Đau đáu với văn hóa xứ Tuyên

Sự thành công của Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ nhất và Lễ hội Thành Tuyên năm 2017
có vai trò lớn của ông Nguyễn Vũ Phan.

Tôi gặp ông Nguyễn Vũ Phan, hội viên Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tỉnh trong những ngày đang diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Ngồi bên những bản thảo nghiên cứu về dân tộc Dao đỏ tại nhà riêng, ông tâm sự: “Mình đã nghỉ hưu nhưng tình yêu văn hóa xứ Tuyên vẫn đau đáu trong lòng. Một số công trình còn dang dở nay mới có thời gian hoàn thành nốt. Hơn nữa một số vấn đề đặt ra với văn hóa thời kỳ hội nhập cũng cần được giải quyết thấu đáo. Theo mình, đã là nhà nghiên cứu cái gì làm được cho quê hương thì nên tranh thủ làm. Càng làm mình càng thấy văn hóa xứ Tuyên phong phú, đặc sắc, hấp dẫn và có nét riêng. Được góp sức vun đắp cho bản sắc của tỉnh nhà mình cảm thấy vui và hạnh phúc”.

Ở Tuyên Quang, ông Nguyễn Vũ Phan được mọi người biết đến với vai trò nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Triển lãm tỉnh, rồi quyền Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhưng hay phải thực hiện “vai” tổng đạo diễn các sự kiện văn hóa lớn của tỉnh. Trong suốt thời gian công tác, ông để lại nhiều dấu ấn quan trọng, đóng góp cho sự phát triển văn hóa của tỉnh. Đó là tập trung khôi phục các lễ hội truyền thống như: Lễ hội Lồng tông Chiêm Hóa; Lễ hội Thượng Lâm, Lăng Can (Lâm Bình); Lễ hội Thành Tuyên, rước Mẫu, chùa Hang (TP Tuyên Quang). Ông cũng đóng góp tích cực hoàn thành hồ sơ di sản Then Tày - Nùng - Thái trình 
UNESCO; góp phần đưa Tân Trào, Kim Bình, Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình trở thành Di tích Quốc gia đặc biệt và danh thắng Quốc gia đặc biệt. Ông đã từng giành Giải thưởng Tân Trào đợt 1 với chùm 5 tác phẩm kịch ngắn, kịch vui. Ở nhiều liên hoan, hội thi, hội diễn toàn quốc và khu vực cá nhân ông và tập thể giành nhiều huy chương cả ở mảng sáng tác và biểu diễn.

Tuy về hưu nhưng nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Vũ Phan vẫn say sưa nghiên cứu văn hóa xứ Tuyên.

Với học vị Tiến sỹ nhân học, ông Nguyễn Vũ Phan say sưa, dày công nghiên cứu về văn hóa dân tộc Dao đỏ trên địa bàn tỉnh, trong đó đi sâu vào nghi lễ cấp sắc. Sự thành công của Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ nhất và Lễ hội Thành Tuyên năm 2017 có bóng dáng của nhà “Dao học” Nguyễn Vũ Phan. Các màn trình diễn nghi lễ cấp sắc Dao trên sân khấu do ông biên đạo được đại biểu quan khách, nhân dân, du khách đánh giá cao ở độ tỷ mẩn, công phu và tinh tế. Nhờ việc sân khấu hóa các nghi lễ truyền thống mà khán giả biết đến văn hóa Tuyên Quang nhiều hơn, đầy đủ hơn.

Một số công trình nghiên cứu, sách viết về văn hóa xứ Tuyên được Nguyễn Vũ Phan thực hiện trong thời gian vừa qua như: Chủ trì đề tài Then Tày Tuyên Quang, đã in thành sách Then Tày Tuyên Quang (2018); Chủ nhiệm đề tài Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống Làng Văn hóa Giếng Tanh gắn với phát triển du lịch (2019); tham gia cố vấn cho Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng 20 tập phim “Tuyên Quang miền di sản”, hiện VTV đã phát sóng được 5 tập; sáng tác 4 kịch ngắn dự thi; đăng 2 bài về Lễ cấp sắc của người Dao ở Tuyên Quang trên Tạp chí Khoa học xã hội Miền Trung; tháng 4-2021 viết kịch bản và tổng đạo diễn thành công Chương trình kích cầu du lịch của tỉnh. Ngoài ra, ông còn tham gia các hội đồng thẩm định tác phẩm sân khấu, hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân, Nghệ sỹ ưu tú, Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú của tỉnh. Hiện tiến sỹ Nguyễn Vũ Phan đang tập hợp hiệu chỉnh in 1 tập kịch ngắn, 1 đầu sách Lễ cấp sắc của người Dao ở Tuyên Quang.

Thời gian tới ông tiếp tục cố vấn về văn hóa xứ Tuyên cho một số phim của VTV; viết kịch bản dài Bác Hồ ở Tân Trào. Với mối quan hệ của mình, ông mời gọi thêm một số dự án du lịch vào Tuyên Quang. Mong muốn của ông, Tuyên Quang ngoài bảo tồn, thì phải phát huy tốt giá trị to lớn của văn hóa cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, trong đó có lĩnh vực đột phá du lịch.

Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục