truyền gắn với từng đối tượng, địa bàn dân cư. Ngành Tư pháp tỉnh đã triển khai thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh nghiêm túc với tinh thần đổi mới để các quy định của luật pháp "ngấm" đến người dân. Ngoài tuyên truyền miệng, công tác này còn được thực hiện trên nền tảng mạng xã hội, đăng tải trên hệ thống truyền thông của ngành, tỉnh. Trong quý I-2024, cơ quan tư pháp các cấp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 408 buổi tuyên truyền pháp luật, xây dựng 26.598 chuyên mục trên hệ thống truyền thanh; đăng tải 797 tin, bài, ảnh, văn bản, tài liệu tuyên truyền trên trang thông tin điện tử, trang fanpage của ngành; biên soạn, cung cấp 560 loại tài liệu tuyên truyền pháp luật. Sở phối hợp với Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh thực hiện 200 buổi phát thanh chuyên mục “Phổ biến pháp luật” bằng 5 tiếng gồm: Việt, Tày, Dao, Cao Lan và Mông, với 24 chủ đề pháp luật. Đồng thời, đã gửi các file phát thanh cho UBND các xã để thực hiện tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở...
Ủy ban MTTQ các cấp thời gian qua đã phối hợp với các tổ chức thành viên làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật. Các văn bản pháp luật mới được ban hành đều được MTTQ các cấp tuyên truyền kịp thời, giải thích cụ thể cho người dân quan tâm. Đồng thời, tổ chức và tham gia nhiều cuộc giám sát về việc thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân. Sau giám sát, đã kiến nghị, đề nghị cơ quan chức năng giải quyết, tháo gỡ những bất cập. Cùng với đó, MTTQ đã chủ trì hiệp thương, phối hợp với các tổ chức thành viên xây dựng được 3.376 mô hình tự quản (số liệu năm 2023), trong đó có 915 mô hình về đảm bảo an ninh trật tự. Qua hoạt động của các tổ tự quản đã giúp người dân hiểu biết, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, hạn chế gây mất an ninh trật tự, mang lại cuộc sống bình yên cho mỗi xóm làng.
Lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông tỉnh, ngoài việc phối hợp với các trường học mở các lớp ngoại khóa tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông còn thực hiện tuyên truyền trực tiếp cho các đối tượng vi phạm. Đồng thời, mở các đợt tấn công truy quét tội phạm, xử lý vi phạm giao thông, môi trường... Qua hoạt động này đã phổ biến, chỉ dẫn kịp thời các quy định của luật pháp điều chỉnh hành vi vi phạm cho người dân, giúp người dân nhận thức rõ hành vi vi phạm của mình. Chị N.T.H. ở phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) chia sẻ, do chị không hiểu hết quy định của pháp luật nên đã mua xe máy điện cho con mới học lớp 6. Cũng vì đường xa, nhà neo người nên nghĩ mua xe máy điện cho cháu đi cho tiện, đỡ vất vả, bố mẹ đỡ phải đưa đi. Vừa rồi, cơ quan công an tiến hành xử lý vi phạm quy định về độ tuổi lái xe, được giải thích, hướng dẫn, chị mới hiểu rõ. Giờ chị không cho con đi xe máy điện nữa vì không bảo đảm an toàn giao thông.
Với nhiều cách làm, đa dạng các hình thức tuyên truyền chắc chắc sẽ "vá" được lỗ hổng về năng lực tiếp cận pháp luật cho người dân, góp phần xây dựng xã hội an toàn, văn minh, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Gửi phản hồi
In bài viết