Đảng viên đi trước ở Vân Sơn

- Diện mạo nông thôn, đời sống người dân xã Vân Sơn (Sơn Dương) đang đổi thay từng ngày. Những con đường rộng mở về xóm làng là cả một sự nỗ lực của cán bộ, đảng viên nêu gương để người dân noi theo thực hiện công việc chung...

Tiên phong hiến “tấc vàng”

Làm được con đường nhựa trải dài về thôn Mãn Sơn là sự tự nguyện hiến đất của các đảng viên và người dân. Xưa, con đường này mưa xuống thì lầy lội lắm, nhưng nay thì khác rồi. Bí thư Chi bộ thôn Mãn Sơn Nguyễn Xuân Thanh không giấu nổi niềm vui khi nói về chuyện làm đường làng, ngõ xóm. Ông bảo, tuyến đường mới, rộng đi qua thôn Đồn Hang, Mãn Sơn, Dộc Vầu dài gần 7 km được hoàn thành là nhờ “ý Đảng, lòng dân” hòa làm một. Lúc đầu làm đường cũng khó đấy vì vướng giải phóng mặt bằng. Chi bộ họp, các đảng viên phát biểu sôi nổi, rồi những hộ đảng viên có tuyến đường đi qua đã tự nguyện hiến đất cho chủ đầu tư, đơn vị thi công triển khai dự án. Tiêu biểu là đảng viên Chu Quang Dần, Nguyễn Huy Cận, Lê Văn Kiểm... đã đi đầu hiến đất làm đường tạo sức lan tỏa trong quần chúng nhân dân. Chẳng vậy mà thôn có 170 hộ thì có trên 120 hộ hiến đất, trong đó có hơn 80 hộ hiến từ 100 m2 đến trên 4.000 m2 với tổng diện tích đất hiến lên tới 24.500 m2 cùng nhiều tài sản có giá trị trên đất để làm đường.  

Con đường được hoàn thành không thể không nhắc đến đóng góp của đảng viên 48 năm tuổi đảng Chu Quang Dần, thôn Mãn Sơn. Nhà ông Dần bám mặt theo đường hơn 40 m. Sau khi biết có chủ trương mở rộng đường, ông xác định bản thân là đảng viên nên luôn gương mẫu đi đầu. Sau khi bàn với gia đình, ông tự nguyện hiến đất cho Nhà nước, ông cho rằng đường to thì làm gì cũng thuận. Ông đã hiến trên 4.000 m2  đất  ruộng và đất đồi, tường rào kiên cố để mở đường, rồi tích cực vận động anh em dòng họ, làng xóm chung sức, đồng lòng với phương châm “đường mở đến đâu, nhân dân tự nguyện hiến đất đến đó”.  

Đảng viên Chi bộ thôn Tân Sơn, Đảng bộ xã Vân Sơn (Sơn Dương) cùng nhân dân thường xuyên
vệ sinh đường làng ngõ xóm vào buổi chiều chủ nhật hàng tuần. 
   

Đường vào thôn Đồn Hang trước kia chỉ rộng chừng 2m. Để mở rộng mặt đường bảo đảm tiêu chuẩn rất cần người dân hiến đất. Ban đầu nhiều hộ băn khoăn, không muốn cho đi “tấc vàng” bởi đất đai ngày càng có giá. Thấy vậy đảng viên Nguyễn Văn Thìn, Chi bộ thôn Đồn Hang đã đi trước một bước. Ông vận động thành viên gia đình mình hiến 250 m2 đất dọc tuyến đường. Nhưng các con ông phản đối vì hiến đất rồi lấy gì mà canh tác... Ông giải thích thấu đáo rằng, việc hiến đất làm đường chính là cơ hội để thay đổi cuộc sống, để thuận tiện hơn trong sinh hoạt, làm ăn, đóng góp xây dựng quê hương ngày càng đổi mới và phát triển. Vậy là gia đình ông đã tự tháo dỡ tường rào, cổng sắt tạo điều kiện cho đơn vị thi công. Cây ăn quả được gia đình trồng từ nhiều năm trước cũng được chặt để lấy đất mở rộng đường.

Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên ở Vân Sơn là ý thức tự thân, bắt nguồn từ yêu cầu cuộc sống. Vậy nên, có sức lan tỏa mạnh mẽ, nhiều hộ dân tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất để làm những con đường to đẹp. Anh Nguyễn Văn Vi, thôn Đồn Hang sau khi được tuyên truyền đã đồng thuận hiến hơn 200 m2 đất chạy dọc tuyến đường, tháo dỡ toàn bộ tường rào, cổng nhà vừa được xây dựng kiên cố. Toàn bộ diện tích đất được hiến và tài sản trên đất có giá trị trên 50 triệu đồng. Hay gia đình bà Nguyễn Thị Hoa, thôn Mãn Sơn dù thuộc diện khó khăn nhưng đã quyết định hiến hơn 2.000 m2 đất rừng và hơn 100 m2 đất vườn để làm đường giao thông liên thôn. Bà Hoa chia sẻ, mảnh đất của gia đình do cha ông để lại, lúc đầu cũng băn khoăn nhưng vì tương lai bà tự nguyện hiến cho làng xã thôi. Cán bộ, đảng viên làm trước rồi, mình phải làm theo chứ.  

