Tâm huyết với văn hoá dân tộc Cao Lan

- Gần 50 năm nghiên cứu, sưu tầm và truyền dạy văn hoá dân tộc Cao Lan trong cộng đồng, Nghệ nhân Ưu tú Tiêu Sơn Học, xã Đội Bình (Yên Sơn) đã có nhiều đóng góp trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Cao Lan ở địa phương.

Nghệ nhân Ưu tú Tiêu Sơn học (thứ 4 từ phải sang) hướng dẫn các thành viên CLB hát Sình ca.

Say sưa ghi chép, sưu tầm

Sinh ra ở thôn Đoàn Kết, xã Đội Bình (Yên Sơn), nơi có 100% số hộ là đồng bào dân tộc Cao Lan. Từ nhỏ, ông Tiêu Sơn Học đã được nghe các bà, các mẹ, các chị, các anh hát Sình ca, một lối hát đối đáp, giao duyên của dân tộc, nhất là mỗi dịp lễ, Tết, người hát có thể hát thâu đêm. Lời hát đã giúp gắn kết giữa người với người, là lời tâm sự, bộc lộ tình cảm của trai, gái… Nhưng những điệu hát Sình ca chủ yếu là được truyền miệng, vì vậy nếu không được ghi chép lại sẽ dễ bị mai một.

Chính vì vậy, ông Học đã tìm hiểu và học chữ Hán từ bố mình là ông Tiêu Văn Bút, với mong muốn ghi chép lại điệu hát Sình ca, để có thể phổ biến cho mọi người có thể hát được. Ý tưởng là vậy, nhưng vì cuộc sống, ông đã tham gia bộ đội, xuất ngũ lại đi làm công nhân để chăm lo cho cuộc sống gia đình. Thời gian thấm thoát trôi, cho đến khi kinh tế ổn định, lúc này đã hơn 30 tuổi ông mới bắt đầu có thời gian để chép lại những lời bài hát Sình ca bằng chữ Hán, sau đó dịch ra tiếng Cao Lan để mọi người có thể đọc được và tập hát.

Nghệ nhân Ưu tú Tiêu Sơn học ghi chép lời hát Sình ca bằng chữ Hán.

Cứ như vậy, những lúc rảnh rỗi ông lại tranh thủ ghi chép. Nghệ nhân Ưu tú Tiêu Sơn Học chia sẻ, đến nay, ông đã ghi chép được 6 quyển hát đêm, 1 quyển hát trong đám cưới và 1 quyển hát giao duyên. Nhờ được dịch ra tiếng Cao Lan, nên rất nhiều người có thể học và thuộc các bài hát dễ dàng hơn. Ban đầu, số người hát Sình ca trong thôn, trong xã còn ít, dần dần ngày càng có nhiều người hát hơn.

Truyền dạy cho thế hệ trẻ

Không chỉ tâm huyết sưu tầm những bài hát Sình ca của dân tộc, ông Học còn có công đầu trong việc thành lập Câu lạc bộ (CLB) bảo tồn văn hoá dân tộc Cao Lan làng Minh Cầm vào năm 2017. CLB đã thu hút sự tham gia của hơn 40 thành viên của 3 thôn: Đoàn Kết, Hoà Bình, Dân Chủ. Các thành viên thuộc nhiều lứa tuổi, trong đó có nhiều người trẻ, chưa biết hát Sình ca đã được ông hướng dẫn, động viên tham gia. Tham gia CLB, các thành viên ngoài học hát, múa, còn được học tiếng nói và giữ gìn trang phục truyền thống.

Nghệ nhân Ưu tú Tiêu Sơn học hướng dẫn các cháu chơi trống Tang sành.

Anh Hà Văn Quang, Chủ nhiệm CLB bảo tồn văn hoá dân tộc Cao Lan làng Minh Cầm, một trong nhiều học trò của ông Tiêu Sơn Học cho biết, lúc đầu CLB mới có 30 thành viên. Khi ấy, ông Tiêu Sơn Học là Chủ nhiệm CLB, anh là Phó Chủ nhiệm CLB. Được ông dạy dỗ, hướng dẫn, đến nay anh đã có thể ghi chép các bài hát Sình ca bằng chữ Hán rồi dịch ra tiếng Cao Lan cho mọi người tập luyện. Đồng thời, hướng dẫn các thành viên trẻ trong CLB học hát, đánh trống Tang sành.

Chị Hà Thị Minh, thôn Dân Chủ, thành viên CLB chia sẻ, khi mới tham gia CLB chị chưa biết hát Sình ca, đến nay chị đã có thể múa, hát một số bài. Đặc biệt, được Nghệ nhân Ưu tú Tiêu Sơn Học hướng dẫn, chỉ dạy, mỗi thành viên trong CLB đều thêm tự hào và luôn có ý thức giữ gìn những nét đẹp văn hoá dân tộc như trang phục, tiếng nói… Mỗi dịp lễ, Tết, CLB lại tham gia biểu diễn văn nghệ, phục vụ bà con trong thôn, trong xã.

Ghi nhận những đóng góp của ông Tiêu Sơn Học trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, năm 2015 ông được Chủ tịch nước phong tặng Nghệ nhân Ưu tú; năm 2021, ông được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phong tặng Nghệ nhân dân gian. Năm nay, đã tròn 80 tuổi, nhưng ông vẫn miệt mài ghi chép, hướng dẫn thế hệ trẻ để góp phần giữ gìn và lan toả văn hoá dân tộc trong cộng đồng.                               

Huyền Linh

Tin cùng chuyên mục