Tăng tốc xuất khẩu

- 9 tháng năm 2021, xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả ấn tượng. Giá trị hàng hóa xuất khẩu của cả tỉnh đạt trên 117,2 triệu USD, bằng 86,2% kế hoạch năm và tăng 41,5% so với cùng kỳ năm 2020. Với mục tiêu hoàn thành gần 19 triệu USD trong những tháng cuối năm, ngành công thương đang tập trung quyết liệt các giải pháp, tự tin tăng tốc.

Tận dụng lợi thế “vùng xanh”

Với lợi thế “vùng xanh”, sản xuất không bị gián đoạn bởi dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp ngoài việc hoàn thành các đơn hàng của mình, còn nhận thêm các đơn hàng của các doanh nghiệp ở những tỉnh vùng dịch để sản xuất là cơ hội để gia tăng xuất khẩu hàng hóa, hoàn thành vượt mức kế hoạch đã đề ra từ đầu năm.

Các mặt hàng nhập khẩu nhiều trong 9 tháng qua chủ yếu là linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu trong ngành da giày, dệt may... Đây cũng là các lĩnh vực sản xuất đang có sự phục hồi nhanh chóng khi các thị trường nhập khẩu phục hồi. 

May mặc là một trong những mặt hàng có kết quả ấn tượng nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh. Nhiều doanh nghiệp, hàng sản xuất trong 9 tháng đã đạt và vượt kế hoạch năm. Như Công ty MSA-YB đã hoàn thành trên 1,8 triệu sản phẩm; Seshin VN2 đã hoàn thành gần 9 triệu sản phẩm; Công ty May Tuyên Quang đã xuất khẩu 1,2 triệu sản phẩm...

Xưởng sản xuất của Công ty May Tuyên Quang những ngày này hoạt động hết công suất. Số lượng công nhân mới được tuyển dụng và đào tạo nghề ngay tại nhà máy cũng liên tục tăng. Ông Nguyễn Đăng Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Công ty May Tuyên Quang cho biết, nhờ các đơn hàng của các doanh nghiệp trong vùng dịch chuyển sang mà công nhân của công ty gần như làm không hết việc. Lượng hàng xuất khẩu của doanh nghiệp 9 tháng của doanh nghiệp đã tăng trên 110% so với kế hoạch năm. Dự kiến trong 3 tháng cuối năm, Công ty sẽ xuất khẩu thêm 1,5 triệu sản phẩm sang các thị trường Mỹ, EU.

Nhờ nhận thêm các đơn hàng gia công cho doanh nghiệp ở vùng dịch, công nhân Công ty May Tuyên Quang có việc làm liên tục.

Không may mắn như ngành da giày, may mặc, một số mặt hàng có lợi thế của tỉnh như bột giấy, giấy in viết, phong bì, đũa, chè... giá trị hàng hóa xuất khẩu không đạt như kỳ vọng. Nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp, nền kinh tế của nhiều quốc gia gặp nhiều khó khăn nên các doanh nghiệp khó khăn trong tìm kiếm khách hàng và ký đơn hàng, khó khăn trong hoạt động vận chuyển, cước vận tải biển cao, không có tàu vận chuyển hàng đi quốc tế...

Ông Hoàng Minh Sơn, Giám đốc Hành chính nhân sự, Công ty cổ phần Giấy An Hòa cho biết, thị trường tiêu thụ các sản phẩm giấy của doanh nghiệp chủ yếu là Trung Quốc. Thời gian này, thị trường này đang dần bị thu hẹp lại do phải cạnh tranh với các mặt hàng cùng loại của Indonesia và Thái Lan. Ngoài ra, do các nhà máy lớn trên thế giới đều tồn kho nên giá bán sản phẩm giảm sâu, nếu công ty chấp nhận giá thấp thì sản phẩm sẽ dưới mức giá sản xuất. Ông Sơn hy vọng, những tháng cuối năm, dịch bệnh được kiểm soát, việc xuất khẩu hàng hóa sẽ thuận lợi hơn. Công ty cũng đang tập trung tìm kiếm thêm các thị trường mới thay vì chỉ một thị trường như hiện nay.

Tạo thuận lợi tối đa cho xuất khẩu

Theo dự báo của ngành Công thương, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới khi mà các hiệp định thương mại tự do mà nước ta tham gia đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn. Đặc biệt, các hiệp định CPTPP, EVFTA... sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Để hoàn thành mục tiêu giá trị xuất khẩu hàng hóa của năm đạt 136 triệu USD, tận dụng sự phục hồi của thị trường Mỹ và châu Âu, tỉnh sẽ đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh như: dệt may, da giày, đồ gỗ... phục vụ dịp mua sắm cuối năm. 

Bà Nguyễn Thị Kim Cúc, Phó Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu và hợp tác quốc tế, Sở Công thương  cho biết, một trong những giải pháp trọng tâm của tỉnh thời gian này là tập trung các biện pháp phát triển vùng sản xuất hàng xuất khẩu tập trung, các mặt hàng xuất khẩu với sản lượng lớn, trên cơ sở đó xây dựng thương hiệu sản phẩm của tỉnh. Đồng thời phối hợp, giữ mối quan hệ với tham tán thương mại ở nước ngoài để khai thác, thu thập thông tin thị trường cung cấp doanh nghiệp, hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu và quảng bá sản phẩm, hàng hóa của tỉnh.

Công nhân Công ty May Tuyên Quang kiểm tra hàng trước khi xuất kho.

Đối với những doanh nghiệp xuất khẩu lớn như Công ty TNHH MTV Seshin VN2, Công ty TNHH MSA - YB, các công ty sản xuất giày dép xuất khẩu, cần chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh, tạo dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa, chủ động khôi phục thị trường xuất khẩu truyền thống, tìm kiếm thị trường xuất khẩu, triển khai tốt các quy định, yêu cầu liên quan nhằm đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với nước nhập khẩu. Những doanh nghiệp có nhiều lợi thế như may mặc cần xây dựng kế hoạch cụ thể để đào tạo lao động, giữ ổn định nguồn lao động để mở rộng sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, theo dự báo, do ảnh hưởng của tăng giá cả nguyên, nhiên vật liệu trên thế giới, cước, phí vận chuyển hàng hóa quốc tế tăng cao... làm gia tăng giá trị nhập khẩu, ảnh hưởng tới giá thành và sức cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu của tỉnh. Chính vì vậy, để không bị ảnh hưởng, ngoài những chính sách hỗ trợ của tỉnh, các doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động nghiên cứu, tìm hiểu, cập nhật những yêu cầu, điều kiện của thị trường xuất khẩu; chú trọng, quan tâm thực hiện các giao dịch xuất khẩu theo thông lệ quốc tế thông qua hợp đồng mua bán ngoại thương; chủ động các biện pháp để sẵn sàng chuyển đổi sang hình thức chính ngạch như: tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại... Đồng thời thường xuyên cập nhật diễn biến thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc để chủ động có kế hoạch sản xuất, đóng gói, giao nhận, xuất khẩu hàng hóa; thực hiện xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch.

Hiện nay, ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp sản xuất, tỉnh cũng ưu tiên quỹ vắc xin để tiêm phòng cho công nhân làm việc tại các doanh nghiệp, nhà máy. Đây chính là một trong những điều kiện tiên quyết, đảm bảo ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.

Bài, ảnh: Trần Liên

Tin cùng chuyên mục