Đôi vợ chồng say mê nghề may trang phục truyền thống

- Vợ chồng Chị Phan Thị Hiển, anh Trần Ngọc Lượng ở tổ 3, phường Mỹ Lâm, TP Tuyên Quang là những người thợ may trang phục truyền thống của dân tộc thiểu số khéo tay nổi tiếng, đặc biệt là trang phục của phụ nữ dân tộc Cao Lan. Qua đôi bàn tay tài hoa khéo léo của chị, từng thớ vải cùng được kim mũi chỉ đã tạo nên bộ trang phục hoàn chỉnh tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ Cao Lan.

Vợ chồng chị Hiển và anh Lượng trao đổi về cách cắt may một bộ trang phục dân tộc.

Gia đình anh chị Hiển - Lượng khởi nghiệp từ nghề may vào những năm 1984, đến nay anh chị đã có 39 năm làm nghề may đo quần áo. Nhưng nghề may trang phục truyền thống của anh chị mới bắt đầu nở rộ khoảng 10 năm trở lại đây khi những người Cao Lan ở phường Mỹ Lâm, xã Kim Phú và những vùng lân cận tìm đến nhờ may những bộ trang phục truyền thống của họ.  Lúc đầu, anh chị chỉ nhận lời may để giúp các chị em có được bộ trang phục để mặc vào những dịp lễ hội, ngày Tết. Dần dần người này truyền người kia, khách đến may trang phục dân tộc Cao Lan ngày một đông hơn.

Đối với những người phụ nữ dân tộc Cao Lan ở phường Mỹ Lâm, xã Kim Phú trang phục luôn là một phần khá quan trọng, bởi bộ trang phục truyền thống luôn được người phụ nữ nâng niu, chăm chút và được mặc vào các dịp lễ cưới, ngày hội làng, ngày Tết. Do vậy, để có được sự tín nhiệm của khách hàng đòi hỏi người thợ phải có sự sáng tạo, khéo léo ở từng nét vẽ, đường cắt, mũi kim chỉ… Dẫn chúng tôi đi xem tiệm may anh Lượng chia sẻ: trang phục truyền thống của người Cao Lan mới nhìn tưởng đơn giản, nhưng khi may, có khá nhiều chi tiết phức tạp, nếu không hiểu biết về trang phục truyền thống thì rất khó may được bộ trang phục đẹp ưng ý.

Chị Hiển cẩn thận may từng công đoạn của chiếc áo.

Sau khi đã nghiên cứu kỹ bộ trang phục truyền thống của người phụ nữ Cao Lan từ khăn quấn đầu, áo, váy, xà cạp, tới màu sắc là hai màu chủ đạo là màu đen và đỏ. Điều hạn chế của chiếc áo Cao Lan truyền thống là thường may rộng, không tạo được vòng eo thon. Anh Lượng đã mạnh dạn thay đổi trong việc cắt may để tạo cho chiếc áo bó sát vào đường eo của người mặc tạo nên vóc dáng thon gọn.

Nói về bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Cao Lan, chị Tướng Thị Lương, xóm 28, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) cho biết: trước đây, để có một bộ váy áo của dân tộc mình, chúng tôi phải thực hiện nhiều công đoạn, từ trồng dâu, nuôi tằm, lấy kén, se tơ, nhuộm và tự khâu vá bộ váy áo của mình. Tuy nhiên, bước sang thời hiện đại, việc may một bộ váy áo như vậy tốn quá nhiều thời gian, công sức, nên không còn nhiều người giữ thói quen tự may trang phục nữa.

 Chị Phan Thị Hiển (bên phải) trong một lần tham gia tập luyện văn nghệ, gìn giữ trang phục dân tộc.

Để có một bộ trang phục truyền thống, chúng tôi chuyển sang đặt hàng những người thợ khéo tay như tiệm may Lượng Hiển. Về kỹ thuật may thì tùy vào sự sáng tạo của người thợ, miễn là bộ váy áo vẫn giữ được nét đặc trưng về văn hóa của người Cao Lan. Và cái chính là được chị em phụ nữ Cao Lan chấp nhận, yêu thích, cảm thấy mình duyên dáng hơn khi diện bộ trang phục của dân tộc mình...

Sản phẩm của tiệm may Lượng Hiển đã đồng hành với nhiều chương trình văn hóa văn nghệ và trong sinh hoạt hàng ngày của người Cao Lan. Góp phần vào việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Bài, ảnh: Cảnh Trực

Tin cùng chuyên mục