Chiến thắng Tây Bắc 1952 - Tầm vóc lịch sử và bài học kinh nghiệm

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Tây Bắc (1952-2022), sáng 14/10, tại thành phố Yên Bái, tỉnhYên Bái, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Chiến thắng Tây Bắc 1952 - Tầm vóc lịch sử và bài học kinh nghiệm”.

Đại tướng Lương Cường và Đại tướng Phạm Văn Trà cùng các đại biểu dự Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; các đồng chí lãnh đạo các cơ quan Trung ương, lão thành cách mạng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nhân chứng lịch sử, tướng lĩnh, sĩ quan, nhà khoa học…

Đoàn Chủ tịch Hội thảo gồm các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo; Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái, đồng Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo; Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam.

Tham gia Đoàn Chủ tịch còn có các đồng chí: Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; Phan Xuân Thủy, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Thiếu tướng Phạm Hồng Chương, Tư lệnh Quân khu 2 và Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự.

Đoàn Chủ tịch Hội thảo.

CHIẾN THẮNG TÂY BẮC ĐỂ LẠI NHIỀU BÀI HỌC MANG GIÁ TRỊ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN SÂU SẮC

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Huy Vịnh nêu rõ, cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã mở Chiến dịch Tây Bắc và giành thắng lợi. Chiến thắng Tây Bắc là một sự kiện quan trọng trong tiến trình cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự linh hoạt, sáng tạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh.

Thắng lợi của Chiến dịch Tây Bắc là tổng hợp của nhiều nhân tố, là kết quả của quá trình 7 năm chiến đấu gian khổ, hy sinh, là kết tinh sức mạnh tổng hợp của cả nước, trực tiếp là các đơn vị chủ lực của Bộ cùng quân và dân các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Lai Châu (nay là Lai Châu và Điện Biên) và các chiến trường phối hợp. Thắng lợi đã đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của QĐND Việt Nam, đưa nghệ thuật quân sự Việt Nam phát triển lên tầm cao mới; tạo tiền đề, điều kiện thuận lợi để quân và dân ta giành được thắng lợi quyết định trong Đông - Xuân 1953-1954, đánh bại ý chí xâm lược của kẻ thù, kết thúc thắng lợi vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), để lại nhiều bài học quý báu, mang giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Huy Vịnh phát biểu khai mạc Hội thảo.

Thượng tướng Lê Huy Vịnh nhấn mạnh, cuộc Hội thảo được tổ chức trên mảnh đất Yên Bái lịch sử, là nơi mở màn chiến dịch Tây Bắc, giành được thắng lợi to lớn trong đợt 1 của chiến dịch, đập tan toàn bộ phòng tuyến vòng ngoài của địch từ hữu ngạn sông Thao đến tả ngạn sông Đà, tạo đà cho quân và dân ta thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến dịch đề ra.  Hội thảo khoa học là hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm chiến thắng Tây Bắc, là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng của các thế hệ cha anh, tưởng nhớ đến các đồng bào, đồng chí đã chiến đấu, hy sinh trong cuộc kháng chiến trường kỳ bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc, trong đó có Chiến dịch Tây Bắc.

Trong Báo cáo Đề dẫn Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam Trịnh Văn Quyết đã khẳng định, Chiến dịch Tây Bắc được thực hiện trong một thế trận chung, có sự phối hợp chặt chẽ với các chiến trường cả nước, từ Bắc Bộ đến Trung Bộ và Nam Bộ, từ nông thôn đến thành thị và từ đồng bằng đến miền núi.

Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam Trịnh Văn Quyết phát biểu Đề dẫn Hội thảo.

Chiến thắng Tây Bắc là một trong những sự kiện lịch sử quan trọng, khẳng định tính đúng đắn trong lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, là cơ sở để Đảng ta tiếp tục đề ra những chủ trương chiến lược, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta ngày càng phát triển và đi đến thành công.

