Chủ động phòng chống nắng nóng cho đàn vật nuôi

- Bước vào mùa hè, thời tiết diễn biến phức tạp, những đợt nắng nóng với nền nhiệt cao phổ biến 35-40 độ C diễn ra gay gắt sẽ ảnh hưởng đến sức đề kháng, làm tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Do đó, người chăn nuôi cần chuẩn bị tốt các công tác phòng, chống nắng nóng bảo vệ đàn gia súc, gia cầm.

Chủ động lắp đặt hệ thống làm mát bằng quạt hút gió và giàn phun nước tự động, trần cách ly chống nóng; chủ động cung cấp đủ nước sạch cho gà uống cả ngày; đồng thời, bổ sung Vitamin C và các chất điện giải vào chế độ dinh dưỡng giúp đàn gà giải nhiệt và tăng sức đề kháng... là những biện pháp gia đình anh Ma Văn Vỹ, thôn Tứ Thông, xã Hợp Thành (Sơn Dương) thực hiện nhằm đối phó với nắng nóng, bảo vệ an toàn cho vật nuôi. Anh Vỹ cho biết, gia trại của anh có khoảng 2.500 con gà thương phẩm. Ngay từ đầu mùa hè, anh đã giảm mật độ nuôi và đầu tư trên 200 triệu đồng xây dựng chuồng gà rộng trên 300 m2 thoáng mát. Đặc biệt, anh sử dụng nền đệm lót sinh học từ trấu giúp phân giải phân gà, khử mùi, giữ vệ sinh chuồng, tạo môi trường sạch, thông thoáng. Nhờ đó, đàn gà của gia đình luôn đảm bảo sức khỏe.

Là hộ chăn nuôi lợn lâu năm, gia đình chị Nguyễn Thị Thịnh, thôn An Thịnh, xã Nhữ Hán (Yên Sơn) luôn đặt vấn đề bảo vệ an toàn đàn vật nuôi lên hàng đầu. Hiện nay, gia đình chị đang nuôi 50 con lợn thương phẩm. Chị Thịnh cho biết, để giữ cho chuồng nuôi luôn thoáng mát, sạch sẽ, gia đình tắm 2 lần/ngày cho lợn, tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh, thường xuyên phun tiêu độc khử trùng chuồng trại và môi trường xung quanh. Vào những ngày nắng nóng cao điểm, chị còn cho lợn uống thêm chất điện giải và bổ sung thêm rau xanh cho lợn. Nhờ sự chủ động này, đàn lợn của gia đình chị chưa bao giờ bị bệnh, mỗi năm cho thu nhập hơn 80 triệu đồng.

Người dân thôn Tân Thắng, xã Tú Thịnh (Sơn Dương) sử dụng bạt trần chống nóng và tăng số lượng máng uống nước cho đàn gà mùa nắng nóng.

Thời tiết nắng nóng sẽ làm cho gia súc, gia cầm giảm ăn uống và giảm sức đề kháng khiến vật nuôi dễ mắc bệnh và có thể chết. Ông Vương Văn Phúc, cán bộ khuyến nông xã Nhữ Hán cho biết, để chủ động phòng chống nắng nóng cho đàn vật nuôi địa phương đang chỉ đạo tích cực khuyến cáo các hộ chăn nuôi thường xuyên kiểm tra chuồng trại, tăng cường che phủ mái thêm các vật liệu chống nắng, tạo môi trường thoáng mát, đảm bảo nước uống đầy đủ. Đồng thời khuyến cáo người dân tuyệt đối không được chăn thả gia súc sau 10 giờ trưa và trước 2 giờ chiều để tránh gia súc bị cảm do nắng nóng.

Toàn tỉnh hiện có hơn 92.600 con trâu, 36.500 con bò, 520.000 con lợn, 650.000 gia cầm. Để chủ động phòng, chống nắng nóng cho đàn gia súc, gia cầm, ngành Nông nghiệp khuyến cáo các hộ chăn nuôi cần đảm bảo chuồng trại cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát, thích hợp với từng đối tượng vật nuôi; phủ lá cọ, rơm, trồng cây dây leo lên mái chuồng trại để chống nóng trực tiếp; thường xuyên kiểm tra, theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi; tăng số lượng máng uống, cung cấp đủ nước cho đàn vật nuôi; tránh không làm ẩm ướt nền chuồng; tăng cường thức ăn giàu đạm, giảm lượng thức ăn tinh bột, đường trong khẩu phần.

Vào những ngày nắng nóng nên giảm 5 - 10% lượng thức ăn so với những ngày bình thường; cho vật nuôi ăn làm nhiều bữa trong ngày vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát để tăng khả năng hấp thụ thức ăn, hạn chế cho ăn buổi trưa khi trời nắng nóng; tăng sức đề kháng, phòng chống “stress nhiệt” cho đàn vật nuôi bằng cách cho uống Bcomplex, Vitamin C, chất điện giải, men tiêu hóa...; tắm chải cho gia súc 1- 2 lần/ngày để giảm nhiệt cho cơ thể, không nên tắm cho gia súc vào buổi trưa và lúc nắng nóng. Người chăn nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, tiêm phòng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm theo quy định; thường xuyên thu dọn, vệ sinh chuồng nuôi, định kỳ vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi, đặc biệt sau thiên tai, dịch bệnh.

Bài, ảnh: Lý Thu

Tin cùng chuyên mục