Kiểm soát dịch, sớm ổn định chăn nuôi lợn

- Từ cuối tháng 6 đến nay, giá thịt lợn hơi trên địa bàn giảm mạnh, trong khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục “phi mã” khiến nhiều trang trại, hộ chăn nuôi lỗ chồng lỗ. Ngoài tác động của dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ thì một nguyên nhân nữa chính là dịch tả lợn châu Phi chưa được kiểm soát đã khiến ngành hàng chăn nuôi lợn lại càng trở nên khó khăn hơn.

thị trường đang ghi nhận giá thịt lợn giảm sâu kỷ lục trong 3 năm qua, dao động ở mức từ 36 - 40 nghìn đồng/kg tùy theo từng giống, quy trình chăn nuôi lợn. Anh Lương Xuân Kỳ, chủ trang trại chăn nuôi lợn Kỳ Trang, thôn Đồng Bao, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) chia sẻ, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách, thị trường tiêu thụ lợn thịt bị thu hẹp, giờ dịch tả lợn châu Phi lại tái phát tâm lý người tiêu dùng lại e ngại càng khiến lợn thịt xuống giá. Theo anh Kỳ tháng trước gia đình xuất bán 10 tấn lợn thịt, giá 40 nghìn đồng/kg, tuy nhiên thời điểm này thương lái chỉ trả 34 -36 nghìn đồng/kg. Với giá này, dù có sản xuất được giống cũng bị lỗ.

Người dân thôn Đồng Bao, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) tái đàn lợn thịt.

Theo như anh Kỳ và nhiều chủ trang trại, hộ chăn nuôi lợn, giá thịt lợn hơi xuống thấp nhưng giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao, hiện tại bao cám ăn thẳng cho lợn thịt giá 350 - 360 nghìn đồng, tăng gần 100 nghìn so với thời điểm cuối năm 2019. Nhiều trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đều có xu hướng giảm đàn để tránh thua lỗ.

Theo nhóm thương lái buôn lợn đường dài trên địa bàn huyện Yên Sơn, Hàm Yên lượng lợn thịt đi về các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng... thời gian qua chỉ chiếm 10 - 20% so với thời điểm năm 2019 - 2020, riêng thị trường các tỉnh biên giới Hà Giang, Lào Cai, Lạng Sơn gần như dừng hẳn.

Kết quả điều tra của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tổng đàn lợn của tỉnh đang ở mức gần 550 nghìn con, tăng khoảng 40 nghìn con so với cùng kỳ năm 2020, trong đó đàn lợn thịt chiếm khoảng 60% - 70%, đây là số lợn dự kiến xuất chuồng từ nay đến tháng 12.

Theo ông Đào Duy Quý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, dịch bệnh Covid-19 đang dần được kiểm soát, tại các tỉnh, thành phố lớn đã nới lỏng giãn cách, nhiều khu công nghiệp đang dần đi vào hoạt động, các bếp ăn tập thể cũng được hoạt động trở lại điều đó khẳng định thị trường tiêu thụ lợn thịt đang dần được khơi thông. Tuy nhiên để bình ổn giá lợn thịt các địa phương cần khẩn trương áp dụng các biện pháp khống chế, dập tắt dịch tả lợn châu Phi. Tính đến ngày 19-10, toàn tỉnh ghi nhận 61 xã tái phát dịch tương đương với thời kỳ cao điểm nhất năm 2019. Điều này khiến tâm lý e ngại sử dụng sản phẩm thịt lợn. Ông Quý nhấn mạnh, để đảm bảo nguồn cung thực phẩm, đặc biệt là thịt lợn trước, trong và sau Tết Nguyên đán, các trang trại, gia trại tính toán phương án sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường; tận dụng nguồn thức ăn địa phương như: ngô, cám gạo, tinh bột, bã sắn, dong riềng... phối trộn để giảm chi phí đầu tư, hạ giá thành sản phẩm. Một điều quan trọng nữa là các trang trại, gia trại cần áp dụng triệt để biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh thú y để phòng dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi từ đó nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Tại một số trang trại chăn nuôi quy mô lớn kiểm soát dịch bệnh tốt, như trang trại chăn nuôi lợn của Công ty cổ phần Dabaco; trang trại chăn nuôi lợn Sung Kiều (Sơn Dương), lợn thịt vẫn có sức cạnh tranh rất lớn, hầu hết sản lượng được xuất bán vào các nhà máy chế biến thịt hộp. Ông Đào Duy Quý khẳng định, chăn nuôi an toàn, vệ sinh thú y đây chính là chìa khóa nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm.                                 

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục