Phòng, chống thiên tai tại Tuyên Quang: Những giải pháp hiệu quả, bền vững

- “Cơn lũ quét kinh hoàng đã đi qua, để lại một Tuyên Quang bê bết bùn đất. Thị xã như một công trường lầy lội với những ngôi nhà loang lổ, những tán cây còn giữ những “vật trang trí” bất đắc dĩ như quần, áo, giày, dép, nilon, rác... Cả tỉnh có 11 người chết, thiệt hại vật chất không dưới 200 tỷ đồng” - Đây là những dòng miêu tả trên Báo Lao Động về trận mưa lũ lịch sử xảy ra trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang vào năm 2001.

20 năm sau trận mưa lũ kinh hoàng ấy, Tuyên Quang hàng năm vẫn phải hứng chịu hàng chục “cơn giận dữ từ thiên nhiên”, nhưng đã không còn phải chứng kiến những mất mát về người, thiệt hại về vật chất cũng giảm thiểu đi rất nhiều. Thành quả ấy là do có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống thiên tai.

Bài 1: Lá chắn xanh

Rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được lực lượng chức năng, người dân bảo vệ giữ gìn; rừng sản xuất mỗi năm trồng mới 10.000 ha đã đưa tỉnh có độ che phủ rừng đạt 65%, đứng trong tốp 3 cả nước về độ che phủ rừng. Rừng đã và đang là lá chắn xanh bảo vệ người dân, mùa màng, nhà cửa, đất đai cho Tuyên Quang

Giữ rừng đầu nguồn

Hơn 8.300  ha  rừng  đặc dụng ở thônKhâu Tinh, xã  Khau Tinh (Na  Hang) nhiều năm không hề bị xâm hại. Rừng ở đây được bảo vệ không chỉ bởi lực lượng kiểm lâm mà còn được 150 hộ dân tộc Tày sống trong lõi rừng đặc dụng bảo vệ từng ngày. Ông Nông Văn Huỳnh, Trưởng thôn Khau Tinh cho biết, rừng đối với người dân ở đây như vành đai che trở mưa lũ, hỗ trợ cái ăn nên người dân luôn  bảo  vệ  rừng.  Ông  kể, trước đây Nhà nước chưa cấm cửa  rừng,  người dân cũng không phá rừng, chặt gỗ quý bừa bãi, người già bảo người trẻ giữ rừng. Người dân muốn vào rừng chặt cái cây làm nhà phải báo với trưởng bản số lượng, loại gỗ và phải làm lễ cúng thần rừng. Thế nên rừng mới  được giữ đến giờ với nhiều cây gỗ quý vài người ôm không xuể.

Tiếp  nối  truyền  thống  ấy, việc  giữ  rừng  ở  Khau  Tinh được  xây  dựng  trong  hương ước của bản từ năm 2010 với 100% số hộ trong bản  ký  cam  kết  bảo  vệ  và không xâm hại rừng với UBND xã và cơ quan kiểm lâm. Cùng với hương ước, từ năm 2017, thôncòn thành lập Đội xung kích  phòng  cháy  chữa  cháy rừng gồm 18 thành viên là cán bộ thôn, những người có uy tín, hộ nhận khoán nhiều rừng và thanh niên sức vóc để thực hiện nhiệm vụ thường xuyên tuần tra tại những nơi có nguy cơ xảy ra cháy cao vào mùa khô; tuyên truyền, hướng dẫn người  dân  làm  nương  phải tuân  thủ  quy  định,  khi  đốt nương phải báo với đội xung kích và bố trí người túc trực không để lửa lan vào rừng…

Ông Bàn Thái Tân, Trưởng Trạm  Kiểm  lâm  Khau Tinhđánh giá cao vai trò giữ rừng của người dân xã Khau Tinh nói chung và người dân bản Khâu Tinh nói riêng. Nhờ có người dân ở vùng lõi mà việc  quản  lý hàng ngàn ha rừng gỗ quý như gỗ nghiến và gỗ  trai  của  trạm  thuận  lợi, không  để  xảy  ra  tình trạng rừng bị xâm phạm trái phép, bởi cứ có vụ việc nào hoặc đối tượng khả nghi là người dân báo tin, giúp lực lượng kiểm lâm nhanh chóng chặn đứng các vụ phá rừng phi pháp.

Giao khoán rừng cho các cá nhân và tổ chức tại địa phương chăm  sóc  và  bảo  vệ  rừng phòng hộ là cách làm hiệu quả của huyện vùng cao Lâm Bình những  năm  qua.  Việc  giao khoán đã ngăn chặn khai thác lâm sản trái phép trên đất rừng phòng  hộ  và  giúp  gười  dân yêu rừng, quý rừng hơn. Toàn huyện Lâm Bình có 70.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó rừng phòng hộ hơn 43.100 ha,  rừng  sản  xuất  có  hơn 25.970  ha.  Trong  rừng  có nhiều  động  vật,  thực  vật phong phú, trong đó có nhiều loài thuộc diện nguy cấp, quý hiếm  đang  được  bảo  vệnhư pơmu, thông đỏ, nghiến, trai, đinh, sến, dổi, các loài lan kim tuyến và một số loài dược liệu quý hiếm; các loài động vật như voọc đen má trắng, vượn, khỉ, hươu, lợn rừng, mèo rừng, nhím…

Cán bộ Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Cham Chu (Hàm Yên) tuần tra bảo vệ rừng tự nhiên. Ảnh: Quốc Việt

Cùng  với  các  biện  pháp nghiệp vụ của lực lượng chức năng,  từ  cuối  2013, huyện Lâm Bình thực hiện phương án “Hợp đồng bảo vệ rừng phòng hộ khu vực lòng hồ thủy điện Tuyên Quang cho các tổ chức, cá nhân”. Ban Quản lý rừng phòng  hộ  huyện  xây  dựng phương  án  hợp  đồng  giao khoán bảo vệ rừng phòng hộ khu vực lòng hồ, kết hợp phát triển kinh tế cho các tổ chức, cá  nhân  trên  địa  bàn.  Hợp đồng được thực hiện trên cơ sở quỹ đất rừng phòng hộ cần giao khoán của chủ rừng và nhu cầu của người  dân trên tinh thần tự nguyện, có năng lực thực hiện hợp đồng… Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 40 tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia nhận khoán với tổng diện tích hơn 4.400 ha; khoán bảo vệ rừng phòng hộ tự nhiên gần khu dân cư cho 44 hộ với tổng diện tích bảo vệ là hơn 7.000 ha. 

Đồng chí Triệu Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh khẳng định, đối với diện tích rừng đặc dụng, tỉnh  bảo  vệ  nghiêm  ngặt, nghiêm cấm các hành vi xâm phạm  đến  khu  vực  rừng. Riêng đối  với diện tích rừng phòng hộ, tỉnh thực hiện theo đúng Nghị định 75 của Chính phủ tổ chức giao khoán cho các hộ dân là hộ dân nghèo, đồng  bào  dân  tộc  thiểu  số sống trong khu vực có trách nhiệm quản lý và bảo vệ rừng với  định  mức  400  nghìn đồng/ha/năm.  Ngoài  những biện  pháp  “cứng”  của  lực lượng  chức  năng  thì  chủ trương giao đất, giao rừng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quản lý và  bảo vệ, phát triển rừng đã đem lại hiệu quả vượt trội, thay đổi cơ bản nhận thức về kinh tế rừng của nhân dân. Kết quả từ tỉnh có nhiều đồi núi trọc đã trở thành tỉnh đứng top đầu cả nước về độ che phủ rừng đạt 65%.

Rừng giữ đất, bảo vệ làng bản

Xã  Kiến  Thiết  (Yên  Sơn) hôm nay màu xanh nối tiếp màu xanh, hình ảnh đồi núi trọc lóc, trơ đất đá  năm nào chỉ còn trong ký ức của người dân. Ông Vương Văn Lẹm, người Nùng, thôn Nà Vơ khoe: “2 ha nương  ngô  ngày  trước  giờ trồng keo đã 5 năm tuổi, đã có thương lái trả hơn 200 triệu đồng,  nhưng  tôi  để  một  vài năm nữa cho được gỗ, được tiền. Cả Nà Vơ trồng rừng, cứ cánh rừng này nối cánh rừng kia, đám này khai thác, đám kia được trồng mới. Không có đất trống như trước nữa. Từ ngày trồng rừng thôn mát hơn khi trời nắng, không lo khi trời mưa nhiều ngày. Chứ trước, cứ  mưa  độ  2  ngày  liên  tục hoặc  đêm  mưa  to  là  cả thôn mất ngủ vì sợ lũ quét, lũ ống. Đã có năm, mưa to vào ban đêm, vật nuôi trôi cả, may không  thiệt  hại  về  người  vì chạy được”.

Thôn Nà Vơ có 91 hộ dân, 100%  là  đồng  bào  dân  tộc Mông,  Nùng,  Tày.  Đồng chí Hồ Văn Huyến, Bí thư Chi bộ Nà Vơ cho biết: Cả thôn có trên  300  ha  rừng  sản  xuất, bình quân mỗi hộ có gần 4 ha, rừng không chỉ che chở cho người dân khỏi mưa lũ mà còn tạo sinh kế trong những năm qua. Thu nhập từ bán gỗ rừng đã cho nhiều hộ dân có của ăn của để, nuôi con cái học hành. Nà Vơ giờ không có hộ nào thiếu đói.

