Theo cách đặt tên đệm thì anh Phùng Văn Quang, dân tộc Dao, thôn Nà Lạ, xã Sơn Phú
thuộc thế hệ con, cháu trong dòng họ Phùng.
Tuyên Quang có 9 ngành Dao với nhiều dòng họ khác nhau như Bàn, Chúc, Lý, Triệu, Phùng, Đặng... Trong các dòng họ của người Dao, đều có cách đặt tên đệm khác nhau để phân biệt vai vế. Có dòng họ, tên đệm phân biệt đến đời thứ 5 là lặp lại, có dòng họ lên tới 7 đời. Cụ thể, dòng họ Phùng (6 đời) với các tên đêm lần lượt là: Dùng, Thanh, Xuân, Văn, Kim, Chang; họ Chúc (6 đời) là Ỳ, Tạ (Đức), Thông, Minh, Phùng và nhiều nhất là họ Bàn cao nhất là 7 đời gồm: Văn, Lộc, Thành, Kim, Tài, Nguyên, Hữu... Việc đặt tên đệm cứ tuân theo trật tự từ trên xuống dưới và được lặp lại như thế trong các thế hệ người Dao. Tuy nhiên, việc đặt tên đệm chỉ áp dụng với những người đàn ông, còn phụ nữ thì hầu hết đều đệm là Thị.
Ông Bàn Văn Khé (dân tộc Dao), Phó Chủ tịch UBND xã Năng Khả cho biết, cách đặt tên đệm như trên mang nhiều tầng ý nghĩa. Thứ nhất, thể hiện tôn ti trật tự trong dòng tộc. Khi nói tên đệm, ai ở đời nào thì tự biết mình thuộc bậc cha chú hay con cháu. Từ đó, có cách xưng hô phải phép, thể hiện văn hóa ứng xử tốt đẹp của người Dao. Cách đặt tên đệm này còn hết sức khoa học nhằm tránh được hôn nhân cận huyết thống. Ví như dòng họ Bàn có tới 7 đời nhưng theo quy định thì phải từ đời thứ 5 trở đi anh em trong dòng tộc mới được phép kết hôn được với nhau. Có như vậy mới đảm bảo cho đứa trẻ phát triển toàn diện mà vẫn duy trì nòi giống, dòng tộc của họ Bàn.
Với cách đặt tên đệm như trên, thì người Dao sinh sống khắp trong tỉnh cũng như cả nước, khi gặp nhau, chỉ cần hỏi họ, tên đệm là có thể biết mối quan hệ họ hàng cũng như vai vế trong dòng tộc. Đó thể hiện tư duy đầy khoa học của người Dao và là nét đẹp văn hóa vẫn được duy trì đến ngày nay.
Gửi phản hồi
In bài viết