Trao truyền văn hóa dân tộc

- Qua hàng trăm năm vỡ đất lập bản, lập làng, những nét đặc trưng của văn hóa từng dân tộc đã kết đọng trong cộng đồng dân cư, tạo nên những sắc thái riêng biệt. Mỗi dân tộc có trang phục, tiếng nói, chữ viết, phong tục khác nhau. Theo dòng chảy thời gian, người Tày, Nùng, Dao, Cao Lan, Mông, Sán Dìu… có những cách làm riêng để trao truyền bản sắc dân tộc mình để mạch nguồn văn hóa không bao giờ vơi cạn.

Nguy cơ mai một

- Xẩn nhắng ho lớp xa e? (Cháu năm nay học lớp mấy nhỉ?).

- Xẩn nghưn nằng à gô? (Cháu ăn cơm rồi ạ).

Đó là đoạn hội thoại ngắn giữa hai ông cháu người Dao, xã Thắng Quân (Yên Sơn). Tình trạng “ông hỏi gà, cháu trả lời vịt” như này diễn ra khá phổ biến giữa hai thế hệ. Anh Lý Văn Thanh, Trưởng thôn Hòn Lau, xã Thắng Quân (Yên Sơn) chia sẻ, thường những cụ già ở đây thích giao tiếp bằng tiếng Dao còn các cháu trẻ chỉ hiểu bập bõm, có cháu còn không biết nói, nên tình trạng “lệch sóng” là chuyện bình thường.

Nghệ nhân Ưu tú Ma Văn Đức nhận định rằng, trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, nhiều gia đình dân tộc Tày, Dao, Nùng, Cao Lan, Mông… những người trẻ chỉ biết nói tiếng phổ thông. Thậm chí có người biết nhưng ngại giao tiếp, ít có cơ hội giao tiếp bằng tiếng dân tộc nên dần quên lãng và mai một đi. Bên cạnh tiếng nói, chữ viết thì trang phục là di sản văn hóa, là thông điệp quá khứ để lại. Hiện nay tình trạng phổ biến đó là một số trang phục truyền thống của một số dân tộc thiểu số đang dần bị mai một. Trước đây, trong cuộc sống hàng ngày, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn thường xuyên sử dụng trang phục truyền thống. Tuy nhiên những năm gần đây tỷ lệ người sử dụng trang phục truyền thống của dân tộc mình ngày càng giảm, nhất là ở nam giới và người trẻ tuổi.

Ông Lương Xuân Dán, xã Trung Minh (Yên Sơn) dạy các cháu nhỏ hát Then đàn Tính.

Bên cạnh sự mai một về trang phục, tiếng nói, chữ viết thì còn mai một về phong tục tập quán, nét đẹp văn hóa. Điển hình đối với đồng bào dân tộc Mông, âm nhạc đóng vai trò quan trọng trong tình yêu, hôn nhân. Trước kia, ở các phiên chợ, các chàng trai, cô gái người Mông thường thổi kèn lá để tìm bạn tình. Nhưng bây giờ, khi các phương tiện thông tin hiện đại ra đời, người ta đã không còn dùng tiếng khèn, tiếng sáo nữa. Thay vào đó là đài cát-sét để mở nhạc, điện thoại di động để liên lạc...

Những ví dụ trên chỉ là những điển hình về thực trạng mai một bản sắc văn hóa của một số đồng bào dân tộc thiểu số. Theo dòng chảy thời gian, sự phát triển của kinh tế thị trường, xu hướng hội nhập làm xuất hiện nguy cơ mai một, mất đi nét văn hóa riêng của từng dân tộc thiểu số. Do đó để “tránh đứt gãy văn hóa” mỗi dân tộc cần có ý thức lưu giữ, trao truyền văn hóa dân tộc giữa các thế hệ.

Từ những “hạt nhân”…

Trong câu chuyện gìn giữ, bảo tồn vốn văn hóa truyền thống dân tộc, nhiều người đều đề cao đến vai trò của hạt nhân tại cơ sở. Cụ thể là những nghệ nhân dân gian, người am hiểu và tâm huyết văn hóa, người uy tín trong cộng đồng.