Ông  Lê  Thế  Hưng,  Phó  Chủ tịch UBND xã Kiến Thiết cho biết, xã có tổng diện tích gần 11.000 ha  đất, trong  đó  8.100 ha đất rừng. Có những thời điểm Kiến Thiết chỉ toàn đồi núi trọc vì tập quán  canh  tác  của  đồng  bào người  Mông,  Nùng,  Tày…  phát nương làm rẫy, cộng thêm xã có độ dốc lớn nên thời điểm đó người dân phải đối diện với thiên tai do lũ ống, lũ quét gây ra. Nhất là năm 2003, xã có 3 thôn Nặm Pó, Khuổi Cằn, Bắc Nghiêng  10 hộ hỏngnhà vì lũ ống, 1 người bị lũ cuốntrôi. Sau trận lũ ấy, UBND xã phải di 15 hộ dân ở các vùng nguy hiểm lên vùng an toàn, chỉ đạo các đoàn thể vận động người dân giúp đỡ dựng lại nhà cho các hộ bị thiệt hại.

Thực hiện Quyết định số 65/QĐUBND, ngày 17-3-2010 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp thuộc Chương trình 327 và Dự án 661 đã quy hoạch lại rừng sản xuất trên  địa  bàn  tỉnh  Tuyên  Quang, UBND xã phối hợp với lực lượng kiểm lâm vận động người dân trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Sau 10 năm, xã Kiến Thiết đã trồng 7.300 ha rừng sản xuất, bảo vệ trên 1.000 ha rừng phòng hộ, đến nay toàn xã không còn thôn nào để đất trống, đồi trọc. Từ khi phủ kín rừng, lũ quét, lũ ống đã không còn xảy ra, nếu mưa lớn kéo dài cũng chỉ lũ suối. Bên cạnh đó, kinh tế rừng trồng đem lại cho người dân trên địa bàn xã khoảng 10 tỷ đồng/năm.

Thôn  Khuôn  Tâm,  xã  Lương Thiện (Sơn Dương) lọt thỏm dưới một thung lũng nhưng nhiều năm trở lại đây không bị ảnh hưởng của thiên tai như lũ ống, lũ quét hay sạt lở đất. Có được sự bình yên này là nhờ những cánh rừng keo bao bọc. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn  Khuôn TâmTriệu Thị Lưu cho biết: Toàn thôn có 610 ha rừng keo, bao quanh 50 hộ dân tộc Dao, Nùng, Tày nên lúc  nào  cũng  mát  mẻ,  mưa  bão cũng  không  ảnh  hưởng  đến  nhà dân. Rừng không chỉ bảo vệ thiên tai mà còn đem đến cho người dân  ở đây nguồn thu nhập khá ổn định, giúp người dân xây được nhà, có của ăn, của để.

Người  Cao  Lan  ở  thôn  Trung Thành  1,  xã  Thành  Long  (Hàm Yên) vẫn còn nhớ những trận lũ quét, lũ ống gây thiệt hại hơn chục năm về trước. Ông Hà Minh Tấn, Trưởng thôn cho biết, ngày trước toàn bộ diện tích đất đồi của thôn trồng sắn nên mỗi khi mưa lớn hoặc mưa nhiều ngày nhiều diện tích đồi thường  sạt  lở,  lũ  suối  lớn.  Năm 2009, thôn có hơn 20 hộ sống gần bờ suối đã bị lũ cuốn trôi hết vật nuôi, phá vỡ chuồng trại và hỏng hết 5 ha hoa màu đang lớn. Đến năm 2011 khi thực hiện trồng rừng theo Chương trình 147 của Chính phủ  thì  phong  trào  trồng  rừng  ở Trung Thành 1 phát triển mạnh mẽ.  Đến nay, thôn có trên 500 ha rừng sản  xuất.  Từ  ngày  có  rừng,  đất không sạt lở, lũ đã giảm hẳn  không còn gây thiệt hại như trước.

 Phát  triển  rừng  trồng  và  giữ rừng những năm qua đã trở thành “lá chắn xanh” bảo vệ người dân khỏi thiên tai. Tuyên Quang được Tổng  cục  Lâm  nghiệp,  Bộ  Nông nghiệp  và  Phát  triển  Nông  thôn đánh giá là 1 trong 3 tỉnh có sản lượng gỗ lớn nhất vùng Trung du miền núi phía Bắc, đứng thứ 3 cả nước về tỷ lệ rừng che phủ.
                                                                                                                                                                               Trang Tâm

>>Bài 2: Di dân ra khỏi vùng nguy hiểm - Việc phải làm ngay

>>Bài cuối: Xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai

Tin cùng chuyên mục