Kỷ vật của người lính

- Tháng Bảy đến luôn nhắc nhớ tôi về những ký ức hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Nhà tôi ở gần một đơn vị huấn luyện bộ đội. Ngày ấy, cuộc chiến đang bước vào giai đoạn khốc liệt nhất. Lớp lớp thanh niên làng tôi xung phong lên đường nhập ngũ. Anh trai tôi, khi đó mới 17 tuổi đã giấu bố mẹ viết đơn xin đi bộ đội. Tối hôm trước khi anh lên xã gửi đơn, anh gọi tôi sang ngủ cùng. Anh nói rất nhiều về công việc hàng ngày mà bố mẹ cũng như mọi người trong làng đang ra sức lao động để có nhiều thóc lúa, thực phẩm đóng góp cho cuộc kháng chiến. Anh bảo, chiến tranh chưa biết bao giờ mới kết thúc. Làng mình thanh niên đều xung phong đi bộ đội. Anh ôm tôi trong vòng tay chắc khỏe và nói: Sáng mai anh lên xã đăng ký và nộp đơn. Nếu chưa được chấp nhận, anh sẽ tham gia đội thanh niên xung phong của huyện, để khi đủ 18 tuổi sẽ vào bộ đội. Em là con trai, phải cố gắng học tập, chịu khó lao động giúp đỡ bố mẹ.

Tôi, khi đó mới 10 tuổi, chưa hiểu hết ý nghĩa những điều anh nói nên chỉ im lặng nghe. Anh nói rất thương bố mẹ và các em, nhưng vị trí của tuổi trẻ phải ở tuyến đầu chống giặc. Những chuyện anh nói cũng có lúc ngưng lại. Và tôi cảm nhận những giọt nước mắt nóng hổi lăn xuống cánh tay tôi, khi nắm tay anh. Rồi anh lật góc chiếu lên, lấy ra một phong bì thư. Anh bảo, đây là lá thư gửi bố mẹ. Chiều mai, khi anh đã lên xã gửi đơn xong, em mới được đưa cho bố mẹ đọc nghe chưa. Đọc rồi bố mẹ sẽ hiểu lý do anh vắng nhà. Anh cười và xoa xoa đầu tôi. Đôi mắt anh nhìn tôi rất lạ, nhưng tôi hiểu ý anh muốn nói gì...

Cầm lá thư trên tay ngập ngừng hồi lâu, cuối cùng tôi cũng mạnh dạn đưa cho bố. Một chút ngỡ ngàng, bố tôi bóc lá thư và đọc rất nhanh. Tôi đứng phía xa theo dõi và có chút lo âu. Nhưng thay vì bực tức, gương mặt bố tôi bỗng sáng lên. Ông cười vui và gọi mẹ tôi đến cùng đọc. Mẹ đọc thư và cười, nhưng đôi mắt thì đỏ hoe. Tôi cứ đọc đi đọc lại mãi lá thư của anh trước lúc lên đường. Anh viết: “Bố mẹ kính mến! Vậy là con sắp bước sang tuổi 18. Cái tuổi mà thanh niên làng ta tất cả đều xung phong lên đường đi chống Mỹ cứu nước. Từ lâu, con đã mong đến ngày này để được cống hiến tuổi trẻ cho Tổ quốc...”. Thế là anh ra đi từ đó không về.

Chiến tranh cứ liên miên. Làng tôi phải sơ tán, vì máy bay Mỹ. Nhưng Mỹ đã thất bại buộc phải chấm dứt leo thang đánh phá miền Bắc. Làng tôi lại trở về với nhịp sống thi đua lao động sản xuất vì tiền tuyến. Buổi tối, dưới ánh đèn dầu, người trong làng lại tụ tập kể cho nhau nghe chuyện về những người con thân yêu đang chiến đấu ngoài mặt trận. Những lá thư viết đi; rồi thư gửi về từ tiền tuyến như một sợi dây nối bao niềm thương nhớ và tự hào. Ngày chiến thắng, rất nhiều người con yêu dấu đã không trở về. Nhưng ký ức, niềm tự hào về họ thì mãi mãi không bao giờ phai mờ. Kỷ vật của người lính để lại chỉ là những lá thư. Thỉnh thoảng có gia đình nhận được đồ vật các anh gửi lại trước lúc xung trận.

Với tôi, lá thư anh viết cho bố mẹ ngay chính trong căn nhà của mình, trước ngày anh đi bộ đội là một kỷ vật thiêng liêng. Những dòng thư anh viết chứa đựng khí phách của một thời đã sống, khi Tổ quốc cần...

Hoa Nguyên

Tin cùng chuyên mục