Nhiều năm qua, cùng với việc nghiên cứu, sưu tầm, các nghệ nhân còn đau đáu với việc trao truyền văn hóa của dân tộc mình cho thế hệ trẻ. Từ đó, nhiều lớp học dạy chữ, dạy hát Then, hát Cọi, Sình ca, Páo dung... ra đời đã thu hút nhiều người tham gia. Nghệ nhân Nhân dân Hà Văn Thuấn, xã Tân An (Chiêm Hóa) hay nghệ nhân dân gian Thàm Ngọc Kiến, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang)… là những người dày công trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc Tày. Bao năm qua, bằng ngọn lửa đam mê các nghệ nhân đã đứng ra mở lớp dạy hát Then, đàn Tính. Em Ma Thị Thu Trà, xã Bằng Cốc (Hàm Yên) nói: “Ban đầu học đàn Tính khó lắm, nhưng khi nghe các nghệ nhân đàn và hát em lại muốn học để được hát hay, đàn giỏi”.

Bên cạnh đó, các nghệ nhân còn mở lớp dạy chữ, truyền dạy văn hóa nghi lễ. Nghệ nhân Ưu tú Tiêu Sơn Học, thôn Đồng Giàn, xã Đội Bình (Yên Sơn) mở lớp dạy học chữ Cao Lan; Nghệ nhân Ưu tú Chu Tuần Ngân, xã Trung Minh (Yên Sơn) mở lớp học tiếng Dao Tiền; nghệ nhân Ưu tú Hà Ngọc Cao mở lớp dạy chữ Nôm Tày và truyền dạy cho các học trò các nghi lễ thờ cúng; Nghệ nhân Ưu tú Lục Văn Bảy, dân tộc Sán Dìu xã Ninh Lai (Sơn Dương) mở lớp dạy chữ Sán Dìu và hát Soọng cô…

Cùng với các nghệ nhân thì những người già, người uy tín, người am hiểu văn hóa dân tộc ở bản làng là “hạt nhân” trong việc trao truyền văn hóa. Tại xã Ninh Lai (Sơn Dương) có Câu lạc bộ hát Soọng cô. Hạt nhân của câu lạc bộ là bà Đỗ Thị Man là những người biết hát Soọng cô từ khi còn rất trẻ. Bà Man chia sẻ, khi Câu lạc bộ được thành lập, bà con trong thôn, đặc biệt các cháu nhỏ hưởng ứng nhiệt tình. Người biết hát thì dạy nhau hát, người biết thêu thì dạy con cháu thêu, người giữ được tiếng nói thì dạy lại người trẻ tiếng nói…

Đến sự trao truyền  từ cộng đồng

Trước hết là việc gìn giữ, trao truyền tiếng nói, chữ viết luôn được coi trọng vì đó là linh hồn của mỗi dân tộc. Ý thức được điều này, nhiều địa phương trong tỉnh đã thành lập các câu lạc bộ giữ gìn, sử dụng tiếng nói dân tộc góp phần giữ gìn hồn cốt của dân tộc mình. Toàn tỉnh hiện có 50 câu lạc bộ sử dụng, giữ gìn tiếng nói dân tộc.

Năm 2017, UBND xã Thái Hòa (Hàm Yên) thành lập Câu lạc bộ giữ gìn tiếng nói dân tộc Dao. Chị Lý Thị Hà, thành viên Câu lạc bộ cho biết, chị đã tự nguyện tham gia vào câu lạc bộ để được học hỏi, nâng cao vốn tiếng Dao, nhờ vậy chị hiểu hơn về giá trị văn hóa truyền thống và những nét đẹp của văn hóa dân tộc mình. Chị không chỉ học cho bản thân mà còn tích lũy để dạy cho con em mình biết tiếng nói của dân tộc Dao.

Hiện trên địa bàn tỉnh có trên 200 câu lạc bộ đàn hát dân ca và bảo tồn văn hóa dân tộc, 70 câu lạc bộ hát Then - đàn Tính, 6 câu lạc bộ hát Páo dung của dân tộc Dao, 13 câu lạc bộ hát Sình ca của người Cao Lan... được duy trì hoạt động thường xuyên, góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ trong quần chúng, bảo tồn và lưu giữ bản sắc văn hóa các dân tộc.

Một điều dễ nhận thấy rằng, bằng con đường cảm thụ âm nhạc, người trẻ tiếp cận ghi nhớ ngôn ngữ của dân tộc mình một cách dễ dàng hơn. Em Tạ Thị Thanh Hà, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) cho biết, ở bản em các câu lạc bộ hát Then thường xuyên giao lưu. Ban đầu, em chỉ đến xem cho vui nhưng dần dà được nghe nhiều, yêu thích giai điệu Then và tò mò tìm hiểu ý nghĩa lời bài hát. Từ đó em yêu thích và học tiếng Tày, nói tiếng Tày dễ dàng hơn.

Thế hệ trẻ nối tiếp

Bên cạnh đó, giới trẻ có những cách làm, tiếp cận mới mẻ, độc đáo trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa. Khi bắt đầu vào học cấp 2 tại trường THCS Thổ Bình, em Bàn Thị Minh đã được mẹ tự tay thêu, may cho bộ quần áo truyền thống của dân tộc Dao. Em Minh chia sẻ, chính bộ quần áo truyền thống đã giúp những bạn học, thầy, cô giáo và cả những vị khách đến thăm trường đều nhận ra em là người dân tộc Dao đỏ. Em rất tự hào, hãnh diện khi được khoác lên trang phục dân tộc mình.

Xác định giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, trong đó có giữ gìn trang phục truyền thống phải bắt đầu từ thế hệ trẻ, trong những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa… đã chỉ đạo các trường học khuyến khích học sinh mặc trang phục của dân tộc mình. Trong đó, nhiều trường học đã quy định việc mặc trang phục truyền thống vào một số ngày trong tuần. Thầy giáo Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng trường THPT Hàm Yên chia sẻ, nhà trường thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, tìm hiểu về văn hóa các dân tộc. Qua đó, góp phần giáo dục học sinh niềm tự hào và ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Từ năm 2014 đến nay, Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các cơ sở đoàn vận động lực lượng đoàn viên, thanh niên thực hiện mô hình “Đám cưới văn minh, tiết kiệm”. Trong đó, lễ cưới tổ chức gọn nhẹ. Cô dâu, chú rể mặc trang phục dân tộc. Đám cưới của Hoàng Văn Tiến, Nguyễn Kim Tuyến ở thôn Xuân Mai, xã Hùng Đức (Hàm Yên) được tổ chức theo đúng mô hình “Đám cưới văn minh, tiết kiệm”.

Nhiều năm qua, các em học sinh ở Hàm Yên, Chiêm Hóa, Lâm Bình, Na Hang có giao lưu chụp ảnh kỷ yếu mang màu sắc dân tộc. Em Nông Hương Ly, trường THPT Hàm Yên cho biết, không còn hình tượng áo dài trắng, đồng phục bên lớp học, sân trường, hàng cây vốn quen thuộc, những cô cậu học trò lựa chọn những bộ quần áo, váy của nhiều dân tộc khác nhau như: Tày, Mông, Dao… làm điểm nhấn trong bộ ảnh lưu giữ khoảnh khắc trước khi ra trường.

Ông Tống Đại Hồng, Chi hội Trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Tuyên Quang chia sẻ, việc giữ gìn và trao truyền văn hóa truyền thống các dân tộc, rất cần sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền vận động đồng bào thực hiện nếp sống văn minh, nâng cao ý thức trong việc bảo tồn, phát huy giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, cần quan tâm chế độ, chính sách khuyến khích các hạt nhân văn nghệ có nhiều công lao, đóng góp tích cực trong việc truyền dạy văn hóa dân tộc. Đồng thời tích cực tổ chức phong trào văn nghệ quần chúng ở cơ sở, nhà trường nhằm khuyến khích sự tham gia tích cực của thế hệ trẻ trong việc giữ gìn, bảo tồn văn hóa dân tộc.

Hoàng Niềm

Tin cùng chuyên mục