Độc đáo tục lấy nước đầu năm của người Tày, Nùng

- Tục lấy nước đầu nguồn đầu năm mới của đồng bào dân tộc Tày, Nùng là một nét đẹp văn hóa có từ ngàn xưa. Với quan niệm, nước là khởi nguồn cho mọi sự sống, vạn vật sinh sôi, thế nên người dân tộc Tày, Nùng duy trì tục độc đáo này với mong muốn một năm mới mưa thuận, gió hoà, làm ăn thuận lợi.

Đồng bào Tày, Nùng quan niệm lấy nước đầu năm sẽ mang lại nhiều may mắn.

Đồng bào dân tộc Tày, Nùng cho rằng, nước cũng như muối, mắm, gạo…, trong những ngày đầu năm những thứ này luôn đầy đủ, thì cả năm đó gia đình sẽ thịnh vượng. Vì vậy, đến nay đồng bào Tày, Nùng vẫn giữ gìn được phong tục lấy nước đầu năm.

Người đi lấy nước thường là chủ nhà, có thể có thêm con hoặc anh em cùng đi. Dụng cụ lấy nước thường là ống bương, hoặc đơn giản là xô, chậu, đòn gánh và gáo tre to để múc nước. Trước khi lấy nước, đồng bào Tày, Nùng làm thủ tục thắp hương ngay vị trí mỏ nước, sau đó lấy nước và đem về nhà. Trên đường về, họ hái một cành lộc mang về.  Nước đem về từ đầu nguồn, được đồng bào đặt trước bàn thờ để báo cáo tổ tiên phù hộ cho mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi. Sau đó, một phần nước sẽ được đun sôi pha trà dâng cúng tổ tiên, còn lại để rửa mặt. Ngày đầu năm mới, được rửa mặt bằng nước suối trong lành, mát mẻ lấy từ mỏ nước đầu nguồn thì gia chủ và các thành viên trong gia đình sẽ nhiều may mắn. Vì vậy, mọi công đoạn lấy nước đầu năm mới được thực hiện cẩn trọng, thành kính, đem lại cho họ niềm tin vào một năm mới tốt lành, mùa màng bội thu, gia súc đầy chuồng…

Thực hiện các công đoạn để đi lấy nước đầu năm một cách thành kính sẽ đem lại cho người Tày, Nùng niềm tin vào một năm mới tốt lành. Đó như một liều thuốc tinh thần giúp họ hăng say lao động, xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn.

Hoàng Anh

Tin cùng chuyên mục