Phong tục ngày Tết của các dân tộc

- Trong quan niệm của đồng bào Tày, Dao, Nùng, Mông, Cao Lan… Tết cổ truyền có ý nghĩa quan trọng và đặc biệt trong tín ngưỡng, đời sống tâm linh. Vì thế mỗi dân tộc ở các địa phương đều có những nghi thức, phong tục riêng để cầu bình an, hạnh phúc.


Cây nêu tại thôn Thôm Bưa, xã Tân Mỹ (Chiêm Hóa).

Tục dựng cây nêu của Người Tày

Từ bao đời nay, người Tày Chiêm Hóa đón Tết không thể thiếu cây nêu dựng trước nhà. Theo quan niệm của người Tày, cắm cây nêu để loại trừ ma quỷ, giữ đất, giữ nhà và mang lại may mắn, an lành cho năm mới. Cây nêu tiếng Tày gọi là “mạy nêu”. “Mạy nêu” phải đảm bảo các điều kiện: Thẳng đẹp, gióng đều, tròn lẳn, ngọn phải có túm lá xanh mướt. Đúng vào chiều 30 Tết, đích thân người đàn ông trụ cột của gia đình sẽ dựng cây nêu ngay trước nhà. Có nơi làm cây nêu khá đơn giản. Sau khi lựa chọn cây tre ưng ý đẹp mắt, chủ nhà buộc cây vầu nhỏ có ngọn lá xanh mướt và treo thêm một lá cờ Tổ quốc đỏ thắm. Có nơi lại cầu kỳ hơn treo giấy đỏ, 3 nén hương, 1 cái bánh chưng xanh lên thân cây nêu. Với quan niệm, giấy đỏ và nén hương xua tà ma, còn bánh chưng xanh nói lên ước nguyện. Đó là cầu mong cho một năm mới no đủ, nhà nhà yên vui.


Người Nùng ở Yên Sơn dán giấy đỏ.

Tục dán giấy đỏ của Người Nùng Yên Sơn

Vào ngày Tết, những ngôi nhà ở bản làng người Nùng lại bừng sáng trong sắc đỏ. Theo quan niệm của người Nùng, giấy đỏ biểu trưng cho niềm vui, sự tốt lành và tượng trưng cho khí dương, ánh nắng mặt trời. Đây cũng là dịp để gia chủ tri ân “người bạn” trong lao động sản xuất. Những dụng cụ như cày, cuốc, xẻng... sẽ được rửa sạch sẽ, dán giấy đỏ. Bởi vào ngày lễ Tết con người được nghỉ và vui chơi thì các dụng cụ cũng cần được nghỉ ngơi. Có như vậy, năm mới sẽ làm việc tốt hơn, mùa màng bội thu.

Theo thường lệ vào ngày 30 Tết, gia chủ dậy từ sáng sớm để trang hoàng nhà cửa. Chủ nhà cắt giấy thành những nét hoa văn và có hình con chim đang bay lượn, hình con cá đang bơi... để dán vào bàn thờ, cửa, dụng cụ sản xuất... thể hiện sự khéo léo và mong muốn những điều may mắn nhất sẽ đến trong năm mới.

Tục lệ cúng nước mới của dân tộc Cao Lan

Tết Nguyên Đán của người dân tộc Cao Lan thường được bắt đầu từ 25 tháng Chạp đến hết Rằm tháng Giêng. Ngày 30 Tết là quan trọng và đặc biệt nhất trong năm, sau khi vệ sinh nhà cửa sạch sẽ. Đến đêm Giao thừa, chủ nhà thường pha một ấm trà, rót ra chén, để ở các ban thờ mời tổ tiên (thường gọi là tục lệ cúng nước mới). Nước pha trà có một điều đặc biệt rằng, đúng giờ sang canh năm mới, chủ nhà phải lấy nước ở giếng sâu hoặc trong khe đá. Nước đó phải thật mới, trong veo, sạch sẽ như thể hiện được tấm lòng của chủ nhà.

Khi đi lấy nước thì người lấy phải thật thành tâm sau đó đốt giấy hoặc để vài đồng tiền rồi mới được phép mang nước về nấu để mời tổ tiên. Những việc làm này thể hiện tấm lòng tôn kính của chủ nhà với tổ tiên để cầu may, sức khỏe cho gia đình.


 Người Mông ở Tiên Tốc (Lâm Bình) gói bánh chưng gù đón Tết.

Tết của dân tộc Dao

Trước Tết cả tháng, các gia đình người Dao trong thôn đã chuẩn bị lợn Tết, gà, gạo nếp ngon và lá dong để gói bánh chưng gù… và một phần không thể thiếu được đó là củi đun. Mỗi gia đình đều chuẩn bị 3 đoạn củi to bằng loại gỗ rắn chắc để khi đun đoạn củi có thể cháy suốt 3 ngày Tết mà không cháy hết và tắt lửa. Bếp lửa vừa để giữ ấm trong những ngày giá rét, vừa mang ý nghĩa tượng trưng cho một gia đình hạnh phúc, hòa thuận êm ấm, cuộc sống no đủ, sung túc trong cả năm.

Sáng sớm mồng 1 Tết, gia chủ sẽ dậy sớm để đi làm lễ tạ ơn thần nước, thần cây. Gia chủ sẽ thắp hương bên giếng, khe suối, bên các cây to, cây ăn quả quanh nhà với những lời khấn tạ ơn “các thần” đã ban cho nước uống, quả ngọt, bóng mát và che chở cho gia đình trong suốt thời gian qua và cầu mong những điều tốt đẹp cho năm mới. Điều này thể hiện rất rõ quan niệm, mọi vật đều có thần linh ngự trị của đồng bào Dao.

Tết của dân tộc Mông

Đêm 30 Tết, người Mông cúng “ma nhà” (tổ tiên) bằng một con lợn và một con gà trống còn sống, rồi mang lợn và gà ấy đi giết thịt, sau đó đem cúng một mâm thịt chín. Người Mông không đón Giao thừa, tiếng gà gáy đầu tiên của sáng sớm mồng Một là cái mốc đánh dấu một năm mới của người Mông bắt đầu. Tết trong nhà người Mông không thể thiếu các món ăn như thịt, rượu, bánh ngô, bánh dày. Trong ngày mùng 1 Tết, người Mông họ kiêng thổi lửa, kiêng gọi phụ nữ dậy sớm, kiêng tiêu tiền, cho ai hoặc xin ai bất kỳ cái gì, không hót rác, không ăn cơm chan canh trong những ngày Tết.

Từ ngày mùng 4, người Mông mới bắt đầu chơi Tết. Những bộ váy, áo đẹp nhất sẽ được trưng diện trong dịp này. Tết cũng là dịp người Mông tổ chức các trò chơi truyền thống như đánh tu lu (đánh cù), ném pao, đánh quay…

Giang Lam

Tin cùng chuyên mục