Theo Trung tướng Trịnh Văn Quyết, kết quả của Hội thảo sẽ góp phần nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc về tầm vóc, nguyên nhân, ý nghĩa thắng lợi và bài học kinh nghiệm của Chiến dịch Tây Bắc; đồng thời, cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng để chúng ta vận dụng trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh”, phấn đấu từ năm 2030, xây dựng quân đội hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đồng thời, Hội thảo là dịp để chúng ta tôn vinh, tưởng nhớ và tri ân đồng bào, chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh cho thắng lợi của Chiến dịch Tây Bắc và sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; củng cố vững chắc cơ sở khoa học để đấu tranh, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá và phản bác kịp thời, hiệu quả những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận lịch sử của các thế lực thù địch, phản động. Qua đó, khơi dậy niềm tự hào của dân tộc anh hùng, quân đội anh hùng; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục truyền thống lịch sử cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

TỰ HÀO LÀ NƠI MỞ MÀN CHIẾN DỊCH TÂY BẮC

Phát biểu chào mừng Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, là địa bàn diễn ra đợt 1 của Chiến dịch, quân và dân Yên Bái tự hào đã đóng góp sức người, sức của làm nên chiến thắng, cùng bộ đội chủ lực giải phóng quê hương, tạo tiền đề cho Chiến dịch Tây Bắc giành thắng lợi. 70 đã năm trôi qua, nhưng âm vang thắng lợi vẫn in đậm trong tâm trí của quân và dân các dân tộc tỉnh Yên Bái, là niềm tự hào và là nguồn động lực to lớn, thôi thúc các thế hệ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, khí thế tiến công, tinh thần chiến thắng của Chiến dịch Tây Bắc, ra sức thi đua cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển quê hương, đất nước.

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy phát biểu chào mừng Hội thảo.

Theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, 70 năm sau Chiến thắng Tây Bắc, từ một tỉnh nghèo, nền kinh tế tự cung tự cấp, đời sống nhân dân hết sức khó khăn, đến nay Yên Bái đã xây dựng nền kinh tế vững chắc với tốc độ tăng trưởng GRDP hằng năm luôn ở mức khá so với các tỉnh trong vùng và so với mặt bằng chung cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Từ một nền nông nghiệp lạc hậu, các huyện vùng cao luôn ở tình trạng thiếu lương thực trầm trọng, nay trở thành một tỉnh có nền nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa, chuyên canh, tập trung quy mô lớn với hàng chục sản phẩm chủ lực, đặc sản; hàng trăm sản phẩm OCOP chất lượng cao; xây dựng nông thôn mới là điểm sáng của các tỉnh khu vực Tây Bắc. Hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế được quan tâm đầu tư đồng bộ; trên địa bàn tỉnh có 8 cây cầu bắc qua sông Hồng, cùng với hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông liên kết vùng, liên vùng, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

CÔNG TÁC ĐẢNG, CÔNG TÁC CHÍNH TRỊ ĐÃ ĐÓNG GÓP LỚN VÀO THÀNH CÔNG CỦA CHIẾN DỊCH

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 90 bài tham luận của lãnh đạo Đảng, Bộ Quốc phòng, các địa phương, các quân khu, quân đoàn, quân, binh chủng, các học viện, nhà trường, viện nghiên cứu, các nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội,... Mỗi tham luận là một công trình nghiên cứu độc lập, công phu đi sâu nghiên cứu theo từng vấn đề cụ thể, nhưng tựu trung lại đã làm sáng tỏ hơn, đầy đủ hơn trên những nội dung chủ yếu sau:

Một là, phân tích, đánh giá làm rõ bối cảnh, tình hình quốc tế, khu vực trong những năm đầu thập niên 1950; âm mưu, thủ đoạn mở rộng chiếm đóng và lập “Xứ Thái tự trị” ở vùng Tây Bắc của thực dân Pháp, để làm rõ thuận lợi, khó khăn khi tiến hành chiến dịch.

Nhận rõ vị trí, vai trò địa bàn Tây Bắc, từ rất sớm Trung ương Đảng, Bộ Tổng Tư lệnh đã cử các đội quân công tác lên gây dựng cơ sở, giúp đỡ đồng bào, tạo lập thế trận chiến tranh nhân dân trên núi rừng Tây Bắc. Đây chính là hình thức vũ trang tuyên truyền hết sức có hiệu quả, góp phần xây dựng phong trào kháng chiến trên địa bàn, là cơ sở quan trọng để Đảng chỉ đạo mở các hoạt động quân sự với quy mô ngày càng lớn với mục đích giải phóng Tây Bắc khỏi ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân, để đồng bào Tây Bắc đóng góp sức mình cho sự nghiệp “kháng chiến kiến quốc”.

Các đại biểu dự Hội thảo.

