Biểu diễn âm nhạc phục vụ cộng đồng: Xu hướng tích cực, nhân văn

Không biểu diễn tại những khán phòng sang trọng hay sân khấu chuyên nghiệp, thời gian gần đây, nhiều dự án đem âm nhạc phục vụ cộng đồng tại những không gian, địa điểm khác nhau nở rộ, được công chúng đón nhận, cổ vũ. Đây là xu hướng tích cực, nhân văn, vừa nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, vừa tạo cảm hứng sáng tạo cho nghệ sĩ biểu diễn, thúc đẩy âm nhạc phát triển.

Tỏa sáng ở những không gian mới

Mùa đầu tiên của chương trình âm nhạc “Xuân hạ thu đông rồi lại xuân” do Công ty cổ phần Forest Studio sản xuất đã khép lại vào cuối tháng 3, nhưng "sức nóng" vẫn lan tỏa. Với sự tham gia của các nghệ sĩ trẻ được yêu thích là Hứa Kim Tuyền, Hòa Minzy và Anh Tú, cùng dàn khách mời tài năng Uyên Linh, Văn Mai Hương, Ly Ly…, chương trình tổ chức những buổi biểu diễn bất ngờ tại nhiều địa điểm công cộng như công viên, sân trường, phố đi bộ, phục vụ miễn phí cộng đồng. Các nghệ sĩ chủ động chọn chủ đề, bài hát, phối khí, tập luyện và biểu diễn "mộc" tại không gian ngoài trời với khán giả tự do. “Xuân hạ thu đông rồi lại xuân” còn được ghi hình, phát sóng trên truyền hình và kênh YouTube, từ đó có nhiều ca khúc lọt tốp thịnh hành trên các bảng xếp hạng.

Về ý nghĩa nhân văn của chương trình, ca sĩ Anh Tú chia sẻ: “Hơn một năm qua, người dân phải đối diện với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vì thế, chúng tôi muốn mang âm nhạc tới gần công chúng, nhất là những đối tượng ít có cơ hội đến sân khấu chuyên nghiệp, để truyền cảm hứng và năng lượng tích cực”.

Từ giữa năm 2020 đến nay, ca sĩ Thái Thùy Linh thực hiện dự án “Du ca - Đi và hát”, mang lời ca, tiếng hát đến với khán giả nhiều vùng quê, thành phố đẹp của đất nước, ghi lại hành trình và phát sóng hằng tuần trên kênh YouTube để đông đảo công chúng thưởng thức. Những chuyến du ca đến với người dân huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình), Suối Mu (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình), Đồng Mô (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) hay đêm bên cầu Long Biên (Hà Nội)… không chỉ thu hút công chúng về âm nhạc, mà còn cả về phong cảnh tuyệt đẹp của địa phương. Ca sĩ, nhạc sĩ Lê Cát Trọng Lý cũng nhiều năm bền bỉ tổ chức những chuyến du ca mang âm nhạc, tri thức đến với công chúng khắp các vùng miền…

Xu hướng mang âm nhạc đến cộng đồng còn có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ âm nhạc hàn lâm. Đều đặn 6 năm qua, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam phối hợp với Công ty cổ phần Acecook Việt Nam thực hiện chương trình “Hòa nhạc hạnh phúc”, đưa âm nhạc cổ điển đến gần công chúng tại những không gian công cộng, như trung tâm thương mại, phố đi bộ… Ngoài thưởng thức âm nhạc, khán giả còn được trao đổi kiến thức về âm nhạc cổ điển và trải nghiệm làm nhạc trưởng, nhạc công rất thú vị.

Cùng mục tiêu lan tỏa âm nhạc hàn lâm đến đông đảo công chúng, nghệ sĩ piano Lưu Đức Anh - giảng viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và các nghệ sĩ trẻ theo đuổi âm nhạc giao hưởng tại Hà Nội cũng tổ chức các buổi hòa nhạc miễn phí, đưa khán giả khám phá 4 thời kỳ âm nhạc khác nhau: Tiền cổ điển, cổ điển, lãng mạn, hiện đại tại những không gian mới mẻ, độc đáo, như: Viện Goethe Hà Nội, Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (Hà Nội)...

Hành trình Du ca - Đi và hát của ca sĩ Thái Thùy Linh vừa đem âm nhạc phục vụ cộng đồng, vừa quảng bá vẻ đẹp quê hương, đất nước.

Thúc đẩy âm nhạc phát triển

Biểu diễn âm nhạc tại những không gian mới, đặc biệt là không gian công cộng, ngoài trời, luôn là thách thức đối với người nghệ sĩ, bởi không có sự hỗ trợ của hệ thống âm thanh, ánh sáng chuẩn mực như trên sân khấu chuyên nghiệp. Ca sĩ Hòa Minzy bộc bạch: “Để tham gia những dự án này, đòi hỏi người biểu diễn phải có thực lực, sức khỏe tốt. Dù âm thanh không hoàn hảo, song sự tương tác, gần gũi với khán giả tạo cảm xúc cho người biểu diễn và người nghe”.

Thích thú với xu hướng âm nhạc này, chị Phạm Ngọc Hà (phường Thành Công, quận Ba Đình) cho biết: “Thật bất ngờ khi được thưởng thức âm nhạc ngay tại không gian công cộng hay giữa thiên nhiên. Khán giả được nghe nhạc, hòa cùng câu chuyện âm nhạc của nghệ sĩ, làm tăng sự đồng cảm, yêu thích”. Còn ca sĩ Thái Thùy Linh chia sẻ, hành trình du ca không chỉ biểu diễn âm nhạc phục vụ cộng đồng, mà còn giới thiệu và quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa đặc sắc của mỗi miền quê, từ đó thu hút du khách. Nghệ sĩ cũng được gặp gỡ khán giả mới, trải nghiệm thực tế và thêm nhiều chất liệu sáng tạo.

Nhạc sĩ Nguyễn Bá Môn, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội cho rằng, để thực hiện dự án, chương trình theo hình thức này đạt hiệu quả, phải có nghệ sĩ tài năng, danh tiếng nhất định; điều kiện về tài chính; thời gian và tâm huyết. Bên cạnh đó, sứ mệnh của nghệ sĩ là định hướng thẩm mỹ cho công chúng, nên việc xây dựng dự án, chương trình biểu diễn phải đầu tư nội dung, truyền thông điệp về niềm tin, tình yêu quê hương, đất nước tới cộng đồng. “Hội sẽ tích cực hỗ trợ, tư vấn sáng tác, biểu diễn, xây dựng chương trình cho các đơn vị, cá nhân để phát triển xu hướng này. Ngoài ra, Hội có 13 câu lạc bộ thành viên đóng tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô. Đây là những “cánh tay” nối dài để Hội Âm nhạc Hà Nội đến với công chúng. Vì vậy, Hội sẽ củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, đưa các tác phẩm mới, chất lượng, ý nghĩa cho các câu lạc bộ dàn dựng, biểu diễn phục vụ cộng đồng…”, nhạc sĩ Nguyễn Bá Môn cho biết.

Được đón nhận và cổ vũ, tin tưởng rằng, xu hướng đem âm nhạc phục vụ cộng đồng rất tích cực, nhân văn này sẽ tiếp tục lan tỏa, tạo lực đẩy cho âm nhạc Việt phát triển.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục