Chèo thuyền chăn thả cá lồng trên hồ sinh thái.
Văn hóa Dao là nền tảng
Đồng bào Dao sở hữu khối tài sản văn hóa khổng lồ và đáng tự hào: Lễ cấp sắc, hát Páo dung của người Dao và nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Để báu vật này được lan tỏa trong cộng đồng, mỗi địa phương có cách làm riêng. Với đồng bào Dao đỏ ở Sơn Phú, họ chọn cách hết sức tự nhiên: Nói tiếng dân tộc trong sinh hoạt hàng ngày, duy trì nghề thêu trang phục truyền thống trong mỗi gia đình; thành lập đội văn nghệ; sưu tầm làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống;...
Chị Lý Thị Mai, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Nà Lạ chia sẻ, thôn có 100% là đồng bào Dao đỏ. Vì vậy, sau khi thành lập đội văn nghệ, các thành viên đều tích cực luyện tập, sưu tầm các bài hát Páo dung, các điệu múa truyền thống để tập luyện. Đặc biệt, các điệu múa nghi lễ xuất hiện trong lễ cấp sắc không chỉ vui nhộn mà còn mang tính giáo dục cao như: Páo hung (thắp hương); Điếu phó miên (báo tổ tiên); Pàm thing dung (kể nguồn gốc tổ tiên); Thín dìa (mời tổ tiên ăn cơm); Siều chây (hát múa cho tổ tiên xem và nghe); Ló tồ (múa ba ba)... Đây là những sản phẩm văn hóa tinh thần quý báu của người Dao cần được tôn trọng, giữ gìn và phát triển. Và đội văn nghệ thôn sẽ là nòng cốt để gìn giữ, quảng bá thông qua các buổi diễn văn nghệ hay vào dịp lễ hội của địa phương.
Khám phá vẻ đẹp thác Pác Hẩu
Du khách đến Sơn Phú không chỉ bị hấp dẫn bởi những nét văn hóa độc đáo của đồng bào Dao mà họ còn khám phá cảnh đẹp đầy quyến rũ của mảnh đất này. Nổi bật là thác Pác Hẩu nằm ngay ven đường Quốc lộ dẫn vào xã Sơn Phú. Dòng thác chảy từ trên đỉnh núi đổ xuống những triền đá tạo thành những tầng thác khác nhau. Mỗi tầng thác đều có vụng nước lớn nhỏ tạo thành bãi tắm thư giãn lý tưởng. Vào những ngày nắng nóng, thác là điểm đến thu hút khá đông du khách trong và ngoài tỉnh.
Vẻ đẹp của thác Pác Hẩu
Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch, người dân nơi đây đã tích cực giới thiệu, quảng bá thác Pác Hẩu trên mạng xã hội Zalo, facebook... Hình ảnh chị em phụ nữ Dao đỏ xúng xính trong trang phục truyền thống check -in bên dòng thác vào mùa nước đổ đã làm nức lòng bao du khách. Để rồi, không ít bạn trẻ đã tìm đến, hóa thân thành chàng trai, cô gái Dao đỏ để có những bộ ảnh kỷ niệm cùng vũ điệu của nhạc nước.
Trải nghiệm nghề nuôi cá lồng và hái chè Shan tuyết
Sau khi thư giãn ở thác Pác Hẩu, du khách có thể tham quan, trải nghiệm nghề nuôi cá lồng trên hồ sinh thái Na Hang. Khu nuôi cá lồng đẹp nhất vào buổi hoàng hôn. Những tia nắng cuối ngày rọi xuống mặt hồ lóng lánh làm nổi bật vẻ đẹp các ngư dân đang chăn thả cá. Hình ảnh ngư dân chèo thuyền từ bờ đến khu chăn thả cá rồi trở về với những chú cá lăng nặng tới vài ký với nụ cười tươi rói sẽ là trải nghiệm thú vị đối với bất cứ du khách nào. Bên khu nhà bè chòng chành sánh nước, thưởng thức ngay những món ngon nóng hổi từ cá lăng như hấp, nướng, xào lăn...; ngắm vẻ đẹp mơ màng, quyến rũ của vùng hồ sinh thái chắc chắc là chuyến trải nghiệm khó quên.
Đến Sơn Phú du khách có thể tham quan, trải nghiệm khu nuôi cá lồng trên hồ sinh thái Na Hang.
Thưởng chè shan tuyết ở chính mảnh đất này chắc chắc
sẽ là một cảm giác khó quên.
Sơn Phú những năm gần đây còn được biết đến với vùng chè Shan tuyết nổi tiếng lên tới gần trăm ha ở Phia Chang, Nà Cọn. Sản phẩm chè đã có chỗ đứng trên thị trường và là niềm tự hào của người dân vùng cao. Bởi thế, nếu muốn tham quan vùng chè thì bất cứ người dân nào cũng sẵn sàng làm hướng dẫn viên, thậm chí họ còn hứng khởi mặc trang phục truyền thống hoặc cho khách mượn trang phục để trải nghiệm hái chè cùng bà con.
Cơ hội do mình tạo ra. Và đồng bào Dao nơi đây với tình yêu quê hương tha thiết đã và đang chắt chiu từng cơ hội để mảnh đất này trở thành điểm đến thu hút khách gần xa.
Gửi phản hồi
In bài viết