Truyền dạy tiếng Cao Lan

- Tiếng nói, chữ viết là hồn cốt của mỗi dân tộc, tộc người. Mất tiếng mẹ đẻ cũng tương tự với nguy cơ mất đi hồn cốt, bản sắc văn hóa của dân tộc đó.  Nhận thức rõ điều này, đồng bào dân tộc Cao Lan, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) đang ngày đêm gìn giữ để tiếng nói ấy lưu truyền trong bản làng.

Vào lúc rảnh, trẻ em lại tụ tập nhà bà Nịnh Thị Sáng, thôn 1, xã Lưỡng Vượng để học tiếng Cao Lan.

Ngày nào cũng vậy, cứ tranh thủ lúc rảnh rỗi là các bà, các mẹ, các chị người Cao Lan ở thôn 1, xã Lưỡng Vượng lại tụ tập ở nhà bà Nịnh Thị Sáng để dạy tiếng Cao Lan cho con, cháu trong gia đình.

Bà Sáng năm nay 64 tuổi. Từ nhỏ bà đã đam mê hát Sình Ca. Sình Ca có vần, điệu nên dễ thuộc, dễ nhớ. Vì thế học hát Sình Ca là một cách học nói tiếng dân tộc hiệu quả. Vừa trò chuyện với chúng tôi bà Sáng vừa lật giở cuốn sách đã nhuốm màu thời gian. Bà bảo, cuốn sách này bà ghi chép các làn điệu Sình Ca từ năm bà mới 16, 17 tuổi. Giờ cuốn sách có hơn trăm bài. Nội dung các bài Sình Ca mang tính nhân văn sâu sắc: Giáo dục, dạy dỗ con cháu học hành, làm ăn; dạy cách đối nhân xử thế trong gia đình, ngoài xã hội; sống đoàn kết, gắn bó, thương yêu nhau; gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc...

Các bài Sình Ca được bà Sáng chép lại cách đây hơn 40 năm.

Bà Sáng là thành viên câu lạc bộ gìn giữ bản sắc văn hóa Cao Lan của xã Lưỡng Vượng. Câu lạc bộ hiện có 50 thành viên. Cùng với việc dạy hát, múa, thì việc dạy tiếng nói cho lớp trẻ được câu lạc bộ chú trọng. Em Nguyễn Văn Dự, 12 tuổi chia sẻ, tuy chưa thể thuộc hết lời hát và giọng hát của em chưa hay nhưng chúng em rất hào hứng học.

Bà Sáng chép lại các bài Sình Ca vào cuốn sách này từ năm 16, 17 tuổi, nay bà đã 64 tuổi.

Hiểu được ý nghĩa của việc nói tiếng dân tộc, hiện nay các gia đình đều có ý thức gìn giữ. Bà Trần Thị Sửu ở thôn 1 cho biết, để tiếng nói của người Cao Lan không bị mất đi thì việc dạy chữ phải bắt đầu từ mỗi gia đình. Trong gia đình bà, mọi người vẫn nói chuyện với nhau bằng tiếng dân tộc. Trong sinh hoạt hàng ngày, bà đều dạy các cháu từng câu, từng chữ theo kiểu mưa dầm thấm lâu. Đặc biệt, việc dành thời gian học tiếng dân tộc cũng giúp bọn trẻ giảm bớt việc sử dụng mạng xã hội.

Việc dạy tiếng nói dân tộc đã bước đầu tạo sự chuyển biến trong cộng đồng. Đến nay các thế hệ con cháu trong các gia đình người Cao Lan ít nhiều đã biết nghe và nói tiếng Cao Lan. Đó là cách làm hiệu quả để tiếng nói Cao Lan được duy trì trong cộng đồng.

Hoàng Anh

Tin cùng chuyên mục