Có cần đếm ca?

- Sau Tết, dịch Covid trở nên hết sức phức tạp với số ca nhiễm tăng nhanh theo từng ngày. Ban đầu là các gia đình có con học mầm non, sau đến phụ huynh tiểu học và các cấp học đều lo lắng đếm số ca nhiễm nơi con mình học. Giáo viên, hiệu trưởng nhà trường cũng trở thành F0. Trong các khu phố, những sợi dây chăng trước cửa nhà có F0 ngày càng nhiều.

Bạn tôi là giáo viên tiểu học lo lắng: Nhà có cậu con nhỏ học lớp 1, từ đầu năm học đến giờ phải cách ly lần thứ  4, do lớp có bạn là F0. Để con tự cách ly ở nhà 1 mình, mẹ đến trường dạy học cũng nơm nớp lo: hôm nào lớp mình dạy sẽ có F0? Hôm nào mình sẽ là F0? Chồng và con trai lớn đi làm và học ở xa, cậu con trai nhỏ ở nhà đang xoay xở thế nào?

Theo quy định tạm thời về thích ứng an toàn của Chính phủ và hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, tiêu chí để đánh giá cấp độ dịch bệnh với mọi tỉnh, thành gồm: số ca nhiễm trên mỗi 100.000 dân mỗi tuần; tỷ lệ tiêm vaccine; khả năng thu dung điều trị của cơ sở y tế. Dựa trên các tiêu chí này, địa phương phân loại thành bốn cấp độ dịch, tương ứng với bốn màu: vùng xanh - cấp một, vùng vàng - cấp hai, vùng cam - cấp ba, vùng đỏ - cấp bốn.

Ở vùng xanh, mọi hoạt động diễn ra bình thường. Vùng vàng hạn chế sự kiện trong nhà, ngoài trời; cơ sở kinh doanh dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như vũ trường, karaoke, massage, bar, Internet, trò chơi điện tử, làm tóc, làm đẹp...Ở vùng đỏ, các cơ sở kinh doanh dịch vụ như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, nhà hàng, khách sạn, chợ truyền thống... bị dừng hoạt động.

Chủ trương này để hạn chế việc"dễ mình khó người", lạm dụng việc phong tỏa, giãn cách xã hội tràn lan, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Chiều 19/2 vừa qua, UBND tỉnh đã có quyết định phân loại cấp độ dịch mới nhất. Theo đó, toàn tỉnh đã có 17 xã, phường trở thành vùng đỏ. Trên nhóm zalo của khu phố tôi ở, tổ trưởng đã đăng Quyết định 1833 của UBND tỉnh ngày 28/11/2021 về việc áp dụng tạm thời các biện pháp hành chính về phòng chống dịch covid 19 trên địa bàn tỉnh theo phân loại cấp độ dịch. Theo đó, phải ngừng hoạt động các quán ăn, nhà hàng, chợ truyền thống, các dịch vụ karaoke, vũ trường, khách sạn, hoạt động giáo dục đào tạo trực tiếp, và nhiều điều khoản khác... để hướng dẫn bà con thực hiện. Bà con sau phút ngỡ ngàng đã hiểu đấy là quy định để chống dịch. Nhưng vẫn thấy quán xá, chợ búa mở bình thường.

UBND tỉnh đã họp trực tuyến toàn tỉnh, chỉ đạo huy động toàn lực để chống dịch, khắc phục ngay những biểu hiện chủ quan, lơ là, không thực hiện các khuyến cáo phòng dịch, lỏng lẻo trong quản lý F0, F1...Các biện pháp kỹ thuật đầy nhân văn cũng đã được thực hiện để tách F0 khỏi trường học. Trên mạng xã hội, tâm trạng phổ biến là lo lắng khi thấy số ca nhiễm tăng hàng ngày. Một số người lạc quan hơn thì gọi các con số 666 hay 888 ca trong ngày là lộc, phát một cách tếu táo. 

Bình tĩnh suy xét thì thấy, cả nước đã bao phủ được vacxin mũi hai cho 94% dân số. Tỉnh ta cũng đã tiêm đủ 2 mũi cho 99,4% dân số. Số người được tiêm mũi bổ sung, nhắc lại chiếm 47,7 %.  Lãnh đạo ngành Y tế đã cam kết với lãnh đạo tỉnh đến tháng 5 sẽ hoàn thành việc tiêm mũi bổ sung. Trong tổng số hơn chín nghìn bệnh nhân F0 đã mắc trên địa bàn tỉnh, có 4.216 người đã khỏi, hơn ba nghìn người đang điều trị tại các cơ sở Y tế và gần hai nghìn người điều trị tại nhà. Số người tử vong từ trước đến nay là 7 người. Trong số 11 ca bệnh nặng đang điều trị tại bệnh viện, thì có đến 10 ca là chưa tiêm chủng. Điều đó cho thấy chỉ khi chưa tiêm thì mới nguy hiểm. Vac xin đã và đang tạo thành lá chắn an toàn cho toàn dân.

Theo các chuyên gia y tế đề xuất, giờ đây chỉ nên lấy tiêu chí giường hồi sức cấp cứu (ICU) còn trống của địa phương để đánh giá mức độ nguy hiểm của dịch. Bởi thực tế đã tiêm vac xin hiện nay thì nỗi lo lắng nhất không phải là số ca bị nhiễm Covid-19 mà là những ca chuyển nặng không có giường ICU. Và theo lãnh đạo ngành y tế tỉnh, vấn đề này tại Tuyên Quang vẫn hoàn toàn đáp ứng được, không đáng ngại.

Từ tháng 8 năm ngoái, khi thành phố Hồ Chí Minh còn là tâm dịch của cả nước, thì thành phố đã xác định việc đếm ca dương tính không còn ý nghĩa lớn. Chỉ cần đếm số ca tiếp nhận điều trị, số ca khỏi, số ca chuyển nặng và số ca tử vong để có biện pháp điều trị và có các giải pháp chống dịch mạnh hơn. Tại Hà Nội hiện nay, các chuyên gia cũng cho rằng không nên quan tâm nhiều đến việc đếm ca F0. Việc cần làm không phải là đếm ca và truy vết, mà nên tập trung cứu chữa ca nặng, ca nguy kịch và ca nguy cơ. 

Mặt khác, khi độ bao phủ vaccine đã cao như hiện nay, nên chăng cũng cần xem xét lại việc hạn chế dịch vụ. Một người ở phường vùng đỏ Tân Quang, Hưng Thành vẫn hoàn toàn có thể đến nhà hàng Thành Tín ở Minh Xuân hay Spa ở Tân Hà vì ở đó là vùng xanh đang mở cửa. Dù vẫn có quy định hạn chế đi lại giữa các vùng, nhưng trong khi lực lượng phải dồn sức cho truy vết, quản lý hỗ trợ các F0, F1...thì kiểm soát tình trạng "cóc nhảy" như trên rất khó, không xuể. Cho nên, khi ta đang thực hiện thích ứng linh hoạt, an toàn, thì việc đóng, mở theo địa bàn liệu có còn hiệu quả chống dịch và phục hồi kinh tế?

Trong khi các cơ quan chức năng tập trung cho việc ra các quyết định quản lý phù hợp, nâng cao năng lực y tế; thì việc cần làm của mỗi người dân là thực hiện nghiêm các khuyến cáo phòng dịch. Việc đếm số ca nhiễm chỉ nhằm có biện pháp điều trị, để dân an toàn hơn. Không nên hoang mang khi thấy ca nhiễm tăng, nhưng cũng không nên suy nghĩ "ai rồi cũng thành F0".

Hà Linh

Tin cùng chuyên mục