Ngăn chặn Covid-19 lây lan trong trường học

- Hơn 1 tuần học sinh đi học trở lại sau kỳ nghỉ Tết, số ca phát hiện mắc Covid-19 trong giáo viên, học sinh tăng cao. Điều này đã được lường trước bởi trong thời gian nghỉ Tết, học sinh đã tiếp xúc với nhiều người, trong đó có cả những người từ ngoài tỉnh trở về. Do đó, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo, tăng cường các biện pháp chống dịch, hạn chế dịch lây lan.

Đồng chí Hoàng Việt Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác phòng dịch tại
Trường Tiểu học Phan Thiết (TP Tuyên Quang). Ảnh: Minh Hoa

Sau kỳ nghỉ Tết, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tuyên truyền, khuyến khích cha mẹ học sinh xét nghiệm Covid-19 cho học sinh; phối hợp với Sở Y tế tổ chức xét nghiệm bằng phương pháp PCR cho 100% học sinh các trường Phổ thông Dân tộc nội trú trước khi trở lại trường. Việc tổ chức xét nghiệm trên diện rộng đã góp phần tách F0 ra khỏi trường học. Trong ngày đầu tiên học sinh trở lại trường sau nghỉ Tết, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các trường học. Đồng chí đánh giá cao sự chủ động của các trường trong công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là việc chủ động test Covid-19 trước khi giáo viên, học sinh. Đồng chí nhấn mạnh, trước tình hình dịch còn nhiều diễn biến phức tạp, các nhà trường cần tiếp tục chủ động nắm bắt tình hình dịch bệnh, phối hợp chặt chẽ với phụ huynh theo dõi sức khỏe học sinh; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan với dịch bệnh. Đối với các nhà trường tùy điều kiện cụ thể xây dựng phương án giảng dạy, học tập phù hợp…

Học sinh Trường THPT Tân Trào (TP Tuyên Quang) xếp hàng chờ lấy mẫu test Covid-19. Ảnh: Huy Hoàng

Tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh, mặc dù 100% học sinh được xét nghiệm PCR và có kết quả âm tính, song sau 1 tuần học tập, nhà trường phối hợp với cơ sở y tế tổ chức xét nghiệm lần 2 thì đã phát hiện 1 trường hợp học sinh dương tính với Covid-19. Ngay lập tức học sinh này được cách ly và trường truy vết các trường hợp F1 là giáo viên và học sinh, chuyển dạy học trực tuyến cho học sinh lớp này. Cô giáo Hà Thị Hải Yến, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, các trường hợp F1 được cách ly tại nhà (đối với giáo viên), tại phòng nội trú (đối với học sinh). Nhà trường đã thay đổi phương án dạy học đối với lớp có học sinh F0, các lớp khác vẫn học bình thường nhưng thường xuyên theo dõi để kịp thời phát hiện, xử lý các tình huống xảy ra.  Sau 14 ngày nhà trường sẽ tiếp tục phối hợp với cơ sở y tế xét nghiệm tầm soát để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch không làm ảnh hưởng đến chất lượng và kế hoạch dạy học của nhà trường.

Đồng chí Vũ Đình Hưng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại
Trường Tiểu học Lê Văn Tám (TP Tuyên Quang).

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, đến nay, 100% các trường mầm non, phổ thông  tổ chức dạy học trực tiếp theo Phương án số 02/PA-BCĐ của Sở, tỷ lệ học sinh học trực tiếp đạt bình quân trên 80% đối với các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên, riêng cấp mầm non chỉ đạt trên 20% do cha mẹ trẻ chưa yên tâm gửi trẻ trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp. Các trường tiểu học cơ bản tổ chức dạy học 1 buổi/ngày, không tổ chức ăn bán trú.

Mặc dù đã triển khai các giải pháp phòng, chống dịch đầy đủ, nhưng tình hình dịch trong trường học vẫn có những diễn biến hết sức phức tạp. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, từ 7-2 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 600 trường hợp giáo viên, học sinh dương tính với Covid-19 ở tất cả các huyện, thành phố. Số ca tăng nhanh do việc tổ chức xét nghiệm trên diện rộng, hầu hết số ca này là lây lan từ cộng đồng sau kỳ nghỉ Tết, dự báo số ca F0 có xu hướng tiếp tục tăng và đạt đỉnh vào tuần 3, tuần 4 của tháng 2.

Trường THCS Lê Quý Đôn phối hợp với cơ sở y tế tổ chức xét nghiệm tầm soát dịch Covid-19
 cho cán bộ, giáo viên nhà trường.

Tại Trường Tiểu học Bình Thuận (TP Tuyên Quang), trong tuần học sinh đến trường trở lại sau Tết đã phát hiện hơn chục trường hợp dương tính với Covid-19, có trường hợp chưa xác định được nguồn lây. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, tình hình dịch có diễn biến rất phức tạp sau thời gian học sinh nghỉ Tết nên nhà trường thực hiện chỉ đạo kế hoạch dạy học theo ngày. Đối với lớp có học sinh F0 chuyển ngay sang dạy học trực tuyến, lớp có F1 chờ kết quả test sẽ điều chỉnh phương án dạy học phù hợp…

Trước diễn biến dịch phức tạp, nguy cơ lây lan cao, Sở Giáo dục và Đào tạo vừa có Văn bản số 153/SGDĐT-GDMN, ngày 14-2-2022 chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường, quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch bệnh; tuyệt đối không để dịch bệnh lây lan trong trường học. Đồng chí Vũ Đình Hưng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, để việc phòng, chống dịch hiệu quả thì trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị, trường học là rất lớn. Do diễn biến dịch phức tạp nên phải chủ động, sẵn sàng ứng phó trước mọi tình huống, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Sở yêu cầu quán triệt đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh phải thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh, không tập trung đông người, không tổ chức các hoạt động tập thể vượt quá quy mô của lớp học, quản lý học sinh ở trong lớp học trong thời gian nghỉ giữa giờ, thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, đặc biệt là việc đeo khẩu trang khi đến trường và sát khuẩn tay thường xuyên, thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn khuôn viên, phòng lớp học, đồ dùng dạy học, kiểm soát khách đến đơn vị bằng mã QR-Code trên ứng dụng PC-Covid…

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh thường xuyên rửa tay phòng, chống dịch Covid-19.

Cùng với đó, ngành Giáo dục và Đào tạo chủ động phối hợp với ngành Y tế để tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho 100% đối tượng được chỉ định tiêm trong Chiến dịch tiêm chủng mùa xuân của Bộ Y tế. Đồng thời, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục để kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định hoặc lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch, để dịch bệnh lây lan…   

Bài, ảnh: Huy Hoàng

Tin cùng chuyên mục