Quang cảnh phiên toà xét xử. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Công tố viên khẳng định việc điều tra, truy tố, xét xử bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an) là hoàn toàn có cơ sở, có căn cứ pháp luật.
Làm lộ thông tin thuộc bí mật công tác
Đại diện Viện Kiểm sát phân tích, theo yêu cầu của Hoàng Văn Hưng, những lần gặp, hướng dẫn, nhận bản tự khai và tiền của Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó Tổng Giám đốc Công ty Bluesky) đều được thực hiện tại nhà Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội) và đều sau 20h. Phương thức liên lạc là Hưng không liên lạc trực tiếp với Hằng mà thông qua Tuấn. Tuấn và Hưng đều liên lạc bằng sim rác, qua ứng dụng Viber. Trong một khoảng thời gian ngắn, Tuấn - Hưng liên lạc với nhau 435 cuộc điện thoại, trong đó có 165 cuộc gọi kết nối, 270 cuộc gọi nhỡ.
Đặc biệt, có những thông tin liên quan đến quá trình điều tra vụ án, nếu Hưng không nói, Tuấn, Hằng, Sơn không thể biết. Điển hình như việc nếu Hằng tự thú sẽ được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật như trường hợp bị cáo Lê Văn Nghĩa - Công ty Nhật Minh. Hoặc về vai trò của Lê Hồng Sơn (Tổng Giám đốc Công ty Bluesky), Hưng đã đưa ra rất nhiều thông tin như: Vì Sơn nắm 70% cổ phần sẽ phải chịu trách nhiệm như trường hợp Hoàng Diệu Mơ - Công ty An Bình; nêu tên của điều tra viên làm việc với bị cáo Lê Hồng Sơn tại Trại tạm giam B34 thành phố Hồ Chí Minh; việc các cán bộ của Cục Nghiệp vụ A01 có quan điểm gay gắt đối với Lê Hồng Sơn… Đây là những thông tin thuộc bí mật công tác mà Tuấn, Hằng, Sơn không thể tự nghĩ ra khi khai báo với cơ quan điều tra.
Hoàng Văn Hưng trong quá trình tham gia phiên tòa luôn lấy lý do việc tiếp xúc với những người có dấu hiệu vi phạm để vận động ra đầu thú là thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo cơ quan điều tra. Tuy nhiên, thực tế, Hưng không báo cáo lãnh đạo, không có sự phê duyệt của lãnh đạo. Bị cáo đã tự ý tiếp xúc trái quy định.
Hoàng Văn Hưng đã gặp gỡ, hướng dẫn Hằng, Sơn khai báo gian dối nhằm mục đích cá nhân. Cụ thể như chọn địa điểm gặp là tại nhà riêng của bị cáo Tuấn ngoài giờ hành chính, vào buổi tối, đêm muộn; không liên lạc trực tiếp với Hằng mà thông qua trung gian là Nguyễn Anh Tuấn bằng hình thức sử dụng sim rác, ứng dụng Viber để che giấu hành vi. Sau khi chuyển công tác, không còn chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền trong điều tra giải quyết vụ án, Hưng vẫn tiếp tục gặp Hằng, kể cả sau khi Sơn bị bắt.
Khai thiếu chính xác
Trong phần tranh luận, Hoàng Văn Hưng liên tục cho rằng, lời khai của bị cáo thống nhất từ đầu đến cuối nhưng không được các cơ quan tố tụng xem xét là tình tiết giảm nhẹ người phạm tội thành khẩn khai báo theo quy định tại Điều 51, khoản 1, điểm s - Bộ luật Hình sự.
Quá trình điều tra, Hoàng Văn Hưng khai báo nhỏ giọt, chỉ thừa nhận những gì cơ quan điều tra đưa ra; đồng thời tráo trở, dựng chuyện để che giấu hành vi phạm tội.
Để chứng minh cho luận điểm này, đại diện Viện Kiểm sát đã trích dẫn hai lời khai của Hoàng Văn Hưng. Cụ thể, tại biên bản ghi lời khai ngày 5-1-2023, Hoàng Văn Hưng khai: “Tôi khẳng định trước, trong và sau những lần tôi gặp chị Nguyễn Thị Thanh Hằng tại nhà anh Nguyễn Anh Tuấn, anh Tuấn và chị Hằng không đưa tiền hoặc bất cứ lợi ích vật chất gì cho tôi. Bản thân tôi cũng không nhận bất cứ lợi ích vật chất gì từ chị Hằng, anh Tuấn hoặc bất cứ cá nhân nào liên quan đến chị Hằng, anh Tuấn”.