Đi đầu phát triển kinh tế 

Các đảng viên ở Vân Sơn còn tiên phong trong phát triển kinh tế gia đình, trở thành tấm gương làm kinh tế giỏi ở địa phương. Điển hình như mô hình nuôi trâu của đảng viên Nguyễn Bá Tư; kinh doanh tạp hóa của đảng viên Nguyễn Thị Hương Giang ở Chi bộ thôn Mãn Sơn. Hay mô hình cây ăn quả của đảng viên Bùi Ngọc Dương; kinh doanh phân bón và chăn nuôi của đảng viên Vũ Đức Vinh, Chi bộ thôn Tân Sơn; mô hình trồng rừng của đảng viên Âu Thị Minh, Chi bộ thôn Dộc Vầu...

Nhắc đến đảng viên Bùi Ngọc Dương, Chi bộ thôn Tân Sơn người dân trong xã ai cũng biết vì ông là đảng viên đi đầu trong chuyển đổi cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhớ lại xưa kia, ông Dương bảo, năm 1989 ông xuất ngũ trở về địa phương, ban đầu ông trồng lúa, lúc rảnh hễ ai thuê gì làm nấy, làm lụng vất vả nhưng chẳng được là bao. Rồi ông chuyển sang nuôi lợn, làm máy xay xát.

Mô hình trồng cây ăn quả của đảng viên Bùi Ngọc Dương (ngoài cùng bên phải)
được nhiều người dân trong thôn học tập kinh nghiệm.

Thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm nên chăn nuôi không hiệu quả, vốn lại chẳng có để đầu tư nên lợi nhuận không cao, có năm ông còn lỗ do giá lợn giảm. Ông lại tìm hiểu thị trường và quyết định chuyển đổi cách làm. Tận dụng lợi thế đất đồi rộng, năm 2015, sau khi nghiên cứu và được tham gia lớp học nghề trồng cây ăn quả, ông quyết định trồng nhãn, thanh long, ổi với gần 400 gốc các loại và đến năm 2019 ông trồng thêm hơn 3.000 gốc keo.

Vốn cần cù, chịu khó học hỏi, áp dụng kỹ thuật chăm sóc bài bản nên vườn cây ăn quả của ông phát triển tốt, đến nay đã cho quả. Để sản phẩm có đầu ra ổn định trên thị trường, ông chú trọng sản xuất sạch. Ông sử dụng phân bón, thuốc theo đúng chỉ dẫn chứ không vì lợi nhuận mà rút ngắn thời gian thu hoạch. Ông nhẩm tính, mỗi năm vườn cây ăn quả sau khi trừ chi phí mang lại cho gia đình thu nhập trên 150 triệu đồng. Không giữ bí quyết riêng, ông thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm tại cuộc họp thôn, xã. Điều ông thấy vui là nhiều người trong thôn đã học, làm theo mô hình của mình và có cuộc sống khá hơn.

Trong số những hộ học theo mô hình của ông Dương có gia đình anh Trần Đình Nam, thôn Tân Sơn. Anh Nam chia sẻ, thấy mô hình của ông Dương mang lại hiệu quả cao nên anh quyết định học tập kinh nghiệm, cách làm của ông để chuyển đổi sang trồng ổi, nhãn vào năm 2019. Anh được ông Dương hướng dẫn cách chọn giống cây tốt và quy trình chăm sóc, cách cắt tỉa giúp cây ra trái đúng thời điểm, ít sâu bệnh. Đây là quyết định đúng đắn vì cây trồng này cho thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa, ngô.

Chị Nguyễn Thị Hương Giang, đảng viên Chi bộ thôn Mãn Sơn đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Agribank Sơn Dương cùng với số tiền tích lũy đầu tư mở cửa hàng tạp hóa vào năm 2018. Nhờ chăm chỉ lại có sự đầu tư đúng hướng nên cửa hàng kinh doanh tốt, chị còn mua thêm máy photocopy và bán văn phòng phẩm cho thu nhập mỗi năm đạt gần 150 triệu đồng. 

Sự nêu gương của đảng viên đã thúc đẩy các phong trào thi đua trong nhân dân. Đồng chí Vũ Kim Tin, Bí thư Đảng ủy xã Vân Sơn cho biết, Đảng bộ xã có 170 đảng viên. Tinh thần tiên phong của các đảng viên và sự vào cuộc của người dân là điều kiện quan trọng để xã thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Đến nay, xã đã đạt 14/19 tiêu chí, phấn đấu đến năm 2025 được công nhận xã nông thôn mới.    

Bài, ảnh: Thúy Nga

Tin cùng chuyên mục