Hướng đi mới từ cây gai xanh

- Từ thành công của mô hình sản xuất cây gai xanh AP1 tại xã Tân Thanh (Sơn Dương) ngành Nông nghiệp đã triển khai nhân rộng mô hình này. Mô hình có sự liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân các huyện Sơn Dương, Na Hang, Chiêm Hóa, Yên Sơn, bước đầu đem lại hiệu quả, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân.

Về xã Tân Thanh - nơi có diện tích trồng cây gai xanh lớn nhất của huyện Sơn Dương, một màu xanh mướt của cây gai xanh đã hiện diện trên các soi bãi, sườn đồi. Những ngày này, gia đình ông Đặng Văn Tài, thôn Vĩnh Tiến phấn khởi tiến hành thu lứa gai thứ 4. Việc sơ chế, phơi khô được tiến hành ngay tại điểm trồng nguyên liệu. Ông Tài hồ hởi cho biết, tháng 7-2021, ông tham gia Hợp tác xã Phú Sơn và chuyển 5 sào đất soi bãi trồng ngô sang trồng cây gai xanh. Sau 3 tháng, ông thu lứa đầu tiên và đến nay đã thu được 4 lứa, mỗi lứa đạt hơn 30 - 40 kg vỏ khô/sào. Với giá thu mua 40.000 đồng/kg, ông Tài thu về hơn 6 triệu đồng/lứa/ 5 sào. Trước đây, nếu trồng ngô, trừ hết chi phí sản xuất thì mỗi năm ông chỉ bỏ ra được 7- 10 triệu đồng. Hiện tại, khi chuyển sang trồng gai xanh, gia đình ông Tài thu hơn 24  triệu đồng/năm.

Trên diện tích 4,5 ha đất đồi chuyên canh cây ngô, gia đình ông Nông Văn Công, thôn Gốc Chú, xã Nhân Lý (Chiêm Hóa) mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây gai xanh AP1.  Ông Công cho biết, hồi đầu thực hiện có phần còn chưa dốc sức nhưng càng về sau, gia đình ông quan tâm chăm sóc, áp dụng kỹ thuật để đạt hiệu quả cao hơn. Điều mà ông yên tâm khi trồng gai xanh là đầu ra tiêu thụ đã có Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Sơn Dương thu mua, việc chăm sóc khá nhàn, chu kỳ khai thác dài, mỗi năm thu 4 - 5 lứa mà không phải trồng lại như cây ngô. Đặc biệt là trồng gai xanh giúp cải thiện môi trường sinh thái do không phải sử dụng thuốc trừ cỏ. Hơn 1 tháng nữa diện tích gai xanh của gia đình sẽ cho thu hoạch, ước năng suất đạt hơn 800 kg vỏ khô/lứa/ha, với giá thu mua 40.000 đồng/kg, ông thu lãi hơn 20 triệu đồng/lứa/ha.

Ông Phạm Văn Khiêm, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Sơn Dương (ngoài cùng bên phải)
 hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch cho người dân.

Ông Phạm Văn Khiêm, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Sơn Dương cho biết, Hợp tác xã có 7 thành viên và ký hợp đồng với hơn 200 hộ trồng hơn 33 ha cây gai xanh AP1 tại xã Nhân Lý, Vinh Quang, Kim Bình, Linh Phú, Tân Thịnh (Chiêm Hóa) và xã Minh Thanh, Kháng Nhật (Sơn Dương). Cây gai xanh rất phù hợp với đất soi bãi,  thung lũng, đồi thấp. Cây trồng 3 tháng sẽ được thu hoạch lứa đầu, từ lứa thứ 2 trở đi cách 2 tháng lại thu hoạch 1 lần, cho năng suất hơn 3.500 kg vỏ khô/ha/năm, cho thu nhập trên 80 triệu đồng/ha/năm. Thời gian tới, Hợp tác xã sẽ tiếp tục hợp tác thêm nhiều hộ dân tại huyện Yên Sơn, TP Tuyên Quang để mở rộng vùng nguyên liệu 50 ha trồng cây gai xanh AP1.

So với một số tỉnh phía Bắc, cây gai xanh có mặt ở Tuyên Quang muộn hơn nhưng do được trồng một cách khoa học, có sự vào cuộc của chính quyền, cơ quan chuyên môn, nên loại cây này từng bước phát huy giá trị. Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nguyễn Thị Kim cho hay, đến nay, nông dân trong tỉnh đã trồng được hơn 70 ha, trong đó, huyện Sơn Dương 22 ha, Yên Sơn 5 ha, Chiêm Hóa 33 ha, Na Hang 9 ha. Hiện trên địa bàn tỉnh có Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Sơn Dương, Hợp tác xã Phú Sơn (Sơn Dương), Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Thắng Đạt (Na Hang) là đối tác của Công ty cổ phần nông nghiệp An Phước trong phát triển vùng nguyên liệu gai xanh. Các hợp tác xã ký hợp đồng với hộ dân về cung ứng cây giống, vật tư, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, thu hoạch, bao tiêu vỏ cây gai theo giá thỏa thuận.

Thông qua mô hình này, người dân đã thay đổi tập quán canh tác từ sản xuất nhỏ lẻ manh mún mạnh ai người ấy làm sang sản xuất theo chuỗi liên kết, sản xuất có tổ chức, sản xuất theo hợp đồng, tạo vùng sản xuất nguyên liệu tập trung cung ứng cho Công ty cổ phần nông nghiệp An Phước. Ngoài ra, còn phục vụ cho chế biến thức ăn trong chăn nuôi, cải tạo đất rất tốt, cung cấp nguồn dược liệu quý giá cho các công ty dược phẩm khi cây gai hết chu kỳ khai thác… Từ đó, khuyến khích tăng cường hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trên địa bàn toàn tỉnh. Tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương, góp phần thiết thực phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

Hiện tại, cùng với việc tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây gai xanh, ngành Nông nghiệp tỉnh đã đề nghị Công ty cổ phần nông nghiệp An Phước tiếp tục tổ chức hướng dẫn nông dân, các tổ hợp tác, HTX trong khâu tổ chức sản xuất và tiêu thụ  và thanh toán tiền mua sản phẩm được thuận lợi. Cùng với đó, định hướng cho các địa phương có diện tích trồng cây gai xanh phân công cán bộ xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện, đôn đốc giám sát nhân dân chăm sóc cây gai xanh đúng quy trình kỹ thuật để cây gai xanh phát triển tốt, năng suất ổn định.          

Bài, ảnh: Lý Thu

Tin cùng chuyên mục