Chỉ đến ngày 24-3-2023, khi cơ quan điều tra đưa ra hình ảnh video clip bị cáo nhận chiếc vali do anh Trình Văn Huy (cháu của bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, được bị cáo Tuấn nhờ đưa vali cho Hưng) đưa ở trước cổng Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an, Hoàng Văn Hưng mới thừa nhận có nhận được chiếc vali và trình bày bên trong chứa 4 chai rượu vang nhằm che giấu tội phạm.
Tại biên bản hỏi cung bị can ngày 24-3-2023, Hoàng Văn Hưng không thừa nhận việc hướng dẫn Nguyễn Thị Thanh Hằng viết bản tự khai, nhận các bản tự khai của Hằng. Đến khi được cơ quan điều tra tổ chức đối chất với Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Thị Thanh Hằng, bị cáo mới thừa nhận đã hướng dẫn Hằng viết bản tự khai, bổ sung nơi nhận là Viện Kiểm sát, nêu các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức chuyến bay. Sau khi nhận các bản tự khai này, Hưng đã mang về nhà.
Không có cơ sở áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội
Từ những tài liệu đã thu thập được trong quá trình điều tra và được thẩm vấn công khai tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát đã phân tích, lập luận và khẳng định, Hoàng Văn Hưng đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền 800.000 USD.
Công tố viên nhấn mạnh, Hưng là điều tra viên cao cấp, là trưởng phòng, trực tiếp chỉ đạo Tổ điều tra viên điều tra vụ án “Chuyến bay giải cứu”. Trong khi các điều tra viên ngày đêm xác minh, thu thập chứng cứ, quyết liệt đấu tranh, làm rõ các hành vi phạm tội để xử lý theo quy định, bị cáo với vai trò là người chỉ huy, đứng đầu lại tiếp xúc, hướng dẫn các đối tượng có hành vi vi phạm để trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Hành vi này không chỉ phản bội lại đồng chí, đồng đội, truyền thống anh hùng của lực lượng Công an nhân dân mà các thế hệ đi trước đã dày công vun đắp mà còn gây mất uy tín của lực lượng điều tra nói riêng và các cơ quan tư pháp nói chung.
Hơn thế nữa, bản thân Hưng đã biết, nếu Hằng và Sơn cùng ra tự thú, khai báo thành khẩn, sẽ được pháp luật khoan hồng nhưng lợi dụng lòng tin của những người này, Hưng đã hướng dẫn những người này khai báo gian dối và liên tục đưa ra những thông tin sai sự thật để yêu cầu Hằng, Sơn đưa tiền và chiếm đoạt.
Nội dung vụ án thể hiện, các bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Thị Thanh Hằng, Lê Hồng Sơn không có quan hệ làm ăn, không có mâu thuẫn gì với bị cáo Hoàng Văn Hưng. Bị cáo Tuấn, bị cáo Hằng không thể tạo ra một “kịch bản” hoàn hảo như đã nêu trên để vu oan cho Hưng. Do đó, việc xác định Hoàng Văn Hưng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền 800.000 USD của Lê Hồng Sơn, Nguyễn Thị Thanh Hằng là có căn cứ. Kiểm sát viên đã áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội. Tuy nhiên, trường hợp này, kiểm sát viên thấy không có căn cứ để áp dụng.
Đại diện Viện Kiểm sát kết luận: Là người am hiểu pháp luật hình sự nhất trong số các bị cáo, đáng lẽ, Hoàng Văn Hưng phải nhận thức được đầy đủ sai phạm của mình, ăn năn hối cải để sửa chữa, giải cứu lương tâm, đạo đức của mình. Nhưng bị cáo lại sử dụng kiến thức để đối phó nhằm trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Tại phiên tòa, bị cáo Hưng luôn quanh co, chối tội, có thái độ không phù hợp, xúc phạm cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, gây áp lực với bị cáo khác.
Căn cứ kết quả điều tra và thẩm vấn công khai tại phiên tòa, Viện Kiểm sát giữ nguyên quan điểm luận tội đã trình bày, đề nghị Hội đồng xét xử đánh giá toàn diện, xem xét thái độ, mức độ phạm tội của Hoàng Văn Hưng để cân nhắc, ra một bản án nghiêm minh đúng pháp luật để giáo dục bị cáo.
Gửi phản hồi
In bài viết