Hai là, làm rõ chủ trương, đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo, khẳng định tầm nhìn chiến lược và tài thao lược của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh khi quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc; trong đó có vai trò to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tư lệnh, Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch. Đây là những nhân tố quyết định để chiến dịch Tây Bắc giành thắng lợi.

Chọn Tây Bắc để mở chiến dịch tiến công đã thể hiện tư duy sáng suốt, chỉ đạo điều hành chiến tranh linh hoạt của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh. Ta đưa chủ lực tiến công vào địa bàn chiến lược hiểm yếu, nhưng lực lượng địch tương đối mỏng, bố phòng có phần sơ hở; lại là nơi địch không phát huy được thế mạnh về vũ khí, trang bị, khó được chi viện kịp thời; trong khi tác chiến địa bàn rừng núi lại là thế mạnh của quân đội ta.

Ba là, làm rõ quá trình chuẩn bị, tổ chức và thực hành tác chiến của các lực lượng vũ trang; vai trò của đảng bộ các địa phương và các lực lượng dân quân du kích, thanh niên xung phong, dân công; sự phối hợp của các chiến trường, các lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương trong chiến dịch Tây Bắc. Qua đó làm sáng tỏ bước phát triển của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta đã phát huy thế trận chiến tranh nhân dân trên cả nước, đặt cuộc tiến công lên miền Tây Bắc vào thế trận chung. Góp phần đảm bảo cho chiến dịch là sự tham gia của hàng vạn dân công, bền gan, quyết chí vượt qua trùng trùng đèo dốc, qua khí hậu khắc nghiệt của núi rừng, tải lương, tải đạn, đưa thương binh về tuyến sau; là sự đóng góp của đồng bào Tây Bắc từ quyên góp lương thực, thực phẩm, phương tiện để bộ đội vượt sông, dẫn đường cho bộ đội truy kích địch, vận động binh lính địch đào rã ngũ,…. Tất cả đã tạo nên sức mạnh chiến tranh nhân dân để làm nên chiến thắng Tây Bắc.

 Đại tá Nguyễn Hữu Tài, 92 tuổi, cựu chiến binh Sư đoàn 312 - nhân chứng tham gia chiến dịch Tây Bắc 1952 phát biểu tại Hội thảo.

Bốn là, nêu bật nét đặc sắc của nghệ thuật chiến dịch. Đó là nghệ thuật chọn hướng tiến công; nghệ thuật sử dụng lực lượng; nghệ thuật tổ chức và thực hành chiến dịch; nghệ thuật chọn mục tiêu chủ yếu, đánh trận then chốt; cách đánh sáng tạo được hình thành và phát triển trong suốt quá trình chiến dịch.

Nét đặc sắc về chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật chiến dịch, về công tác đảng, công tác chính trị đã góp phần quan trọng làm nên thắng lợi chiến dịch Tây Bắc, đánh dấu bước phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Năm là, phân tích, luận giải làm sâu sắc hơn tầm vóc to lớn, ý nghĩa quan trọng; nguyên nhân cơ bản dẫn đến thắng lợi của chiến thắng Tây Bắc; đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Các đại biểu trò chuyện bên lề Hội thảo.

Thắng lợi chiến dịch Tây Bắc đã để lại những bài học sâu sắc về đánh giá tương quan lực lượng, chọn hướng tiến công, sử dụng lực lượng, phương pháp tác chiến, huy động nhân lực, vật lực cho cuộc kháng chiến,…. Cũng để lại những kinh nghiệm chưa thành công trong công tác nắm địch, huy động dân công, bảo đảm hậu cần, đánh tập đoàn cứ điểm,.. Những bài học rút ra từ thành công của chiến dịch, cũng như kinh nghiệm đúc kết từ những vấn đề chưa thành công được vận dụng thiết thực vào sự nghiêp kháng chiến để quân và dân ta giành được thắng lợi quyết định trong Đông - Xuân 1953-1954, đánh bại ý chí xâm lược của kẻ thù, kết thúc thắng lợi vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954)./.

Một tiết mục trong chương trình văn nghệ chào mừng Hội thảo.

* Trước thềm Hội thảo, chiều 13/10, đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng, tỉnh Yên Bái và các đại biểu dự Hội thảo đã đến thăm hỏi, tặng quà một số gia đình chính sách tiêu biểu trên địa bàn thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái) và dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, viếng Nghĩa trang Liệt sĩ tại thành phố Yên Bái.

Theo tuyengiao.vn

Tin cùng dòng sự kiện