Làng homestay “giữ lửa” nghề thổ cẩm

- Nghề dệt thổ cẩm đang phát triển khá sôi động tại các bản làng ở xã Thượng Lâm (Lâm Bình). Nghề dệt thổ cẩm được khôi phục không chỉ giúp người dân bản địa giữ gìn được bản sắc truyền thống của dân tộc mình mà còn là cầu nối để du khách biết đến nhiều hơn về miền đất và văn hóa của người Tày ở Thượng Lâm.

Homestay Hoàng Tuấn, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) vẫn giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo của người Tày.

Ở Thượng Lâm, nghề dệt thổ cẩm đã góp phần đẩy mạnh phát triển du lịch. Loại hình du lịch homestay ở các ngôi làng nơi đây đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Xã Thượng Lâm hiện có 21 hộ kinh doanh dịch vụ du lịch homestay, tập trung ở các thôn Bản Chợ, Nà Tông. Điều đặc biệt là tại các nhà sàn của người Tày làm homestay nơi đây đều có khung cửi dệt thổ cẩm. Các gia đình làm vậy là muốn du khách đến đây được trải nghiệm cách thêu dệt nên các sản phẩm thổ cẩm của người dân bản địa; hiểu rõ hơn về văn hóa của người Tày nơi đây.

Không chỉ có những khung cửi với những cuộn chỉ rực rỡ sắc màu đặt sẵn tại góc nhà sàn, tại các homestay còn bày bán các sản phẩm thổ cẩm. Từ chiếc áo của người phụ nữ Tày, đến chiếc chăn, gối, quả còn, hay những món đồ lưu niệm xinh xinh đều được bày bán. Các sản phẩm thổ cẩm được thêu thủ công rất tỷ mỷ với những hoa văn là những loài hoa dân dã của núi rừng gắn với bà con vùng cao như hoa xoan, hoa cây phay hay hình con chó, mặt trăng… Từ các sản phẩm này cũng chính là một trong những cách để người dân bản địa quảng bá văn hóa thu hút khách du lịch.

Gian trưng bày các sản phẩm thổ cẩm truyền thống tại homestay Hoàng Tuấn, xã Thượng Lâm (Lâm Bình)

Ngôi nhà sàn của bà Triệu Thị Xướng, chủ homestay Hoàng Tuấn, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) nằm nép mình dưới chân núi có phong cảnh hữu tình đã được nhiều du khách lựa chọn làm điểm dừng chân. Bà Xướng chia sẻ: để du khách cảm nhận được không gian văn hóa đặc trưng của người Tày, bà đã giữ gìn lại những nét xưa, hồn cũ của làng Tày xưa, như nếp nhà sàn cổ, các món ăn bản địa, hệ thống chăn, ga, gối, rèm cửa tại các gian phòng của gia đình đều được trang trí bằng sản phẩm thổ cẩm có hoa văn tinh xảo, tại khu vực hiên nhà hay cầu thang được treo những quả còn sặc sỡ sắc màu.

Các thành viên của Tổ hợp tác Thêu, dệt thổ cẩm xã Thượng Lâm trao đổi kinh nghiệm thêu hoa văn trên tấm chăn thổ cẩm.

Đặc biệt bà Xướng còn cho xây dựng cả một gian trưng bày các sản phẩm thổ cẩm truyền thống như những chiếc khăn, mũ, chăn, gối… để du khách cảm nhận được không gian văn hóa truyền thống nơi đây. Đó cũng là những món đồ lưu niệm để du khách mua về làm quà khi đến với mảnh đất này.

Để thúc đẩy nghề dệt thổ cẩm của địa phương phát triển gắn liền với du lịch bản địa, các hộ dân trên địa bàn xã đã thành lập được một tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm xã Thượng Lâm. Tổ thêu dệt thổ cẩm này đến nay có 19 thành viên. Từ dệt thổ cẩm, các thành viên đã có mức thu nhập từ 1,5 đến 2 triệu đồng/tháng.

Tìm hiểu về ẩm thực tại homestay Triệu Cường, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình).

Ông Ma Công Khâm, Chủ tịch UBND xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình cho biết, tạo điều kiện để nghề dệt thổ cẩm truyền thống phát triển, xã đã hỗ trợ, khuyến khích các hộ dân mở rộng mô hình tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm. Trong đó, theo Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh, xã đã và đang triển khai thủ tục hỗ trợ tổ thêu dệt thổ cẩm xã Thượng Lâm về khung cửi; hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề cho các thành viên; mở rộng kết nối thị trường và tiến tới thành lập HTX dệt thổ cẩm nhằm thu hút vốn đầu tư. Phát triển nghề dệt thổ cẩm gắn với du lịch bản địa là mục tiêu mà chính quyền xã Thượng Lâm kỳ vọng trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 và những giai đoạn tiếp theo.

Cùng với việc khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm, xã Thượng Lâm còn được thiên nhiên ban tặng cho cảnh quan thiên nhiên đẹp, có núi, sông, hồ, có rừng nguyên sinh và những cánh đồng… được bao quanh bởi những dãy núi. Đây là điều kiện thuận lợi để địa phương khai thác phát triển du lịch trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Cảnh Trực

Tin cùng chuyên mục