Từ làm tăm, trung bình mỗi ngày bà Ma Thị Tiêu có thêm 100 nghìn đồng.
Người dân khu tái định cư trong thôn chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, quê ở xã Trùng Khánh, huyện Na Hang chuyển về. Bà Ma Thị Tiêu thôn 8 cùng các chị em đang ngồi chuốt nan làm tăm, và nghe hát then, đàn tính. Xen lẫn những câu chuyện về việc làm, thu nhập, về đồng ruộng là những điệu hát then được ngân lên theo nhịp đàn. Bà Tiêu xúc động chia sẻ, mỗi khi nhắc tới quê là nhớ da diết lắm, thế nhưng cuộc sống hiện tại của gia đình bà và đa số người dân nơi đây đã yên ổn hơn rất nhiều. Ai ai cũng phấn đấu một tương lai tốt đẹp hơn ở phía trước.
Hiện nay, tranh thủ lúc rảnh rỗi là bà con khu tái định cư lại vót tăm. Làm tăm mặc dù thu nhập không cao nhưng cũng giúp bà con cải thiện cuộc sống. Bà Ma Thị Cử cho biết, với giá bán 120-150 nghìn đồng/kg, mỗi ngày bà cũng kiếm thêm khoảng 100 nghìn đồng.
Theo con đường nhựa chạy sâu vào thôn 22, hương lúa chín ngạt ngào như xua đi cái nắng gay gắt còn sót lại những ngày cuối thu. Đây là một trong những thôn tái định cư xa nhất xã. Thỉnh thoảng có chiếc xe bán tải chở vật liệu xây dựng vào trong thôn. Một số hộ gia đình ở đây đang xây nhà mới. Ông Ma Văn Dư, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 22 vui vẻ chia sẻ: Năng suất lúa ở đây tăng cao gấp mấy lần so với cấy lúa trên quê ngày trước. Lớp trẻ hầu hết đi công ty làm. Một số hộ dân trong thôn đã làm nghề phụ như làm đậu làm bún. Trong thôn giờ chỉ còn 2 hộ nghèo, nhiều nhà xây cao tầng mới mọc lên khang trang hơn.
Mỳ gạo Thuật Yến, xâ Kim Phú đã có mặt tại cửa hàng OCOP trong tỉnh.
Sôi động nhất là khu cuối thôn, nơi có xưởng sản xuất của Hợp tác xã Thuật Yến. Được thành lập từ năm 2016, HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Thuật Yến, xã Kim Phú có ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất mì gạo, bún khô, phở khô…. Với công suất sản xuất 6 tạ mỳ/ngày, trung bình 15-18 tấn/tháng, doanh thu đạt 2,6 đến 2,7 tỷ đồng/năm, Hợp tác xã đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 9 lao động, với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay mỳ gạo Thuật Yến đã đi vào các cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh như: Hà Nội, Hòa Bình, Cao Bằng, Hà Giang…góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn xã.
So với ngày đầu lập nghiệp, nhịp sống nơi đây cũng thay đổi. Đó là nhờ cách nghĩ của bà con thay đổi, khi họ chọn vùng đất này làm quê hương thứ hai của mình.
Gửi phản hồi
In bài viết