Phóng viên: Xin đồng chí cho biết Luật Đất đai 2024 vừa được Quốc hội khóa XV thông qua có sửa đổi, bổ sung gì so với Luật Đất đai 2013?
Đồng chí Phạm Mạnh Duyệt: Luật Đất đai 2024 vừa được Quốc hội khóa XV, kỳ họp bất thường thứ năm thông qua. Luật gồm có 16 chương, 260 điều. So với Luật Đất đai 2013, Luật đất đai 2024, đã sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai 2013, bổ sung mới 78 điều.
Luật Đất đai 2024 đã đảm bảo tính kế thừa, ổn định, phát triển của hệ thống pháp luật đất đai; sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp với thực tiễn. Đồng thời đảm bảo đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về đất đai với các pháp luật có liên quan; hoàn thiện các chế định để quản lý đất đai theo chức năng là tài nguyên, tài sản, nguồn lực cả về diện tích, chất lượng, không gian sử dụng...
Đồng chí Phạm Mạnh Duyệt.
Phóng viên: Vậy những điểm mới nổi bật trong Luật Đất đai lần này là gì thưa đồng chí?
Đồng chí Phạm Mạnh Duyệt: Với 180 điều sửa đổi, bổ sung của Luật Đất đai 2013 và 78 điều bổ sung mới, Luật Đất đai 2024 có những điểm mới nổi bật:
Thứ nhất: Bảng giá đất được cập nhật hằng năm.
Theo quy định của Luật Đất đai 2013, bảng giá đất được quy định xây dựng 5 năm một lần và phải điều chỉnh, bổ sung đối với trường hợp có biến động về giá đất thị trường. Tuy nhiên, trên thực tế, rất ít trường hợp thực hiện điều chỉnh bảng giá đất trong quá trình áp dụng, dẫn đến bảng giá đất không phản ánh đúng giá đất thực tế trên thị trường.
Luật Đất đai 2024 quy định ban hành bảng giá đất hằng năm để bảo đảm bám sát diễn biến thực tế thị trường và mở rộng phạm vi áp dụng bảng giá đất. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng, trình HĐND cấp tỉnh quyết định bảng giá đất lần đầu để công bố và áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2026. Hằng năm, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trình HĐND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất để công bố và áp dụng từ ngày 01 tháng 01 của năm tiếp theo...
Thứ 2: Thỏa thuận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở.
Một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến khác nhau trong Luật Đất đai 2024 đó là về các loại đất thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Tại điểm b khoản 1 và khoản 6 Điều 127 Luật Đất đai 2024 quy định: Được thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với đất ở; được sử dụng quyền sử dụng đất đang có để thực hiện dự án nhà ở thương mại đối với đất ở hoặc đất ở và đất khác.
Trường hợp cần thiết, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xây dựng Đề án thí điểm trình cấp có thẩm quyền để trình Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết cho phép thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác quy định của Luật.
Thứ 3: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho đất không giấy tờ mà không vi phạm pháp luật về đất đai.
Luật Đất đai 2024 có tác động sâu rộng tới đời sống người dân đó là đã tạo cơ hội cho đất không giấy tờ về quyền sử dụng được cấp sổ đỏ. Tại Khoản 3 Điều 138 Luật Đất đai 2024 quy định, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất từ 15/10/1993 đến trước 01/7/2014 không có giấy tờ về quyền sử dụng đất mà không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền (được chính quyền địa phương xác nhận) sẽ được cấp GCNQSDĐ.
Cụ thể, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trước 18/12/1980, được UBND xã xác nhận không có tranh chấp thì được cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất như sau:
Đối với thửa đất có nhà ở, nhà ở và công trình phục vụ đời sống nếu diện tích thửa đất bằng hoặc lớn hơn hạn mức công nhận đất ở theo quy định tại khoản 5 Điều 141 của Luật này thì diện tích đất ở được công nhận bằng hạn mức công nhận đất ở và không phải nộp tiền sử dụng đất.
