Chuẩn bị lễ hội đầu xuân

- Năm nay, do diễn biến của đại dịch Covid - 19, để các lễ hội được chuẩn bị chu đáo, ngay từ cuối tháng 11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản về việc Quản lý, tổ chức lễ hội năm 2021. Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh đã có kế hoạch cụ thể để các lễ hội trên địa bàn diễn ra an toàn, tiết kiệm thu hút đông du khách tham gia.

Đồng chí Nguyễn Thị Thúy Hoa, Phó Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Trên địa bàn tỉnh ta, mỗi dịp Tết đến, xuân về có rất nhiều lễ hội diễn ra, khá đa dạng, phong phú, trong đó chủ yếu là lễ hội truyền thống của các dân tộc như: Hội đua thuyền trên sông Lô (TP Tuyên Quang); Lễ hội Lồng tông của dân tộc Tày huyện Lâm Bình, Chiêm Hóa; Lễ hội Cầu may, Cầu mùa của dân tộc Tày, xã Tân Trào; Lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, xã Hồng Quang (Lâm Bình)... Năm nay, để các lễ hội diễn ra được an toàn, ngành Văn hóa đã có sự chuẩn bị chu đáo về kế hoạch, đặc biệt đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, lực lượng an ninh, công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự... đảm bảo mùa du lịch đầu năm an toàn. Căn cứ tình hình thực tế của dịch bệnh ngành sẽ chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh, hoặc tạm ngừng tổ chức lễ hội theo đúng quy định. Hiện nay, các địa phương đều đã có phương án dự phòng nếu có tình huống dịch bệnh xảy ra.


Lễ Tịch điền của dân tộc Tày tại Lễ hội Lồng tông huyện Lâm Bình 2018. Ảnh: K.T

Huyện Hàm Yên nổi tiếng với Lễ hội Động Tiên - Chợ Quê. Cuối tháng 11 năm 2020, UBND huyện Hàm Yên đã ban hành Kế hoạch số 156 về tổ chức lễ hội vào ngày mùng 9 tháng Giêng, phương châm hiệu quả, thiết thực sát với thực tế của địa phương nhưng vẫn đảm bảo an toàn trước dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Ban Tổ chức đã tăng cường công tác chỉ đạo tổ chức lễ hội, bảo đảm an toàn, vui tươi lành mạnh và tiết kiệm. Trong đó, chú trọng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, phần lễ trang nghiêm thể hiện sự linh thiêng cầu mong một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, mọi người được bình an, hạnh phúc. Phần hội được tổ chức với nhiều trò chơi dân gian phong phú mang đậm bản sắc dân tộc của địa phương. Chính quyền các địa phương cũng đã phối hợp với ban quản lý các đình, đền, chùa tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội. Đồng thời, thay đổi những chi tiết, nội dung còn bất cập, bổ sung những điểm mới để lễ hội thêm phong phú, hấp dẫn.

Còn tại huyện Chiêm Hóa, ngày mùng 8 tháng Giêng sẽ tổ chức Lễ hội Lồng Tông. Đây là giá trị văn hóa phi vật thể Quốc gia của dân tộc Tày, việc tổ chức lễ hội được huyện chú trọng để tạo không khí thi đua sôi nổi giữa các dân tộc trong huyện ngay từ đầu năm mới. Bà Dương Thị Hương, thôn Tân Hội (Tân An) hân hoan cho biết, đến hội Lồng Tông mọi người đều được vui hội, được tung còn, giao lưu văn nghệ, đây cũng là dịp để bà trao truyền những giá trị văn hóa quý của dân tộc Tày cho con cháu...

Lâm Bình là huyện vùng cao của tỉnh, năm nay để lễ hội diễn ra thành công, ngay từ trước Tết Nguyên đán, mọi công tác chuẩn bị cho Lễ hội đã được Ban Tổ chức triển khai chu đáo, từ công tác chuẩn bị để thực hiện các nghi lễ, các trò chơi dân gian, liên hoan văn nghệ, công tác vệ sinh môi trường đến việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự... Đồng chí Cao Văn Minh, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lâm Bình cho biết: Lễ hội năm nay cũng có nhiều nét mới như: Thi dệt thổ cẩm, hội chợ quê, chọi dê, nhảy lửa, giao lưu văn nghệ các điệu hát cổ... Qua lễ hội, UBND huyện mong muốn tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho bà con nhân dân và du khách trong những ngày đầu năm mới, tạo động lực đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất trong nhân dân, thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn huyện.

Ngoài các huyện vùng cao có nét đặc sắc về lễ hội các dân tộc, thì tại thành phố Tuyên Quang sẽ diễn ra các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Tân Sửu như: Hội đua thuyền trên sông Lô; Lễ hội chùa Hang, xã An Khang; Hội đình Song Lĩnh, xã Lưỡng Vượng; Lễ hội đình Giếng Tanh, xã Kim Phú; Lễ hội Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La và nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao khác...

Du lịch tâm linh dịp đầu năm và tham gia các lễ hội xuân là nhu cầu tìm về nguồn cội của nhiều người dân trong cả nước. Với sự chuẩn bị chu đáo của các địa phương trong tỉnh, hy vọng một mùa lễ hội đầu năm tại tỉnh ta sẽ diễn ra với sự an toàn, tiết kiệm, mang đậm nét bản sắc dân tộc vùng miền, thu hút đông đảo du khách tham gia.

Lê Duy

Tin cùng chuyên mục