Phát huy dân chủ, trí tuệ, tâm huyết, cho ý kiến về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi)

- Sáng 11-3, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các đồng chí: Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự và chỉ đạo hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố...

 

 

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Việt Hòa

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, Luật Đất đai năm 2013 là một trong những đạo luật quan trọng, thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội. Tuy nhiên, sau gần 10 năm tổ chức thi hành, Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ nhiều tồn tại, vướng mắc không phù hợp với thực tế. Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng nhằm mục đích hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập quốc tế, giải quyết  các khó khăn, vướng mắc còn tồn tại.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Việt Hòa

Để đảm bảo nội dung trọng tâm lấy ý kiến, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đại biểu phát huy dân chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết cho ý kiến 10 vấn đề trọng tâm của dự thảo luật, nhằm hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, hiệu quả; tạo sự đồng thuận của nhân dân, phản ánh ý chí, nguyện vọng, vì lợi ích của nhân dân và tạo không gian, nguồn lực cho sự phát triển của địa phương.

Tại hội nghị, đã có 12 ý kiến góp ý tập trung vào một số nội dung như: Trình tự, thủ tục hành chính trong thu hồi đất hay họp dân khi chưa có phương án thu hồi đất; thỏa thuận trong việc thực hiện các dự án đầu tư; quy định nguyên tắc xác định giá đất.

Các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì hội nghị.  Ảnh: Đức Thái

Là một tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, các đại biểu cũng đóng góp 6 ý kiến tại hội nghị, đề nghị quy định các nội dung liên quan, như bổ sung  thêm đất rừng cộng đồng vào danh mục chính sách đất đai mà Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo cho đồng bào dân tộc thiểu số cùng với đất ở và đất sinh hoạt cộng đồng; điều chỉnh hạn mức giao đất nông nghiệp cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Đồng thời góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nên làm rõ nhiều khái niệm, quy định, như quy định về chỉ tiêu sử dụng đất, phương pháp khoanh định, khoanh vùng, bố trí không gian sử dụng đất trong Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện; quy định cụ thể đối với từng loại dự án thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng...

Đại biểu phát biểu thảo luận tại hội nghị. Ảnh: Đức Thái

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu. Việc lấy ý kiến của Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là một nội dung hết sức quan trọng góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập quốc tế; giải quyết các chồng chéo, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn; tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế... hài hòa quyền, lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; phát huy nguồn lực đất đai, thiết lập hệ thống quản lý đất đai hiện đại, minh bạch, hiệu quả gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính; phát huy dân chủ, hạn chế tình trạng khiếu kiện về đất đai.

Đối với các ý kiến chưa được đóng góp tại hội nghị, đồng chí đề nghị các sở, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân tiếp tục đóng góp vào dự thảo bằng văn bản, gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, hoàn thành trước ngày 16-3.


Đồng chí Hoàng Anh Cương
Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Công thương

Nới rộng hạn mức nhận quyền sử dụng đất

 Sau khi nghiên cứu kỹ Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, tại khoản 1, 2, 3, Điều 170 quy định hạn mức giao đất nông nghiệp từ 3-30 héc ta đối với từng khu vực, loại đất cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thu gom, tập trung ruộng đất, đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, áp dụng được công nghệ hiện đại và tránh đầu tư nhỏ lẻ, manh mún cần nới rộng hạn mức nhận quyền sử dụng đất lên gấp 3 lần so với dự thảo xây dựng. Nhà nước cũng nên giao quyền cho UBND cấp tỉnh để đưa ra quy định cụ thể về hạn mức nhận quyền sử dụng đất. Có như vậy mới phù hợp với điều kiện thực tế của chính địa phương đó, vùng miền đó.


Đồng chí Đỗ Đức Chiến
Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên

Quy định rõ thành phần hồ sơ công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Tại khoản 1, Điều 73, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định công bố, công khai quy hoạch kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện sau khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt. Tôi cho rằng việc công khai, minh bạch thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là điều người dân luôn chờ đợi và phù hợp với Luật tiếp cận thông tin. Tuy nhiên để rõ hơn, cơ quan soạn thảo luật cần quy định cụ thể thành phần hồ sơ công khai gồm những tài liệu gì (Quyết định phê duyệt, báo cáo thuyết minh, bản đồ dạng nào...) tránh trường hợp công bố chỉ có quyết định mà không có bản đồ hoặc có bản đồ nhưng không có báo cáo thuyết minh hoặc bản đồ dạng ảnh dung lượng thấp dẫn đến việc tổ chức, cá nhân có nhu cầu không thể xem được nội dung chi tiết.


 Hoàng Thị Thắm
Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh

Bổ sung thêm khái niệm đất rừng cộng đồng

Tại khoản 1, Điều 17, Dự thảo Luật Đất đai 2023 sửa đổi, quy định 2 danh mục chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đó là đất ở, đất sinh hoạt cộng đồng. Đối với đất ở trong dự thảo đã rõ ràng, tuy nhiên danh mục đất sinh hoạt cộng đồng chỉ mới đề cập đến các loại đất để xây dựng nhà văn hóa, sân chơi, bãi tập, không gian sinh hoạt cộng đồng... còn nhóm đất rừng gần cộng đồng chưa được nhắc đến đó là các khu vực đất rừng ven làng, ven sông, suối... 

Để quản lý hiệu quả tài nguyên đất đồng thời đáp ứng nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số,  theo tôi cơ quan soạn thảo luật cần bổ sung khái niệm và đưa cụm “đất rừng cộng đồng” vào danh mục đất sinh hoạt cộng đồng. Bởi trên thực tế,  diện tích đất này liên quan chặt chẽ đến đời sống sinh hoạt sản xuất của đồng bào như: khu vực đầu nguồn nước, bãi chăn thả gia súc...


Ông Nguyễn Hữu Thập
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh

Định nghĩa rõ giá đất phổ biến thị trường

Tôi hoàn toàn tán thành với những sửa đổi, bổ sung các quy định, điều khoản trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này. Tuy nhiên, tôi đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường (cơ quan soạn thảo luật) cần định nghĩa rõ thế nào là giá phổ biến thị trường, bởi giá đất thị trường biến động tăng, giảm liên tục theo xu hướng đầu cơ bất động sản và cơ chế chính sách tín dụng của Nhà nước điều hành tiền tệ. Nếu lấy giá đất ở đô thị hoặc nông thôn làm giá đất thị trường để áp dụng đối với đất các dự án đầu tư là không phù hợp.

Trên thực tế điều này đã xảy ra tại một số địa phương, đặc biệt là ở khu vực nông thôn khi triển khai các dự án, doanh nghiệp, nhà đầu tư với người dân thỏa thuận mức giá đền bù, người dân lấy giá đất ở đô thị, nông thôn có thời hạn sử dụng lâu dài để làm giá đất thỏa thuận bồi thường cho các dự án đầu tư có thời hạn dẫn đến giá đất rất cao, gây khó cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. 

 

         

 

Trần Liên

Tin cùng dòng sự kiện