Đối với thửa đất có nhà ở, nhà ở và công trình phục vụ đời sống nếu diện tích thửa đất nhỏ hơn hạn mức công nhận đất ở quy định tại khoản 5 Điều 141 của Luật này thì diện tích đất ở được xác định là toàn bộ diện tích thửa đất đó và không phải nộp tiền sử dụng đất.
Đối với thửa đất sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, thương mại, dịch vụ thì công nhận đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp, đất thương mại, dịch vụ theo diện tích thực tế đã sử dụng; hình thức sử dụng đất được công nhận như hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất là ổn định lâu dài.
Thứ 4: Quy định cụ thể trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội.
Về thu hồi, bồi thường hỗ trợ tái định cư, Luật Đất đai 2024 đã quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, các dự án mà Nhà nước thu hồi trong trường hợp này phải là các dự án: xây dựng công trình công cộng; xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp; các trường hợp khác, bao gồm nhiều nhóm tiêu chí như: nhà ở, khu sản xuất, phát triển quỹ đất, khoáng sản, công trình ngầm và các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để đấu giá, đấu thầu nhằm tăng thu ngân sách.
Luật cũng quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng với nhiều điểm mới, bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật; vì lợi ích chung của cộng đồng và vì sự phát triển bền vững, văn minh và hiện đại của cộng đồng, của địa phương...
Các đại biểu dự Hội nghị tham gia lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024.
Thứ 5: Về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Luật Đất đai 2024 đã quy định cụ thể các trường hợp giao đất không thông qua đấu giá, đấu thầu và các trường hợp phải thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, quy định cụ thể các trường hợp cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương.
Luật quy định cụ thể điều kiện, thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trong đó phân cấp toàn bộ thẩm quyền chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất cho HĐND cấp tỉnh trừ một số dự án theo quy định.
Quy định rõ hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trong khu dân cư, đất nông nghiệp trong cùng thửa đất có đất ở sang đất ở hoặc chuyển mục đích sử dụng các loại đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở thì căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để cho phép chuyển mục đích sử dụng đất mà không căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện như Luật Đất đai 2013.
Thứ 6: Giảm đầu mối trung gian trong giao đất, cho thuê đất.
Luật Đất đai 2024 đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thống nhất quản lý theo hướng nâng cao trách nhiệm của địa phương và kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ của Trung ương; giảm đầu mối, giảm trung gian, gắn với cải cách hành chính, giảm phiền hà, tiêu cực.
Phóng viên: Một năm nữa, Luật Đất đai 2024 sẽ có hiệu lực, đảm bảo hệ thống pháp lý trong quản lý, sử dụng đất đai, Chính phủ, ngành chuyên môn đã có các văn bản gì để thực hiện?
Đồng chí Phạm Mạnh Duyệt: Trong 260 điều luật của 16 chương đã có 91 điều giao Chính phủ quy định chi tiết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã dự thảo 4 Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, đăng tải lấy ý kiến công khai tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường và đồng thời tổ chức Hội nghị lấy ý kiến trực tiếp các địa phương.
Cụ thể ngày 29/02/2024 và ngày 01/3/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định số 12/2024/NĐ-CP của Chính phủ và lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024 với sự tham gia của các ban, bộ, ngành, các cơ quan Trung ương, đại biểu các tỉnh khu vực Trung du Miền núi phía Bắc...
Những ý kiến góp ý chi tiết của các đại biểu tại hội nghị được Bộ Tài nguyên và Môi trường ghi nhận và tiếp tục hoàn thiện các dự thảo Nghị định để sớm trình Chính phủ ban hành theo quy định, đảm bảo chất lượng, hiệu lực, hiệu quả trong thi hành.
Luật Đất đai năm 2024 với 16 chương và 260 điều đã quán triệt và cụ thể hóa và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, khơi thông nguồn lực đất đai… theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
Gửi phản hồi
In bài viết