Và đây là hậu quả.
Theo số liệu của Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, năm 2023, cả nước đã xử lý trên 770.000 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, chiếm 23,04% tổng số vi phạm trật tự an toàn giao thông. Tức là trung bình 1 ngày, xử lý hơn 2.100 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Đã bắt đầu có nhiều ý kiến xoay quanh việc ra quân xử lý vi phạm về nồng độ cồn. Như chuyện giới hạn nồng độ cồn bao nhiêu thì nên xử phạt; chuyện quán nhậu than phiền vắng khách trên mặt báo; hay xuất hiện ngày càng nhiều những nhóm kín báo thông chốt để người vi phạm “trốn” lực lượng chức năng…
Còn nhớ, cách đây khoảng 15 năm, quy định người điều khiển mô tô, xe máy bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm có hiệu lực, những lý do để bàn lùi cũng rất nhiều. Từ lời than phiền bất tiện, đội mũ bảo hiểm khiến người ta dễ viêm nhiễm nấm da đầu, hàng loạt tranh biếm hoạ vẽ nón bảo hiểm thành nồi cơm điện, gáo dừa… cũng xuất hiện, như một cách phản kháng yếu ớt. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn nghiêm túc, triệt để, quy định này đã thực sự đi vào cuộc sống. Chính những chiếc mũ bảo hiểm đã cứu sống rất nhiều người khi chẳng may có va chạm. Và giờ, chẳng mấy ai dám chạy xe máy ra đường mà quên mũ ở trên đầu, dẫu nắng hay mưa, nồm ẩm hay hanh ráo.
Nhìn ra các nước, việc xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm về nồng độ cồn thực sự nghiêm khắc và mang tính răn đe. Tại Nga, từ năm 2021 đã đưa ra quy định về tăng thời hạn phạt tù lên đến 3 năm đối với việc tái phạm hành vi lái xe trong tình trạng say xỉn, dù chưa gây tai nạn. Tại Nhật Bản, lái xe khi say rượu có thể bị phạt tới 5 năm tù hoặc 1 triệu Yên. Lái xe có ma túy hoặc từ chối kiểm tra nồng độ cồn sẽ bị phạt tù tới 3 năm, phạt 0,5 triệu Yên. Hay ở Anh, lái xe có nồng độ cồn vượt mức cho phép bị phạt tù 6 tháng, phạt 5.000 bảng và cấm lái xe trong một năm.
Ở Việt Nam hiện vẫn chủ yếu dừng ở xử phạt hành chính và tước giấy phép lái xe, nhưng mức phạt cũng được điều chỉnh tăng nhằm đảm bảo tính nghiêm minh, xử phạt để sợ chứ không xử phạt cho có nữa.
Rượu bia, từ lâu đã trở thành văn hoá trong giao tiếp. Văn hoá này, sẽ không thể ngày một ngày hai bị xoá bỏ, nhưng với sự nghiêm khắc của hệ thống pháp luật, đặc biệt là từ khi Nghị định 100 đi vào cuộc sống đã tạo sự chuyển biến mang tính bước ngoặt trong văn hóa rượu bia của người Việt Nam. Câu thần chú "tôi lái xe" chưa bao giờ có hiệu lực đến thế để giúp một người thoát khỏi cảnh bị ép nhậu. (Trên thực tế, rất nhiều người đã hối hận sau cơn say chứ không có nhiều người hối hận vì từ chối bia, rượu vào đêm hôm trước).
Và nếu như không thể từ chối, thì việc “đã uống rượu bia không lái xe” cũng đang được nhiều người áp dụng triệt để. Dạo một vòng quanh các nhà hàng trên địa bàn thành phố sẽ thấy, số lượng xe tắc - xi dừng chờ đón khách áp đảo xe cá nhân đỗ quanh nhà hàng.
Nhiều ông chồng rất ít khi chịu ngồi xe vợ lái, giờ cũng ngoan ngoãn “nhường vô lăng” dù chỉ uống 1-2 chén rượu.
Đây sẽ là tiền đề tiến tới xây dựng một văn hóa rượu bia mới. Để những ngày Tết thực sự an toàn, thực sự “vui như Tết”, không còn cảnh nơm nớp trực chờ người thân trở về nhà sau mỗi buổi gặp mặt, liên hoan.
Gửi phản hồi
In bài viết