Giữ gìn điệu hát Soọng cô ở Ninh Lai

- Năm 2015, hát Soọng cô của đồng báo dân tộc Sán Dìu tỉnh Tuyên Quang được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia. Để tiếp tục giữ gìn và phát huy hát Soọng cô của dân tộc, xã Ninh Lai (Sơn Dương) đã thành lập CLB hát Soọng cô của xã, trong đó có 4 CLB ở các thôn, cụm thôn thu hút đông đảo hội viên tham gia.

 Một tiết mục múa của các thành viên nhí tại Lễ khai giảng lớp truyền dạy tiếng nói, hát Soọng cô, xã Ninh Lai.

Dân tộc Sán Dìu ở Ninh Lai chiếm trên 80% dân số toàn xã. Đồng bào nơi đây vẫn giữ được những nét văn hoá của dân tộc như tiếng nói, trang phục, hát Soọng cô… Tuy nhiên, để mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu được và gìn giữ những giá trị văn hoá của dân tộc, các nghệ nhân, những người tâm huyết nơi đây đã có những cách làm sáng tạo. Nghệ nhân Ưu tú Lục Văn Bảy, xã Ninh Lai cho biết, gần 20 năm qua ông đã sưu tầm, ghi chép và phổ biến những bài hát Soọng cô trong cộng đồng. Để mọi người có thể hiểu và hát được các bài hát Soọng cô, ông đã tỉ mỉ ghi chép lại những bài hát, văn hoá của dân tộc từ chữ Hán cổ rồi dịch sang tiếng Sán Dìu, tiếng Kinh. Đồng thời, ông đã xin ý kiến UBND xã thành lập Câu lạc bộ (CLB) hát Soọng cô của xã, tạo môi trường để tiếp tục phổ biến, lan toả hát Soọng cô cũng như văn hoá dân tộc đến mọi người.

Từ CLB hát Soọng cô của xã với vài chục thành viên, đến nay đã thành lập được 4 CLB tại các thôn, cụm thôn, gồm: CLB hát Soọng cô thôn Hội Tân, Hoàng Tân, Ninh Lai, Hội Kế, với hơn 200 thành viên. Ban chủ nhiệm các CLB đều là những người tâm huyết, sẵn sàng trao truyền những giá trị văn hoá của dân tộc để mọi người cùng hiểu và trân trọng. Vì vậy, không chỉ dạy hát, các thành viên còn được tìm hiểu về phong tục, cách mặc trang phục truyền thống… Bà Lục Thị Long, Phó Chủ nhiệm CLB hát Soọng cô thôn Hội Kế chia sẻ, CLB hiện có 27 hội viên tham gia, người cao tuổi nhất 75 tuổi. CLB tổ chức sinh hoạt theo tháng, ban đầu, nhiều thành viên chưa biết hát, múa, đến nay đã thuộc nhiều bài hát Soọng cô, tự tin biểu diễn trên sân khấu.

Nghệ nhân Ưu tú Lục Văn Bảy, xã Ninh Lai (Sơn Dương) trao truyền hát Soọng cô cho thế hệ trẻ.

Không chỉ duy trì, mở rộng CLB, các nghệ nhân, người cao tuổi có uy tín trong xã còn đứng ra mở các lớp truyền dạy tiếng nói và hát Soọng cô cho thế hệ trẻ vào dịp hè. Tham gia học là các cháu thanh thiếu nhi đủ mọi lứa tuổi, các ông, các bà đã đến từng nhà vận động, tuyên truyền để bố mẹ cho các cháu đi học để hiểu hơn về văn hoá dân tộc. Lớp học cũng được tổ chức trong thời gian phù hợp, để các cháu vẫn có thể giúp được bố mẹ công việc nhà… Đến học, các cháu còn được trang bị đầy đủ sách, bút để ghi chép; có kiểm tra, tổ chức biểu diễn để nhận xét, đánh giá, tuyên dương những cháu học tốt; nhắc nhở những cháu chưa tích cực, còn mải chơi.

Em Nguyễn Thị Yến Nhi, 12 tuổi, thôn Cây Đa 2 cho biết, em đang tham gia lớp học do CLB hát Soọng cô thôn Hoàng Tân tổ chức. Đến nay, em đã học được 3 buổi, được các ông, các bà dạy tiếng nói dân tộc, rồi hướng dẫn học hát, múa, em rất thích. Em còn được giao lưu, gặp gỡ với các bạn trong lớp, một số bạn đã học từ những năm trước đã hướng dẫn thêm cho chúng em, nên học nhanh hơn.

Một buổi tập múa của các thành viên CLB hát Soọng cô thôn Hội Kế, xã Ninh Lai (Sơn Dương).

Em Ân Thị Trà My, 11 tuổi đang học tại CLB hát Soọng cô thôn Hội Kế nói, em đã tham gia học từ năm ngoái, nên giờ có thể hát, múa thành thạo một số bài. Tiếng dân tộc Sán Dìu em cũng nói được nhiều hơn các bạn mới học. Năm nay, em tiếp tục tham gia để có thể học được nhiều hơn nữa, đồng thời giúp đỡ những bạn mới học nếu các bạn có gì chưa hiểu.

Bằng những cách làm sáng, các nghệ nhân, những cá nhân tâm huyết ở xã Ninh Lai đã và đang tích cực góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Sán Dìu nói chung và hát Soọng cô nói riêng trên địa bàn.    

Huyền Linh

Tin cùng chuyên mục