Theo thầy bụt Tô Quang Chung, thôn Rèn 1, xã Hòa An, hiện nay các thủ tục làm lễ cầu an cho trẻ đều hết sức đơn giản và xuất phát từ sự tùy tâm của người làm lễ. Lễ vật có thể là gói bánh, hộp kẹo, lon nước ngọt, ít hoa quả hoặc đồ cúng mặn như xôi, gà... Các bài khấn tuy nội dung được rút gọn nhưng quan trọng vẫn đảm bảo là cầu sức khỏe, cầu may mắn cho đứa trẻ và các thành viên trong gia đình trong năm mới.
Thầy bụt Tô Quang Trung đang làm lễ cầu an cho trẻ.
Thông thường, các gia đình có cháu nhỏ không khỏe mạnh, hay ốm đau thì định kỳ mỗi năm sẽ được người thân đưa đến nhà thầy làm lễ. Đối với những người này, sau khi hoàn thiện các thủ tục cúng, buộc sợi chỉ đỏ vào tay để cầu may, thầy còn gửi lại lễ cho gia chủ, trong đó không thể thiếu là vài nắm gạo. Theo quan niệm của đồng bào Tày, Nùng, nắm gạo thầy ban chứa đựng trong đó nhiều ý nghĩa tâm linh. Ăn bát cơm từ gạo thầy ban, đứa trẻ sẽ ăn ngon miệng hơn, nhờ đó sẽ khỏe mạnh, chóng lớn. Nó còn gửi gắm mong ước gia đình này cả năm thóc gạo đầy bồ, cuộc sống sung túc, ấm no.
Với nhiều ý nghĩa tâm linh, lễ cầu an cho trẻ không chỉ được tiến hành đối với gia đình có cháu nhỏ hay ốm, quấy khóc mà còn được nhiều người dân lựa chọn thực hành vào dịp năm mới với mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với đứa trẻ. Các thủ tục hành lễ cũng đơn giản, xuất phát từ tâm của người làm lễ. Sau khi làm lễ xong, các thầy mo, thầy cúng còn mừng tuổi cho đứa trẻ, mong cho đứa trẻ một năm an lành. Các gia đình sau khi làm lễ cầu an, con cái bình an, khỏe mạnh đều quay lại tạ ơn thầy vào dịp lễ, Tết. Bởi vậy, lễ cầu an cho trẻ là nét đẹp văn hóa được duy trì trong các bản làng, thể hiện mong muốn, khát vọng của đồng bào dân tộc về một năm mới khỏe mạnh, bình an.
Gửi phản hồi
In bài viết