Trách nhiệm phòng, chống tham nhũng

- Tỉnh ta đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban và 5 Phó trưởng Ban là đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đại diện các Ban Đảng Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh.

Tuyên Quang là một trong những tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khá sớm, điều này khẳng định, tỉnh quyết tâm đẩy mạnh công tác này theo chỉ đạo của Trung ương và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Đây là chỉ đạo xuyên suốt, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Thực hiện sự chỉ đạo đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh được thành lập, đi vào hoạt động, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thực sự là điểm tựa vững chức cho công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh. Theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, phòng chống tham nhũng, tiêu cực là trách nhiệm chung, trong đó đặc biệt phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân trong việc phát hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, phải dựa vào nhân dân để đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch bộ máy, tạo niềm tin sâu sắc của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Để người dân tham gia tích cực, dũng cảm tố giác các hành vi tham nhũng, tiêu cực thì phải có cơ chế bảo vệ, biểu dương kịp thời. Nhà nước đã ban hành hệ thống pháp lý tương đối đầy đủ về công tác này như Luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ luật Hình sự và nhiều văn bản quy phạm khác. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi nhất trong công tác phòng, chống tham nhũng là ngoài hệ thống pháp lý đủ sức răn đe thì những người thực thi luật pháp phải hết sức quyết liệt, dám hy sinh. Khi nắm được nguồn tin về tham nhũng, tiêu cực do người dân cung cấp, cán bộ thực thi luật pháp xử lý thế nào, có đưa ra ánh sáng hay không lại là cả một vấn đề. Do đó, việc vận hành hoạt động Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh một cách khoa học, bài bản, khách quan là vấn đề mấu chốt để xử lý triệt để các nguồn tin từ người dân cung cấp. Bởi Ban Chỉ đạo có các thành viên đại diện cho các Ban Đảng Tỉnh ủy, cơ quan tố tụng, tư pháp, mặt trận, quân sự… phối hợp xử lý nguồn tin từ nhân dân, sẽ tạo “bệ phóng” mạnh mẽ xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Thực tế, tỉnh ta đã đưa ra ánh sáng nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực tại một số công ty, cơ quan Nhà nước liên quan đến quản lý đất đai, tài chính và tới đây tiếp tục xử lý nhiều vụ việc khác, bảo đảm không để tham nhũng, tiêu cực ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và của tỉnh trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Thành Công

Tin cùng chuyên mục